Sáng 4/4, hàng trăm người di cư đã được đưa tới các cảng biển Lesbos của
Hy Lạp để chuẩn bị trở lại Thổ Nhĩ Kỳ theo thỏa thuận mà Liên minh châu
Âu (EU)-Thổ Nhĩ Kỳ mới đạt được ngày 20/3 vừa qua nhằm ngăn chặn dòng
người di cư đổ về “lục địa già”.
Hãng tin AFP (Pháp) dẫn nguồn tin hiện trường cho biết nhiều xe buýt chở người di cư đã tới các cảng trên đảo Lesbos.
Trong khi đó, tại các cảng Lesbos và Chios, ba tàu của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đợi sẵn để đưa người di cư quay lại quốc gia này.
Lực lượng cảnh sát thuộc Cơ quan Biên phòng châu Âu (Frontex) cũng được
huy động để đảm bảo người di cư được đưa xuống các tàu. Tại cảng Lesbos,
hàng hóa và các nhu yếu phẩm cần thiết cũng được đưa lên các tàu để
cung cấp cho người di cư.
Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Efkan Ala tuyên bố quốc gia này
sẵn sàng tiếp nhận khoảng 500 người di cư trong ngày 4/4, trong khi phía
Hy Lạp đã cung cấp danh sách khoảng 400 người và cho biết con số có thể
thay đổi.
Theo thỏa thuận kể trên, từ ngày 20/3, người di cư tới EU không đủ điều
kiện tị nạn sẽ bị đưa trở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu
cầu EU hỗ trợ tài chính và tiếp nhận những người tị nạn Syria từ Thổ Nhĩ
Kỳ theo cơ chế “một đổi một.” Số lượng trao đổi được hạn chế ở mức
72.000 người.
Theo kế hoạch, từ 4-6/4, sẽ có khoảng 750 người tị nạn đầu tiên từ đảo
Lesbos của Hy Lạp được đưa trở lại Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi một số nước như
Đức, Pháp, Hà Lan, Phần Lan và Bồ Đào Nha sẽ là những nước EU đầu tiên
tiếp nhận người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Thỏa thuận này tuy được coi như một biện pháp giúp EU giải quyết cuộc
khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới 2, nhưng cũng
vấp phải sự chỉ trích từ nhiều tổ chức nhân quyền./.
(TTXVN)