Ngày 17/1, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố không có lý do gì nước này phải đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký với các cường quốc nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump yêu cầu việc này.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau một năm kể từ khi thỏa thuận trên có hiệu
lực, Tổng thống Rouhani nêu rõ thỏa thuận hạt nhân đã hoàn tất, được
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua và trở thành văn kiện quốc tế. Ông nhấn mạnh đây là một thỏa thuận đa phương, nên việc đàm phán lại văn kiện này là vô lý.
Trong suốt thời gian tranh cử, tỷ phú Trump nhiều lần lên tiếng phản đối
văn kiện trên, mô tả "đây là thỏa thuận tồi nhất mà ông từng chứng
kiến". Vị doanh nhân 70 tuổi này tỏ ý nghi ngờ tính hiệu quả của văn kiện vì
cho rằng nó sẽ không ngăn cản Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân. Thậm chí, ông Trump tuyên bố sẽ chấm dứt thỏa thuận này. Tuy nhiên từ sau khi thắng cử hồi tháng 11/2016, ông không nêu nhiều chi tiết cụ thể về các kế hoạch của mình.
Bất chấp việc ông Trump chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận mang tính lịch sử
trên, trong tuần này, các quan chức Anh và Liên minh châu Âu tuyên bố sẽ
giữ nguyên lập trường đối với thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và
Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
là Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức).
Thỏa thuận về vấn đề hạt nhân Iran, có tên gọi Kế hoạch Hành động toàn
diện chung (JCPOA), được Iran và Nhóm P5+1 ký ngày 14/7/2015, giúp chấm
dứt những căng thẳng liên qua chương trình hạt nhân của Tehran.
Thỏa thuận có hiệu lực từ ngày 16/1/2016, theo đó Iran được quốc tế nới
lỏng các biện pháp trừng phạt tài chính, kinh tế và dầu mỏ để đổi lấy
việc nước này giới hạn các chương trình hạt nhân./.
(TTXVN)