Chủ Nhật, 22/9/2024
Thế giới
Thứ Hai, 17/2/2020 9:5'(GMT+7)

Hy vọng

Chiến binh Hồi giáo Taliban. (Ảnh: RT).

Chiến binh Hồi giáo Taliban. (Ảnh: RT).

Thông tin về thỏa thuận giảm bạo lực mà Taliban nhất trí với Mỹ đã được giới chức cấp cao Nhà trắng công bố tại các cuộc gặp bên lề Hội nghị An ninh quốc tế vừa diễn ra ở thành phố Munich của Ðức.

Theo đó, sau một loạt cuộc đàm phán với các đại diện Mỹ ở Doha (Qatar), lực lượng Taliban đã đồng ý đề xuất giảm các hành động tiến công, bắn tên lửa và đánh bom liều chết trên khắp Afghanistan, trong thời gian bảy ngày. Hai bên chưa công bố thời điểm thực thi thỏa thuận này, song các nguồn tin cho biết, có thể vào tuần cuối tháng 2 tới.

Dù vậy, thông tin của Mỹ đã nhen lên hy vọng mới cho hòa bình ở Afghanistan. Bởi lẽ, giảm bạo lực là cơ sở quan trọng để tiến tới việc Mỹ và Taliban ký kết thỏa thuận hòa bình, mà hai bên đàm phán kéo dài thời gian qua.

Ðạt thỏa thuận giảm bạo lực có thể được xem là bước đột phá quan trọng trong vòng đàm phán mà Mỹ và Taliban nối lại từ hồi tháng 1 tại Doha, sau khi bị đình trệ từ tháng 9-2019 do Tổng thống Mỹ D.Trump bất ngờ tuyên bố ngừng đàm phán vì Taliban leo thang bạo lực ở Afghanistan. Thỏa thuận hòa bình mà hai bên đang thương lượng gồm bốn điểm chính: Taliban bảo đảm không để các nhóm khủng bố và thánh chiến sử dụng Afghanistan làm nơi ẩn náu; các lực lượng Mỹ và NATO rút hết quân khỏi Afghanistan; khởi động đối thoại trực tiếp giữa các bên ở Afghanistan và cuối cùng là đạt được một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn.

Kể từ khi Mỹ đưa quân tới lật đổ chế độ Taliban năm 2001, cuộc xung đột tại Afghanistan đến nay đã cướp đi sinh mạng hàng chục nghìn dân thường Afghanistan và hơn 3.500 binh sĩ thuộc liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu. Hiện Mỹ duy trì 13 nghìn quân ở Afghanistan và Tổng thống D.Trump từng thông báo kế hoạch giảm quân số tại chiến trường Nam Á xuống dưới mức 8.600 binh sĩ.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử quan trọng tại Mỹ đang đến rất gần, Tổng thống Trump càng có lý do đẩy nhanh việc thực hiện cam kết đưa Mỹ ra khỏi "vũng lầy" ở Afghanistan. Bởi thế, việc Taliban đồng ý giảm bạo lực và dẫn tới việc Mỹ sớm rút quân rõ ràng là tín hiệu tốt với Nhà trắng, giúp Tổng thống Trump ghi thêm điểm với cử tri trước thềm bầu cử.

Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến không mấy lạc quan, xuất phát từ kết quả thực tế đàm phán giữa Mỹ và Taliban vừa qua. Ðây không phải lần đầu tín hiệu hy vọng nhen nhóm. Hồi tháng 9-2019, Mỹ và Taliban từng thông báo "tiến rất gần" tới một thỏa thuận hòa bình. Song bạo lực vẫn tiếp diễn tại Afghanistan, dẫn tới quyết định bất ngờ hoãn đàm phán của lãnh đạo Nhà trắng.

Ðược khởi động lại từ đầu năm nay, song quá trình đàm phán đã bị gián đoạn bởi các vụ tiến công của Taliban nhằm căn cứ quân sự Mỹ ở Afghanistan. Trong khi đó, những bất đồng mấu chốt chưa được giải tỏa. Taliban đặt điều kiện lực lượng nước ngoài (Mỹ và NATO) phải rút đi trước khi một cuộc đối thoại nội bộ người Afghanistan có thể khởi động.

Thực tế, đến nay Taliban vẫn từ chối đàm phán trực tiếp với chính phủ, với lý do chính quyền Kabul chịu sức ép từ bên ngoài. Nghi ngại càng gia tăng khi mùa xuân hằng năm là thời điểm Taliban gia tăng hoạt động chống chính phủ. Không loại trừ khả năng, một "chiến dịch mùa xuân" mới vẫn được Taliban tiến hành...

Thỏa thuận giảm bạo lực được kỳ vọng có thể khởi đầu một tiến trình chính trị, tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn và một nền hòa bình bền vững cho Afghanistan. Song, điều quan trọng là các bên nỗ lực xây dựng và duy trì lòng tin, thúc đẩy đối thoại quốc gia, và để người Afghanistan quyết định tương lai hòa bình và phát triển của đất nước mình./.

Long Quân (nhandan.com.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất