Ngoài nội dung cụ thể như trên, trong bức thư của Đại sứ Iraq Mohamed
Ali Alhakim gửi Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power - Chủ tịch
Hội đồng Bảo an trong tháng này, cũng nêu rõ sự hỗ Iraq trong việc đào
tạo binh lính, sử dụng công nghệ và vũ khí hiện đại trong cuộc chiến với
tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng phải được đặt trên những thỏa
thuận song phương và đa phương, cũng như việc tôn trọng đầy đủ chủ quyền
quốc gia và hiến pháp của Iraq và phải phối hợp với lực lượng vũ trang
của nước này.
Tuy nhiên, một nhà ngoại giao giấu tên tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
cho biết trong tuần tới, Hội đồng Bảo an chưa có kế hoạch triệu tập bất
kỳ cuộc họp đặc biệt nào về đề nghị của Iraq.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết ông không
nhượng bộ trước yêu cầu của Iraq. Hiện quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang đồn trú
tại địa điểm gần thành phố Mosul mà IS chiếm giữ ở miền Bắc Iraq.
Tranh cãi xung quanh việc triển khai lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đến Iraq đã khiến quan hệ giữa Ankara và Baghdad trở nên xấu đi.
Baghdad phủ nhận việc đã đồng ý với kế hoạch triển khai quân của Thổ Nhĩ
Kỳ trong khi Ankara cho rằng việc làm của họ là một phần trong sứ mệnh
quốc tế nhằm đào tạo và trang bị khí tài cho lực lượng người Kurd tại
Iraq chống lại IS, một tổ chức khủng bố đang chiếm giữ nhiều vùng đất
rộng lớn tại Syria và Iraq.
Ngày 4/12, hàng trăm binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ được 20-25 xe tăng hộ tống đã
được triển khai tới một khu vực gần Mosul, thủ phủ tỉnh Nineveh của
Iraq, nơi IS chiếm đóng từ tháng 6/2014.
Số quân này nhằm thay thế lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã được điều tới đây hơn hai năm trước./.
Theo TTXVN