Chủ Nhật, 10/11/2024
Thế giới
Thứ Tư, 12/8/2020 8:41'(GMT+7)

ILO đánh giá tác động của dịch COVID-19 với giáo dục thanh thiếu niên

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-2 tại Singapore ngày 4/2/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-2 tại Singapore ngày 4/2/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ngày 11/8 nhận định cuộc khủng hoảng COVID-19 đang có một tác động lớn đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo thanh thiếu niên.

Tác động không cân xứng của đại dịch đối với những người trẻ tuổi đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và nguy cơ làm giảm tiềm năng sản xuất của cả một thế hệ.

Theo phân tích của ILO, kể từ khi đại dịch bùng phát, hơn 70% thanh niên học tập hoặc kết hợp học tập với công việc đã bị ảnh hưởng tiêu cực do việc đóng cửa các trường học, trường đại học và trung tâm đào tạo.

Phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ dẫn báo cáo "Thanh niên và COVID-19: Tác động đến việc làm, giáo dục, quyền và sức khỏe tinh thần" cho biết 65% thanh niên thừa nhận đã học kém hơn kể từ khi bắt đầu đại dịch do chuyển đổi từ học tại lớp sang học trực tuyến và học từ xa trong thời gian phong tỏa.

Mặc dù đã nỗ lực tiếp tục học tập và rèn luyện, nhưng một nửa trong số họ tin rằng việc học của họ sẽ bị trì hoãn và 9% cho rằng họ có thể bị trượt.

Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn đối với thanh niên sống ở các nước có thu nhập thấp hơn, những người có ít quyền truy cập Internet, thiếu thiết bị và đôi khi thiếu không gian ở nhà.

Điều này thể hiện rõ “những khoảng cách kỹ thuật số” lớn giữa các khu vực: trong khi 65% thanh niên ở các nước thu nhập cao theo học các lớp được dạy qua video-bài giảng, thì chỉ 18% thanh niên ở các nước thu nhập thấp có thể được tiếp tục học trực tuyến.

Báo cáo của ILO cho rằng 38% thanh niên không chắc chắn về triển vọng nghề nghiệp trong tương lai của họ khi cuộc khủng hoảng dự kiến sẽ tạo ra nhiều trở ngại hơn trên thị trường lao động và kéo dài thời gian chuyển tiếp từ trường học sang nơi làm việc.

Một số đã cảm thấy bị ảnh hưởng trực tiếp, cứ 6 thanh niên thì có 1 người phải ngừng việc kể từ khi đại dịch bùng phát.

Nhiều lao động trẻ tuổi có xu hướng được tuyển dụng vào những công việc bị ảnh hưởng nhiều hơn, chẳng hạn như hỗ trợ, dịch vụ và công việc liên quan đến bán hàng, khiến họ dễ bị tổn thương hơn trước hậu quả kinh tế của đại dịch.

Khoảng 42% những người tiếp tục làm việc cho dù bị giảm thu nhập. Điều này đã ảnh hưởng đến tinh thần của họ. Cuộc khảo sát cho thấy 50% thanh niên có thể bị lo lắng hoặc trầm cảm, trong khi 17% khác có thể bị ảnh hưởng.

Bất chấp hoàn cảnh khó khăn, những người trẻ tuổi đang dùng sức mình để vận động và lên tiếng trong cuộc chiến chống khủng hoảng. Theo khảo sát, cứ 4 người thì có 1 người đã làm một số công việc tình nguyện trong thời gian xảy ra đại dịch.

Đảm bảo rằng tiếng nói của giới trẻ được lắng nghe là rất quan trọng để đưa ra phản ứng toàn diện hơn đối với cuộc khủng hoảng COVID-19 - báo cáo cho biết, việc cho thanh niên có tiếng nói trong việc ra quyết định để trình bày rõ nhu cầu và ý tưởng của họ sẽ cải thiện hiệu quả các chính sách và chương trình, đồng thời mang lại cho thanh niên cơ hội tham gia vào quá trình của họ.

Báo cáo cũng kêu gọi các phản ứng chính sách khẩn cấp, quy mô lớn và có mục tiêu để bảo vệ toàn bộ thế hệ thanh niên khỏi bị đe dọa vĩnh viễn bởi triển vọng việc làm của họ do khủng hoảng.

Điều này bao gồm việc tái hội nhập thị trường lao động những người bị mất việc hoặc những người bị giảm giờ làm việc; đảm bảo thanh niên tiếp cận với trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp và các biện pháp nâng cao sức khỏe tâm thần của họ từ hỗ trợ tâm lý xã hội đến hoạt động thể thao cùng với một số biện pháp khác./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất