Thứ Bảy, 9/11/2024
Học và làm theo Bác
Thứ Sáu, 8/9/2023 17:8'(GMT+7)

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng dân Khánh Hòa

Quang cảnh Khu Đền thờ Bác Hồ tại nhà ông Bùi Xuân Phước.

Quang cảnh Khu Đền thờ Bác Hồ tại nhà ông Bùi Xuân Phước.

Ông Bùi Xuân Phước sinh năm 1935, tại Đà Nẵng, lớn lên ở Phú Yên, tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi, từng trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đất nước thống nhất, ông Phước trở về quê hương Phú Khánh tham gia thành lập Bảo tàng và được giao chức vụ Trưởng phòng Bảo tồn, bảo tàng Ty Thông tin văn hóa Phú Khánh. Năm 1989 khi tách tỉnh Phú Khánh (thành tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên), Ông Phước được điều ra Tuy Hòa làm Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phú Yên cho đến khi nghỉ hưu.

Từ thuở thiếu niên đến khi trưởng thành, được học tập, chiến đấu, công tác trong môi trường quân đội và ngành bảo tàng, tình yêu đối với vị lãnh tụ Hồ Chí Minh đã thấm sâu vào máu thịt của người cựu chiến binh từ lúc nào không biết. Ông Phước luôn nung nấu, ấp ủ, mơ ước sau khi nghỉ hưu sẽ lập một bảo tàng “thu nhỏ” về Bác Hồ ở chính vùng quê mình sinh sống.

Đồng chí Hồ Văn Mừng, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Nha Trang cùng lãnh đạo TP. Nha Trang dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 54 năm Ngày mất của Người (người thứ 3 từ trái sang) ảnh Hữu Thông.

Đồng chí Hồ Văn Mừng, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nha Trang cùng lãnh đạo TP. Nha Trang dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 54 năm Ngày mất của Người . (Ảnh: Hữu Thông).

Năm 1995, sau khi có quyết định nghỉ hưu, ông Phước bắt tay vào việc xây dựng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước đó, ông Phước có chuyến đi xuyên Việt bằng xe máy hơn 4 tháng để thăm lại chiến trường xưa, thăm đồng đội, đồng nghiệp trong ngành bảo tàng, khảo cổ, kết hợp tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm sưu tầm tư liệu, hình ảnh, hiện vật về Người.

Tháng 10/1997, ông bắt đầu khởi công xây dựng công trình theo quy hoạch trên thửa đất rộng hơn 2.200 m2, tại xã Phước Đồng, cách trung tâm TP. Nha Trang 7 km về hướng Tây - Nam. Ông Phước thiết kế khuôn viên gia đình mình theo 2 trục chính: Đất nước - Gia đình, theo đó, trục Đông - Tây thờ Tổ tiên; trục Bắc - Nam thờ Bác Hồ, các anh hùng liệt sĩ và quy hoạch theo từng giai đoạn: Từ năm 1997 - 2000, hoàn thành Khu đền thờ Bác Hồ và đưa vào sử dụng. Từ năm 2000 - 2010, hoàn thành việc sưu tầm và trưng bày những dấu son về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy tác dụng giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Từ năm 2010 - 2025, tiếp tục sưu tầm tư liệu, hiện vật, trùng tu, nâng cấp Khu tưởng niệm, đón tiếp chu đáo các đoàn khách đến tham quan, học tập, dâng hương, kỷ niệm các ngày lễ lớn.

Ông Bùi Xuân Phước đang kể chuyện về Bác Hồ

Ông Bùi Xuân Phước đang kể chuyện về Bác Hồ

Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan, năm 2000, công trình đầu tiên là Đền thờ Bác Hồ được khánh thành, nhưng mãi đến năm 2010, các công trình chính mới cơ bản hoàn thành như: Đền thờ Bác Hồ (rộng 80 m2 gồm không gian trưng bày hiện vật, tư liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác), tượng đài Bác Hồ, tượng đài chiến sĩ Sư đoàn 305 (Ba Tơ), tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng, Hội trường (sức chứa hơn 100 người), Hồ sen - ao cá (rộng 1.000 m2), vườn hoa cây cảnh…

Từ cổng vào, khách đi trên con đường hàng rào râm bụt như đường vào nhà Bác ở Làng Sen, sẽ nhìn thấy tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng trên đài hoa sen ở trước sân (bức tượng cao 1,9 m, rộng 60 cm). Bước vào bên trong đền thờ sẽ được hòa mình trong không khí trang nghiêm, với bàn thờ Bác luôn tỏa hương thơm ngát, phía sau bức ảnh lồng kính khổ lớn ghi lại thời khắc Người lúc lâm chung, khiến cho những ai đến viếng đều xúc động, ngỡ mình đang được vào lăng viếng Bác. Bên trên là tượng chân dung Bác Hồ bằng đồng nặng gần 100 kg do Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng năm 2016. Xung quanh vách tường có hơn 150 hình ảnh, hiện vật về Bác Hồ được ông Phước dày công sưu tầm, sao chụp, phục chế, xếp đặt trang trọng trong khung kính, tủ kính có chú thích rõ ràng, theo từng chủ đề: Quê hương, gia đình, thời niên thiếu; những ngày đầu tham gia phong trào yêu nước; hành trình đi tìm đường cứu nước; sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam; đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam)…

Đến viếng thăm Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với nhiều hình ảnh, hiện vật được trưng bày như: Mô hình tàu Amiral Latouche Tréville mà người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với tên gọi Văn Ba đã lên tàu ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 05/6/1911 (do Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh) chế tác; mô hình ngôi Nhà sàn, Bác đã sống và làm việc ở Phủ Chủ tịch sau năm 1954; bản sao viên gạch hồng Người dùng để sưởi ấm trong thời gian ở Pháp những năm 1919 - 1923; Bản sao micro Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Ngôi nhà sàn, chiếc áo kaki, đôi dép cao su, chiếc mũ cát, chiếc vali dây da, viên gạch hồng… ông Phước cho biết, tất cả các hiện vật này được phục chế nguyên bản tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Ông Phước tâm sự: “Sâu thẳm trong tâm khảm tôi, luôn tự hào, biết ơn, kính trọng vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Tôi cũng mong muốn người dân, du khách có thêm một điểm đến ý nghĩa, để các thế hệ hôm nay và mai sau hiểu sâu sắc hơn thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Tôi tự coi việc làm này là bổn phận, trách nhiệm của mình và quyết làm cho bằng được, mặc dù gặp không ít khó khăn”.

Để có một khu tưởng niệm về Bác Hồ như một “bảo tàng thu nhỏ” như ngày hôm nay, gần 30 năm ròng rã, ông Phước phải lặn lội từ Nam ra Bắc, hễ nghe ở đâu có Bảo tàng Hồ Chí Minh hoặc chi nhánh bảo tàng là ông Phước tìm đến nơi để nghiên cứu, học hỏi, sưu tầm tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác Hồ. Trong suốt quá trình xây dựng, sưu tầm tư liệu, ông Phước luôn nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự giúp đỡ của nhiều tổ chức, cá nhân, chuyên gia về ngành bảo tàng.

Ông

Ông Bùi Xuân Phước trong khuôn viên khu tưởng niệm Hồ Chí Minh 

Bà Lê Thị Ngọc Thúy, phường Phước Tân, TP. Nha Trang chia sẻ: “Đồng chí Phước đã tự nguyện bỏ công sức, tiền của để xây dựng nên Khu tưởng niệm này, chúng tôi thấy việc làm của đồng chí Phước rất tốt đẹp, rất có ý nghĩa đối với việc giáo dục truyền thống, nên chúng tôi rất ủng hộ và đóng góp công sức cùng với đồng chí Phước để xây dựng khu tưởng niệm, để nơi đây trở thành địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống, sinh hoạt chính trị”.

Trong những ngày Tháng 9 lịch sử này, rất đông người dân, học sinh và du khách về Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, dâng hương, tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao vĩ đại của vị lãnh tụ kính yêu. Hễ có đoàn khách đến tham quan, ông Phước say sưa thuyết minh như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp, mỗi hiện vật, tư liệu, hình ảnh đều chất chứa những câu chuyện cảm động về Người. Từ đầu năm 2023 đến nay, đã đón tiếp hơn 100 đoàn khách với hơn 3.000 lượt người đến dâng hương, học tập, nghiên cứu, sinh hoạt chính trị, tổ chức kết nạp Đảng viên, Đoàn viên mới, ông Phước chia sẻ.

Đồng chí Hồ Văn Mừng, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Nha Trang cho biết: “Cấp ủy, chính quyền thành phố Nha Trang trân trọng, ghi nhận, đánh giá cao tấm lòng và những việc làm cao đẹp của đồng chí Bùi Xuân Phước đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta. Lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, UBND xã Phước Đồng, phòng, ban liên quan, tổ chức chính trị - xã hội hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để Khu tưởng niệm ngày càng phong phú hơn về tư liệu, nhất là tư liệu, hình ảnh về tình cảm của Đảng bộ, Nhân dân Khánh Hòa đối với Bác Hồ kính yêu. Đây là địa chỉ đỏ giáo dục tinh thần học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là điểm tham quan thật sự ý nghĩa của du khách trong và ngoài nước”.

Lễ kết nạp Đảng viên cho cho quần chúng ưu tú Nguyễn Minh Hào, Chuyên viên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vào Đảng Cộng sản Việt Nam (Ảnh: Văn Giang).

Lễ kết nạp Đảng viên được tổ chức trong không gian khuôn viên Khu đền thờ Bác Hồ (Ảnh: Văn Giang).

Năm nay, ông Phước đã bước sang tuổi 88, tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông Phước dự định sẽ ra Hà Nội viếng lăng Bác, thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng cách mạng Việt Nam, đồng thời mong muốn cấp có thẩm quyền khảo sát, thẩm định, xem xét, công nhận Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại gia đình ông là một trong những chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh do tư nhân thành lập và quản lý./.

Năm 2020, Ông Bùi Xuân Phước, vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ông cũng vinh dự nhận được nhiều phần thưởng, bằng khen của UBND tỉnh Khánh Hòa, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, UBND thành phố Nha Trang và UBND xã Phước Đồng.

Phạm Thị Hồng Thu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất