Sau 14 năm kết nối với mạng Internet toàn cầu, đến thời điểm này, Việt Nam có gần 27 triệu người sử dụng Internet, chiếm 31% dân số, với hàng trăm nhà cung cấp dịch vụ.
Sự phát triển đó không chỉ góp phần to lớn vào sự vững mạnh chung về mọi mặt của đất nước, mà còn khẳng định cơ chế mở của Đảng, Nhà nước với loại hình công nghệ thông tin đặc biệt này.
Có thể nói năm 1997 là mốc đáng nhớ khi chúng ta biến "giấc mơ Internet" của Việt Nam thành hiện thực bằng việc kết nối mạng toàn cầu. Nhờ những chính sách đúng đắn, quyết liệt đầu tư cho phát triển công nghệ thông tin, đến nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng Internet nhanh nhất trong khu vực và nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới.
|
Internet Việt Nam có tốc độ tăng trưởng rất nhanh |
Là người đam mê công nghệ thông tin và luôn dõi theo sự phát triển của Internet, GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường Đại học dân lập Hải Phòng cho rằng, sự kiện Internet có mặt tại Việt Nam tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng. Theo ông, việc hơn 30% dân số Việt Nam sử dụng Internet đã khẳng định sự phát triển của công nghệ thông tin tại Việt Nam.
“Tốc độ phát triển internet của chúng ta rất là nhanh. Tôi nghĩ chỉ khi nào người dân nhận biết được, Chính phủ xác định sức mạnh thông tin thì mới có thể đem lại kết quả to lớn cho nền kinh tế quốc dân”, GS Trần Hữu Nghị cho biết.
Đối với thế hệ trẻ như bạn Nguyễn Thúy Hiền, sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Internet trở thành công cụ đắc lực trong việc kết nối với thế giới bên ngoài cũng như hỗ trợ cho việc học tập, tra cứu tài liệu.
Hiện, ở Việt Nam, Internet không chỉ được kết nối tại các công sở, cơ quan Nhà nước, gia đình mà còn có cả ở những quán bar, nhà hàng, những nơi vui chơi giải trí, tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận, truy cập Internet một cách dễ dàng. Bạn Nguyễn Thúy Hiền nói: “Internet ở Việt Nam bây giờ ở đâu cũng có, gói cước cũng phù hợp với điều kiện của người tiêu dùng nói chung, sinh viên nói riêng. Internet giúp chúng tôi học hành cũng rất hiệu quả”.
Là người từng đi đến nhiều quốc gia trên thế giới, ông Ki-sắc, một thương gia Thái Lan đang làm việc tại Hà Nội thật sự ấn tượng với sự gia tăng cũng như chất lượng dịch vụ Internet ở Việt Nam. Ông cho biết, nếu gần 10 năm trước việc tìm kiếm các điểm truy cập Internet công cộng ở Việt Nam còn khó khăn thì nay thật sự dễ dàng và tốc độ đường truyền luôn luôn bảo đảm. Ông Ki-sắc cũng đánh giá cao dịch vụ Internet không dây, đặc biệt là công nghệ 3G đang phổ cập tại Việt Nam - loại công nghệ mà không phải nước nào cũng có.
Ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin- Truyền thông cho rằng, sự phát triển của Internet thời gian qua là niềm tự hào của ngành công nghệ thông tin nước nhà. Cùng với số lượng người sử dụng Internet tăng nhanh thì nhà cung cấp dịch vụ cũng tăng không ngừng. Nếu như những năm đầu, Internet Việt Nam chỉ có một nhà cung cấp dịch vụ duy nhất là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) thì nay đã có hàng trăm doanh nghiệp.
Ông Lưu Vũ Hải nhấn mạnh: “Internet tại Việt Nam đã chứng kiến một sự tăng trưởng nhanh chóng. Từ năm 2003, số người sử dụng internet cũng như số lượng các trang web tại Việt Nam đã tăng trưởng một cách ổn định, các nguồn lực kỹ thuật cho việc kết nối internet cũng không ngừng mở rộng”.
Sự phát triển vượt bậc của Internet tại Việt Nam trong hơn 10 năm qua là điều dễ nhận thấy. Sự phát triển đó không chỉ thể hiện ở những con số về tốc độ tăng trưởng, loại hình dịch vụ, số lượng truy cập mà còn thể hiện qua việc người dân có thể truy cập Internet ở mọi lúc, mọi nơi. Điều đó, khẳng định sự quan tâm và một cơ chế mở của Đảng và Nhà nước đối với Internet tại Việt Nam. Thế nhưng, thời gian gần đây, Mỹ và một số nước phương Tây vẫn xuyên tạc Việt Nam ngăn cấm phương tiện truyền thông này.
Trong diễn văn đọc tại Trường Đại học George Washington ngày 15/2/2011 vừa qua, Ngoại trưởng Hoa kỳ Hillary Clinton cho rằng Việt Nam và một số nước khác đã hạn chế tự do Internet. Liệu nhận xét này có dựa trên thực tế diễn ra tại Việt Nam?
Theo Nguyễn Huy Nam/VOV