Thứ Bảy, 21/9/2024
Sức khỏe
Thứ Sáu, 23/9/2016 21:39'(GMT+7)

Tỉnh táo với thực phẩm chức năng

Ảnh minh họa. (nguồn: Hà Nội Mới)

Ảnh minh họa. (nguồn: Hà Nội Mới)

Đây là một trong những vụ việc nghiêm trọng về kinh doanh thực phẩm chức năng giả bị phát hiện, bắt giữ, song nhiều ý kiến cho rằng mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, nếu như cách đây khoảng 10 năm, cả nước có chưa đầy 50 doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng thì con số này hiện nay là khoảng 3.000. Thế nhưng, trong số đó có không ít cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng giả, gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng mà cơ quan quản lý không dễ phát hiện do quy định pháp luật còn “dễ dãi”. 

Bên cạnh yếu tố thị trường “màu mỡ”, dễ sinh lợi nhuận, điều kiện để sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng  quá dễ dàng, tượng tự như sản xuất thực phẩm thông thường là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp đổ xô vào lĩnh vực này. Hơn nữa, theo quy định, quảng cáo thực phẩm chức năng phải thẩm định nội dung, tuy nhiên thực tế lại chỉ ra rằng, có rất nhiều đơn vị quảng cáo sản phẩm chưa được thẩm định, không đúng nội dung nhưng cũng không bị “sờ gáy”. Đặc biệt, đối với việc quảng cáo thực phẩm chức năng trên internet không phải xin giấy phép quảng cáo tại Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch như trước, đang trở thành rào cản cho hoạt động kiểm soát, xử lý của cơ quan có thẩm quyền. Đáng nói là pháp luật còn thiếu quy định cụ thể trong việc phân chia trách nhiệm quản lý, khiến nhiều cơ quan, đơn vị không biết quyền hạn của mình ở đâu,  tạo nhiều khe hở cho doanh nghiệp “lách luật” gây thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng sức khỏe cho người tiêu dùng.

Mặc dù Bộ Y tế đã quy định trên bao bì sản phẩm phải ghi rõ về công dụng với sức khỏe, phải chứng minh tác dụng thực tế của từng mặt hàng, nhưng với lực lượng chức năng còn mỏng như hiện nay thì việc thực thi quy định vẫn chủ yếu trông chờ vào sự tự giác của doanh nghiệp. Chính vì được “thả nổi” nên đa phần các doanh nghiệp đều mắc sai phạm trong nội dung ghi nhãn so với hồ sơ đã công bố. Thế nhưng, chế tài để xử lý hành vi này vẫn chưa đủ sức răn đe với mức phạt cao nhất là 60 triệu đồng được áp dụng trong trường hợp tem, nhãn, bao bì thực phẩm chức năng bị làm giả với số lượng từ 10.000 đơn vị trở lên. Hơn nữa, việc thiếu quy định cụ thể về xử lý hình sự đối với cá nhân sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả cũng khiến nhiều cơ sở sản xuất sẵn sàng vi phạm vì nguồn lợi nhuận khổng lồ.

Việc thiếu tiêu chí, tiêu chuẩn hay quy chuẩn riêng đối với thực phẩm chức năng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới số lượng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không đạt chuẩn “mọc lên như nấm sau cơn mưa”. Để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, cơ quan chức năng đã tìm cách lấp lỗ hổng bằng việc “hứa” sẽ ban hành quy chuẩn thực hành sản xuất tốt đối với sản phẩm này. Với những quy định quản lý chặt chẽ về tiêu chuẩn chất lượng, khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, dự kiến sẽ chỉ có khoảng 50% các cơ sở sản xuất hiện nay được cấp chứng nhận. Tuy vậy, chính đại diện cơ quan quản lý này cũng thừa nhận, việc áp dụng tiêu chuẩn không thể đột ngột, bóp nghẹt doanh nghiệp mà cần có lộ trình để doanh nghiệp tự chuyển đổi, chậm nhất tới năm 2018.

Có lẽ, trong lúc chờ doanh nghiệp chuyển đổi, chờ khoảng trống pháp lý được lấp đầy, người tiêu dùng cần thông minh, tỉnh táo trước sự tràn lan của thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng khi tiêu chuẩn vẫn bỏ ngỏ như hiện nay.

Đỗ Quyên (daibieunhandan)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất