Thứ Ba, 15/10/2024
Học và làm theo Bác
Thứ Sáu, 15/9/2023 6:0'(GMT+7)

Huyện Nhà Bè: Lan tỏa giá trị tinh thần từ không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Thầy Dương Công Lý, Hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Hưu chia sẻ về những cuốn sách, tư liệu quý trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh của Nhà trường.

Thầy Dương Công Lý, Hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Hưu chia sẻ về những cuốn sách, tư liệu quý trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh của Nhà trường.

CHỦ ĐỘNG XÂY DỰNG KHÔNG GIAN VĂN HÓA HỒ CHÍ MINH PHÙ HỢP VỚI ĐIỀU KIỆN ĐƠN VỊ, ĐỊA PHƯƠNG

Từ trường học

Bước vào mùa tựu trường năm học 2023-2024, thầy và trò trường THCS Lê Văn Hưu đã dày công sưu tầm thêm nhiều cuốn sách, hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, làm giàu thêm nguồn tư liệu cho “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” của trường. Đây cũng là nơi để thầy cô và học trò nhà trường sinh hoạt truyền thống.

Chính thức đưa vào hoạt động nhân dịp kỷ niệm 132 năm sinh nhật Bác (19/5/1890 - 19/5/2022), Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trường THCS Lê Văn Hưu trưng bày những mẩu chuyện, hình ảnh, tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh theo các chủ đề: Thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước; Nguyễn Ái Quốc - Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc - Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch Hồ Chí Minh hành trình kháng chiến chống thực dân Pháp; Bác Hồ với sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; Đại thắng mùa Xuân 1975 - đỉnh cao của nghệ thuật lãnh đạo chiến tranh cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, mỗi cuốn sách trong Không gian văn hóa đều được thầy Dương Công Lý, Hiệu trưởng nhà trường tự tay bọc thêm một lần lớp bìa nylon để giữ sách không bị rách, mang tính thẩm mỹ cao.

Trong “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, nhà trường cũng đã trưng bày những hình ảnh về các thành tựu trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của Thành phố và của huyện Nhà Bè trong thời gian qua; hình ảnh của thầy và trò trường THCS Lê Văn Hưu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

“Hiện nay, Nhà trường cũng trang bị thêm máy tính trong Không gian văn hóa  Hồ Chí Minh để các thầy cô giáo và học trò có thể truy cập, cập nhật thêm nhiều thông tin về Đảng và Bác kính yêu trên internet. Các thầy cô trong nhà trường đã dày công sưu tập tất cả những tư liệu trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, mong muốn lan tỏa những thông tin, những câu chuyện truyền cảm hứng, nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, giáo viên và học sinh của trường THCS Lê Văn Hưu ngày đi vào chiều sâu, trở thành nền nếp, việc làm thường xuyên của mỗi cá nhân. Việc xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại trường THCS Lê Văn Hưu cũng nhằm góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa Hồ Chí Minh trong từng cơ quan, đơn vị và từng đối tượng dân cư trên địa bàn huyện nói chung và xã Phú Xuân nói riêng bằng các hành động thiết thực, cụ thể. Quan trọng hơn, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong trường học góp phần xây dựng nền tảng đạo đức, lối sống cho học sinh, giúp học sinh bồi đắp lý tưởng cao đẹp trong cuộc sống”. - Thầy Dương Công Lý chia sẻ.

Tới các thiết chế văn hóa

Mùa hè năm 2023, các cháu nhỏ ở tổ 13, khu phố 5, thị trấn Nhà Bè có thêm một địa điểm để sinh hoạt hè, vui chơi và nhất được nghe kể những câu chuyện về Bác Hồ kính yêu; tìm hiểu về cuộc đời và hoạt động của Bác qua những bức ảnh tư liệu quý giá. Đó chính là Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Di tích kiến trúc Nghệ thuật Đình Phú Xuân, huyện Nhà Bè. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Đình Phú Xuân trưng bày gồm các kệ sách trưng bày các tác phẩm văn học, nghệ thuật, sách báo về Bác Hồ; giới thiệu các mốc thời gian quan trọng gắn với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Bác Lê Thành Đức, 60 tuổi, Phó trưởng ban quản lý Di tích Kiến trúc Nghệ thuật Đình Phú Xuân cho biết: “Từ ngày có Không gian văn hóa  Hồ Chí Minh, ngôi đình của chúng tôi sáng chiều rộn ràng tiếng các cháu nhỏ. Các cháu đến đọc sách, tập văn nghệ, quét dọn sân đình, tưới nước cho các cây xanh. Người lớn trong khu phố cũng đến sân đình tập thể dục, ngắm nhìn những bức ảnh tư liệu về Bác Hồ. Vui lắm!”.

a

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Di tích kiến trúc Nghệ thuật Đình Phú Xuân, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh.

...Và khu dân cư

Tại xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam đã xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” với các nội dung phong phú: Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp về tuyên truyền học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quảng bá hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nội dung về Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW. Đồng thời, tổ chức triển lãm hình ảnh về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tác phẩm hội họa, những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Chúng tôi xây dựng tủ sách và quét mã vạch QR truy cập sách điện tử về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xây dựng phòng truyền thống - phòng thờ Bác Hồ với bàn thờ Tổ quốc, tượng Bác, hình ảnh về thân thế, cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác kết hợp giới thiệu hình ảnh lãnh đạo xã qua các thời kỳ và trưng bày những thành tích tiêu biểu, nổi bật của xã qua các giai đoạn phát triển… Qua đó, mong muốn bồi đắp tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân trên địa bàn xã”. - Đồng chí Bùi Trung Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã Phước Lộc cho biết.

Trong thời gian tới, xã Phước Lộc tiếp tục triển khai nhân rộng, lan tỏa “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” đến các trường học, chi bộ, các ấp trên địa bàn. Trong đó, các đơn vị trường học sẽ triển lãm, giới thiệu, quảng bá về hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua những hình ảnh trực quan sinh động để học sinh, phụ huynh tiếp cận được hình ảnh, thông tin về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhanh chóng, thuận tiện nhất. Bên cạnh đó, các trường học xây dựng phòng truyền thống triển lãm về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Các ấp cũng triển khai tủ sách thông minh điện tử thông qua mã quét QR; trang trí lại văn phòng Ban nhân dân các ấp, trong đó tăng cường hình ảnh trực quan về Chủ tịch Hồ Chí Minh để người dân đến sinh hoạt, học tập và tìm hiểu về giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh. Cấp ủy các chi bộ trực thuộc cũng sẽ tăng cường các giải pháp theo tuyến nội dung của Đảng ủy triển khai; tùy theo điều kiện đặc thù riêng của mỗi chi bộ có thể vận dụng hiệu quả, linh hoạt và sáng tạo những mô hình, cách làm phù hợp, để từ đó tạo sự lan tỏa trong cộng đồng…

Tham quan khu vực triển lãm Hình ảnh cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Không gian văn hóa xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tham quan khu vực triển lãm Hình ảnh cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Không gian văn hóa xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây chỉ 3 trong số rất nhiều mô hình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được triển khai xây dựng tại huyện Nhà Bè với mong muốn, khắc họa hình ảnh của Bác đến gần hơn nữa với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đưa việc học và làm theo Bác trở thành công việc tự thân, tự giác, thường xuyên. Với cách làm linh hoạt, sáng tạo, thời gian qua, huyện Nhà Bè và các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã chủ động xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện đơn vị, địa phương.

Huyện ủy Nhà Bè tổ chức ngày hội Văn hóa đọc, triển lãm sách, ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân lễ khánh thành Công viên Phú Xuân (đây là công viên đầu tiên của huyện Nhà Bè); ra mắt phòng tưởng niệm Bác Hồ. Trong những ngày lễ, tết, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, các ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân đều tổ chức dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị thuộc huyện Nhà Bè đều tổ chức triển lãm hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Bác; xây dựng phòng truyền thống thể hiện tình cảm của Nhân dân với Bác; trưng bày sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức các hội nghị biểu dương gương tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; xây dựng các chuyên mục giới thiệu gương “người tốt, việc tốt”, các mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW; tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Những ca khúc mới về Bác được chuyển sang thể loại karaoke và tổ chức hội thi hát thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia; triển khai, thực hiện thư viện sách điện tử về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên không gian mạng, tạo chuyện mục radio “Mỗi tuần một chuyện kể về Bác Hồ”. Đảng ủy xã Phước Lộc huyện Nhà Bè thực hiện MV ca nhạc “Lời ca dâng Bác“ gồm 10 ca khúc hát về Bác Hồ góp phần thực hiện không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng....

Có thể khẳng định,  tuy quy mô, mô hình xây dựng còn khiêm tốn, nhưng việc chủ động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI bằng những việc làm thiết thực, sáng tạo tại huyện, các xã - thị trấn, các cơ quan, đơn vị của Nhà Bè trong thời gian qua bước đầu tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong việc hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Khánh thành “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Thánh thất Cao Đài, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè.

Khánh thành “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Thánh thất Cao Đài, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè.

XÂY DỰNG KHÔNG GIAN VĂN HÓA HỒ CHÍ MINH GẮN VỚI GÌN GIỮ VÀ PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG CỦA VÙNG ĐẤT NHÀ BÈ

Theo đồng chí Nguyễn Thị Hồng Dung, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nhà Bè, xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại huyện Nhà Bè là việc làm thiết thực thể hiện tình cảm sâu sắc của Đảng bộ và Nhân dân huyện Nhà Bè đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Huyện ủy Nhà Bè cũng thống nhất, nội dung xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải bắt đầu từ các chi bộ, chi đoàn, chi hội, từ các tổ chức, các doanh nghiệp; phạm vi phù hợp với các tầng lớp nhân dân, thể hiện nét đặc trưng văn hóa, hình ảnh thành phố Hồ Chí Minh, văn hóa và hình ảnh huyện Nhà Bè trong mỗi người dân. Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với gìn giữ và phát huy truyền thống cách mạng của vùng đất Nhà Bè, giữ gìn một di sản văn hóa phi vật thể, một địa danh lâu đời, quen thuộc với các di tích lịch sử; là bước đột phá về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.

Huyện Nhà Bè là nơi có những di sản văn hóa, có Đình Phú Xuân (khu phố 5 - Thị trấn Nhà Bè) được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố; có 2 mộ cổ và 2 nhà cổ. Ngoài ra, trên địa bàn Huyện còn có hơn 20 công trình văn hóa như Đình, Chùa, Nhà thờ, Thánh thất với nhiều kiến trúc đẹp và sắc sảo; chợ nổi trên sông; thủy đài, lễ hội đua ghe, nghệ thuật đờn ca tài tử. Những dấu tích lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng chính là sợi dây nối liền các cộng đồng dân cư qua các giai đoạn hình thành và phát triển huyện Nhà Bè. Trong giai đoạn hiện nay, Nhà Bè đang định hướng thành đô thị vệ tinh của thành phố Hồ Chí Minh từ một huyện ngoại thành với ưu thế có cảng nội địa, dư địa phát triển hạ tầng nhà ở, tập trung ở xã Hiệp Phước và Phước Kiển. Và đây là xu hướng phát triển các đô thị vệ tinh xung quanh trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, Nhà Bè rất quan tâm đến việc phát triển văn hóa địa phương kết hợp với xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Dung cho biết, trong kế hoạch xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với giữ gìn và phát huy đặc trưng văn hóa tại huyện, Huyện ủy sẽ thường xuyên tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ trong các ngày lễ, tết giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các khu dân cư, chung cư, các tụ điểm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ để người dân Nhà Bè hiểu biết hơn và tự hào về sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, góp phần làm cho văn hóa Hồ Chí Minh thấm sâu vào người dân đang sinh sống, học tập và làm việc tại địa phương Nhà Bè. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cũng được lồng ghép với đề án phát triển du lịch ven sông, Nhà Bè trùng tu bảo tồn những khu nhà cổ thành những địa điểm du lịch kết hợp giáo dục lịch sử truyền thống địa phương, về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Huy động mọi nguồn lực xã hội hóa trong và ngoài huyện đầu tư các hoạt động văn hóa, văn nghệ, xây dựng các thiết chế văn hóa.

“Chúng tôi cũng phát động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, chức sắc tôn giáo và nhân dân treo ảnh Bác Hồ tại gia đình, công sở, cơ quan, nơi làm việc, cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng dân gian, di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn; tổ chức lễ giỗ Bác Hồ vào ngày 2 tháng 9 hằng năm; tổ chức các Hội thi sáng tác văn học, nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; liên kết tổ chức mô hình đường sách và phát triển văn hóa đọc, trong đó thiết kế một số gian hàng trưng bày các ấn phẩm, tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh” - Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Dung chia sẻ.

Có thể khẳng định, việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí  Minh gắn với phát huy các giá trị lịch sử văn hóa địa phương gắn với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn huyện Nhà Bè nhằm tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa yêu nước, ý thức tự lực tự cường và khát vọng giải phóng dân tộc, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho người dân địa phương và du khách tới đây thăm quan.

Tham quan khu vực triển lãm Hình ảnh cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Không gian văn hóa xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022), thị trấn Nhà Bè đã tổ chức lễ khai mạc “Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh” và Ngày hội văn hóa đọc.

LỰA CHỌN NỘI DUNG PHÙ HỢP VỚI XÂY DỰNG KHÔNG GIAN VĂN HÓA HỒ CHÍ MINH

Trong thời gian tới, huyện Nhà Bè sẽ thực hiện không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong khuôn viên Huyện ủy, Ủy ban nhân dân Huyện; tại trụ sở Ban Tiếp Công dân và tại Công viên Phú Xuân; đẩy mạnh vận động các cơ sở tôn giáo (Cao Đài, Tin Lành và Phật Giáo) cùng tham gia xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh; tập trung xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với Đề án phát triển kinh tế ven sông, gắn với đặc trưng văn hóa vùng đất Nhà Bè.

Để tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại huyện Nhà Bè, Ban Tuyên giáo Huyện ủy tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung triển khai, thực hiện một số giải pháp trọng tâm như sau:

Thứ nhất, tập trung, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân về không gian văn hóa Hồ Chí Minh và mục tiêu xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, gắn với triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giúp các cấp ủy đảng, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động và mọi tầng lớp nhân dân nhận thức rõ về nhiệm vụ xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí minh; từ đó tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại huyện Nhà Bè.

Thứ hai, phát huy các thiết chế văn hóa hiện có, gắn với đẩy mạnh việc thực hiện thường xuyên chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh góp phần hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Trong đó, chú trọng xây dựng không gian giáo dục lịch sử - văn hóa và sinh hoạt cộng đồng (trưng bày, triển lãm, tổ chức các sự kiện lịch sử - văn hóa theo các chủ đề), là nơi trưng bày, giới thiệu về kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực, đặc biệt trong giáo dục tư tưởng, giáo dục văn hóa.

Thứ ba, nghiên cứu và lựa chọn nội dung phù hợp với những đặc trưng văn hóa huyện Nhà Bè trong xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Trong đó, lựa chọn học tập và tuyên truyền những giá trị điển hình trong trong tư tưởng, đạo đức, phong cách cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh như tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách, lòng nhân ái, yêu thương con người, kết hợp phát triển du lịch đường sông với những lễ hội truyền thống của huyện Nhà Bè như đua ghe, chợ nổi. Trong từng lĩnh vực, phải thật sự đặc biệt chú trọng xây dựng phẩm chất đạo đức, chuẩn mực đạo đức cho từng đối tượng cụ thể như chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đối với giáo viên, công chức, đoàn viên, hội viên…

Thứ tư, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để giáo dục, truyền bá nâng cao các giá trị văn hóa, con người Nhà Bè nói riêng và con người Thành phố Hồ Chí Minh nói chung, bên cạnh đó, chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, đưa các tác phẩm văn học nghệ thuật (sách, các vỡ diễn kịch, cải lương, ca nhạc, phim,…) về phục vụ Nhân dân nhiều hơn, góp phần đưa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào đời sống xã hội trên địa bàn huyện Nhà Bè.

Thứ năm, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng, thực hiện chia sẻ đường link, các tài khoản đã được số hóa của các địa phương, đơn vị, nhất là của Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Thành phồ Hồ Chí Minh cung cấp cho các cơ quan, đơn vị, cấp ủy cơ sở. Đây là yếu tố quan trọng góp phần lan tỏa sâu, rộng cuộc đời, thân thế sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, văn hóa Hồ Chí Minh; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên cơ sở phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, kết hợp với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại, góp phần xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh “Văn minh, hiện đại, nghĩa tình” và huyện Nhà Bè ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Thu Hằng

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất