Thứ Bảy, 23/11/2024
Sức khỏe
Thứ Hai, 26/9/2016 17:43'(GMT+7)

Kế thừa, phát huy, phát triển sáng tạo nền y học cổ truyền Việt Nam

Châm cứu được xem là phương pháp điều trị hiệu quả cho mọi đối tượng bệnh nhân

Châm cứu được xem là phương pháp điều trị hiệu quả cho mọi đối tượng bệnh nhân

Cùng với sự ra đời của Bệnh viện Tuệ Tĩnh (dưới đây gọi tắt là Bệnh viện), nhân lực của Khoa Châm cứu lúc cao nhất như hiện nay là 13 cán bộ, bác sỹ, nhân viên y tế, nhưng số lượng bệnh nhân nội, ngoại trú có tháng lên đến hàng trăm lượt người bởi những “tiếng lành đồn xa” ngày càng vang xa.

 
Một góc phòng trị bệnh của Khoa Châm cứu, Bệnh viện Tuệ Tĩnh

Thấm nhuần quan điểm của Đảng: Kết hợp Đông y với Tây y nhằm mục tiêu phát triển, hiện đại hoá y học cổ truyền…, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong khám chữa bệnh[2] và và chủ trương của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện: “Xây dựng Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam với một tầm nhìn mới xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn và nhu cầu của xã hội, phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo có đẳng cấp quốc tế với các chương trình đào tạo đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực YDHCT[3], các thầy thuốc, cán bộ Khoa Châm cứu Bệnh viện Tuệ Tĩnh luôn luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, tinh thần y đức, trước hết vì người bệnh, đồng thời, góp phần tích cực trong công tác đào tạo của Học viện, vì sự nghiệp bảo tồn, kế thừa, phát huy và phát triển nền YHCT trong đời sống xã hội.

Trong 10 năm xây dựng và trưởng thành, luôn luôn trên tinh thần đổi mới, sáng tạo, đội ngũ những người thầy thuốc, cán bộ Khoa Châm cứu vừa tham gia giảng dạy vừa trực tiếp khám và chữa bệnh; vừa học tập nâng cao năng lực chuyên môn, rèn rũa y đức, tạo nên nền tảng vững chắc trong quá trình phát triển vì mục tiêu chăm sóc sức khỏe con người, vì sự tiến bộ của nền YHCT gắn với y học hiện đại nước nhà.


Bác sĩ CKII Trần Thị Hiên, Trưởng khoa đang châm cứu bằng kim châm dài cho bệnh nhân 

Bám sát chức năng, nhiệm vụ và nêu cao trách nhiệm của người thầy thuốc, Khoa Châm Cứu của Bệnh viện đã chữa trị thành công cho nhiều bệnh nhân mắc các chứng bệnh hiểm nghèo, như: liệt nửa người sau đột quỵ não, chấn thương não hoặc sau viêm não; các bệnh thần kinh cơ xương khớp, như: liệt mặt ngoại biên, sụp mi, lác trong song thị, lác ngoài, máy giật cơ mặt, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và lưng, đau quanh khớp vai, thoái hóa cột sống, hội chứng cổ vai tay, đau thần kinh liên sườn, đau lưng, đau thần kinh hông, liệt thần kinh cánh tay, liệt thần kinh hông kheo ngoài, liệt tứ chi do viêm đa rễ, đa dây thần kinh; các bệnh về xương khớp, như thoái khóa khớp, viêm khớp…, sau khi được điều trị bệnh nhân đều được thuyên giảm nhanh, khỏi bệnh và giảm các chứng tai biến rõ rệt.

Hiện nay, khoa có 13 cán bộ, trong đó có 5 thầy thuốc là bác sỹ, thạc sỹ, chuyên khoa II và 7 điều dưỡng viên. Mỗi cán bộ của Khoa đều là một tấm gương y đức, không chỉ được trau dồi về chuyên môn, mà còn có tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhiệt tình, chu đáo, tỷ mỷ, chân tình và hết sức thân thiện.

Bệnh nhân vào thăm khám, điều trị tại Khoa Châm cứu đều được tiến hành chu đáo trên từng căn bệnh, từ các khâu tư vấn sức khỏe, phòng bệnh đến điều trị châm cứu, cấy chỉ, thủy châm, tiêm thuốc, uống thuốc đông y, kết hợp với thuốc tây y; từ tập luyện, lý trị liệu đến những sinh hoạt hàng ngày.

Với phương châm điều trị “Đông, Tây y kết hợp”, các thầy thuốc đã sử dụng nhiều thủ thuật, kỹ năng YHCT như: Châm cứu bằng kim dài, cấy chỉ (cấy chỉ catgus bản chất là protein vào huyệt), xoa bóp, bấm huyệt, kéo giãn cổ bằng tay; xoa bóp mềm cơ, hỗ trợ kéo giãn khớp xương; châm kim, rung kim, rung kim bằng điện; thủy châm, cứu, ôn châm và dùng thuốc Đông y kết hợp với Tây y. Các phương pháp điều trị luôn được các thầy thuốc giải thích cho bệnh nhân hiểu rõ cơ chế, tác dụng của thuốc, của liệu pháp, phác đồ điều trị phù hợp trên cơ thể của bệnh nhân.

Ông Trần Quý nguyên là cán bộ của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho hay, ông đã từng vào Bệnh viện Tuệ Tĩnh để điều trị chứng co cứng cơ vai gáy, cổ mỏi, cứng, lạo xạo, tay trái có cảm giác tê bì, lưng và vùng mông khi ngồi lâu cũng bị cứng. Sau khi đã điều trị ở một vài cơ sở y tế Trung ương kể cả bằng đông y và tây y, nhưng kết quả không được như mong đợi. Dẫu biết rằng, bệnh do nghề nghiệp gây ra và cần có thời gian nhất định, nhưng ông và gia đình vẫn mong muốn tìm nơi chữa khỏi hoặc ít nhất có sự thay đổi về hiện tượng co cứng cổ, lưng, tê bì tay, chân do cơ, xương vùng cổ gây ra, nhất là khi tuổi tác càng tăng. Vì thế, ông đã  tìm đến Khoa Châm cứu của bệnh viện Tuệ Tĩnh. Ngay từ những ngày đầu, ông không khỏi ngỡ ngàng về sự sắp xếp hợp lý các cung đoạn và phương pháp điều trị của Khoa này. Chỉ hơn 1 tuần điều trị (từ 9-16/8/2016), nhiều cơ số bệnh của ông đã thuyên giảm và trở về trạng thái hoạt động bình thường mà người thân cũng bất ngờ, như ngồi lâu cổ, lưng và vùng mông của ông không cứng như trước, khiến ông rất dễ chịu và tin tưởng. Sau gần một tháng điều trị ông đã gần như chút được gánh nặng bệnh tật.

Ông Quý còn cho biết, cùng điều trị với ông, có các bệnh nhân như ông Nguyễn Đức Ngự, 68 tuổi, quê ở Chuyên Ngoại, Hà Nam vào viện ngày 9/8, đau xương chậu và đùi phải, sỏi thận 2 bên cùng với sỏi mật. Khi vào khoa Châm cứu không đi được, nằm bất động trên giường đã 2, 3 ngày, ban đầu ông Ngự và gia đình còn rất phân vân, nhưng sau ít ngày điều trị, thấy bệnh đỡ nhanh, ông hết sức tin tưởng, thỏa mãn về cách lựa chọn của mình. Chỉ sau 10 ngày điều trị kết hợp đông, tây y: châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, uống thuốc đông y, bệnh của ông Ngự đã thuyên giảm nhiều, hông và chân hết đau, ông đã tự đi được, không cần sự hỗ trợ của người thân. Ông Tăng Thánh (1928), trú ở phố Lê Quý Đôn, Hà Đông, từng  công tác ở Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, mặc dù có tiêu chuẩn khám, điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô, nhưng với căn bệnh bỏng rát toàn bộ cánh cẳng 2 tay cùng với thoát vị đĩa đệm, thoái hóa các đốt sống cổ, huyết áp tăng, trước đó đã mời bác sỹ đến nhà chữa và điều trị tại bệnh viện Hữu nghị gần một tháng rưỡi, nhưng bệnh của ông thuyên giảm rất chậm. Ông đã được gia đình đưa vào khoa Châm cứu của Bệnh viện ngày 8/8, sau 2 tuần điều trị, tay phải hết bỏng rát, tay trái chỉ còn bỏng rát nhẹ, ăn ngủ được, tình trạng bệnh tiến triển tốt. Ông Nguyễn Ngọc Vân, quê Thái Bình, nhập viện để phục hồi chức năng vận động do bị tai biến mạch máu não (đột quỵ),  chỉ sau 28 ngày điều trị tại Khoa, ông đã tự đi lại khá vững trong phòng mà không cần sự hỗ trợ, ông ăn ngủ tốt, nói không còn ngọng, âm phát đã rõ, nuốt ăn không còn sặc như trước lúc nhập viện. Bà Phùng Thị Dần (1955), trú ở La Khê, Hà Đông, mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ, cứng, đau 2 tay và vai, lan xuống lưng được nhập viện ngày 12/8, sau 1 tuần điều trị tại khoa, cổ và vai đỡ nhức, tay đỡ tê bì, ăn ngủ đã được cải thiện, ngon miệng. Anh Phạm Văn Tịnh (1978) trú tại Yên Xá, Hà Đông, là bệnh nhân còn khá trẻ, vào khoa điều trị với biểu hiện ù tai, đau một bên đầu, méo miệng, nói không rõ tiếng, mắt nhắm không kín, huyết áp khi nhập viện (ngày 5/8) là 240/120 mmHg. Sau 2 tuần điều trị, miệng không còn lệch, tai giảm ù (khoảng 80%), đau đầu khỏi hoàn toàn, ăn ngủ tốt, huyết áp ổn định 130/80mmhg

Trên đây là rất ít trong số những bệnh nhân được ông Trần Quý ghi lại trong cùng thời gian điều trị tại Khoa Châm cứu của bệnh viện để phổ biến cho bạn bè, họ hàng, người thân khi cần. Nếu quan tâm hơn, đọc quyển “Sổ góp ý của người bệnh” với những dòng cảm xúc được người bệnh ghi lại sau khi ra viện, sẽ thấy nhiều hơn những “chiến công thầm lặng” của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc Khoa Châm cứu, bệnh viện Tuệ Tĩnh. Không ồn ào, náo nhiệt, không văn chương phô bày mà là những cảm nghĩ được nói lên từ những tấm lòng chân thật của người bệnh. Họ viết bằng những lời văn mộc mạc, chân thành; từ những vần thơ dung dị, đời thường; từ những bức thư chỉ có tình cảm mặn mà, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, vừa đủ để ca ngợi tập thể thầy thuốc luôn tâm huyết, yêu nghề và yêu hơn ai hết những bệnh nhân của mình. Bác sỹ chuyên khoa II, Trưởng khoa Châm cứu Trần Thị Hiên là tâm điểm để các bệnh nhân bày tỏ lòng biết ơn và gửi gắm những điều kính phục.

 
Lời cảm ơn sâu sắc của bệnh nhân gửi tới tập thể y, bác sĩ khoa Châm cứu

 
 
 
 
 
 
 
 

 

Chứng kiến buổi thăm khám, điều trị cho bệnh nhân của người nữ Trưởng Khoa Châm cứu, tôi nhận thấy những dòng lưu bút trong cuốn “Sổ góp ý của người bệnh” dành đầy ắp tình cảm cho chị quả là không quá chút nào. Rất nhiều công việc trong một khoảng thời gian thăm khám và điều trị mà tôi có cố gắng dành tâm trí cho một phần bài viết này chắc cũng không thấm tháp gì. Chị đã làm tôi kinh ngạc bởi kỹ năng, thời gian và sức làm việc của một thầy thuốc - một cán bộ lãnh đạo, quản lý Khoa.

Một sáng (12/8), thời gian 9h30 phút, sau giờ giao ban Bệnh viện, từ cửa phòng điều trị đi vào, nữ Trưởng khoa, với bước đi nhanh nhẹn, khuôn mặt hiền hậu, toát lên vẻ tự tin, khiêm tốn, quan sát nhanh tới các giường bệnh, rồi đến với bệnh nhân nặng nhất để thăm khám và tiến hành các bước châm cứu cùng với những lời hỏi han, động viên, khích lệ nhẹ nhàng. Nhìn đôi tay mềm mại, với các đường châm thoăn thoắt của chị: Mềm dẻo, nhanh, chắc, quyết đoán, dứt khoát, không thể không nói lời mến mộ. 20 phút, 10 bệnh nhân được thực hiện châm xong. Nhìn gương mặt của những bệnh nhân, tôi biết đường kim của chị không chỉ “trúng huyệt” mà còn truyền sinh khí từ trái tim nồng hậu của mình tới đích của “con bệnh”, giúp người bệnh hồi sinh khí huyết, làm thức dậy các hệ thần kinh trong cơ thể để chiến thắng bệnh tật. Nhìn đôi tay và nụ cười hồn hậu của chị, tôi mới hiểu đó là một “từ mẫu” mà nhân dân mong đợi. Và, tôi cũng mới hiểu sức mạnh của tình yêu thương mà chị và các đồng nghiệp, cán bộ cấp dưới của chị dành cho bệnh nhân. Chỉ có tình yêu thương chân thành, lòng cảm thông sâu sắc mới có thể sưởi ấm con tim người bệnh, thắp lên cho họ ngọn lửa để chiến thắng “con bệnh”. Và chỉ có như thế, các chị và đồng nghiệp mới dễ dàng vượt qua bao cám dỗ của đời thường để làm tốt hơn, tốt nhất những mong mỏi của bệnh nhân. Hỏi chị, cái gì khiến chị vừa làm tốt công việc quản lý, điều hành và tham gia khám chữa bệnh tại Khoa, lại vừa tham gia giảng dạy tại Học viện và các hoạt động chung của Bệnh viện? Ánh mắt rất vui, chị thổ lộ: “đó là sự nỗ lực hết mình của 13 anh chị em trong Khoa, những người đồng đội luôn sát cánh bên tôi, chia ngọt sẻ bùi cùng bệnh nhân. Có những lúc thăng trầm, buồn vui, nhưng tất cả đều quyết tâm tiến về phía trước. Cùng nữa, đó chính là sự giúp đỡ thiết thực của lãnh đạo Bệnh viện và Học viện đã luôn “tiếp lửa” cho chúng tôi. Tôi chỉ có một phần rất nhỏ trong thành công ấy”. Với thái độ khiêm tốn của chị, tôi càng hiểu ra rằng, vì sao mọi thành viên trong Khoa, trong Bệnh viện đều rất quý trọng và luôn tin tưởng ở chị.

Được biết, bác sỹ - nhà giáo Trần Thị Hiên còn luôn nhận được những tình cảm rất đỗi thân thương từ nhiều thế hệ học trò gửi tới người cô- người thầy tài năng, hiền lành, trong sáng, giản dị và rất đáng tự hào, luôn tiếp bước cho họ trên con đường kế thừa, phát huy và phát triển sáng tạo nền YHCT nước nhà./.

Như Quỳnh (CTV)

[1].Bệnh viện Tuệ Tĩnh trực thuc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam và chịu sự quản lý, lãnh chỉ đạo trực tiếp của Bộ Y tế. Bệnh viện được xây dựng từ năm 2006 với quy mô 700 giường, đã triển khai được 250 giường với 23 khoa lâm sàng, sáu phòng chức năng. Là bệnh viện thực hành chuẩn, được trang bị nhiều thiết bị hiện đại với đội ngũ thầy thuốc chuyên khoa sâu cả YDHCT và y học hiện đại. Các hoạt động của Bệnh viện không chỉ điều trị mà còn là nơi rèn luyện, giúp học viên hình thành nhân cách khoa học, nhân cách của một lương y, không vụ lợi, không lạm dụng thuốc, lạm dụng các xét nghiệm, các phương pháp thăm dò chức năng…, giảm đáng kể chi phí của bệnh nhân. Mức thu viện phí của Bệnh viện chỉ bằng 40 – 50% các bệnh viện khác do tiết giảm tối đa các loại thuốc và xét nghiệm không cần thiết, nhưng mỗi năm Bệnh viện cũng thu được trên 20 tỷ đồng viện phí.

[2].Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số: 46-NQ/TW ngày 23-6-2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.

[3]. Đảng bộ Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam: Nghi quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2010-2015: Tài liệu lưu trữ Đảng ủy Học viện, 2010.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất