Chủ Nhật, 22/9/2024
Chính sách
Thứ Bảy, 16/6/2012 22:12'(GMT+7)

Kênh ngoại giao đa phương góp phần nâng cao vị thế Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn và Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn và Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova.

Trên chặng đường 35 năm qua, Ủy ban quốc gia UNESCO đã làm nên những thành tích rất đỗi tự hào. 

Sau giải phóng miền Nam, đất nước vừa thống nhất, chính sách bao vây cấm vận của các thế lực thù địch đã khiến nền kinh tế non trẻ của chúng ta hết sức khó khăn. Mục tiêu lớn nhất là phá thế bao vây cấm vận, đưa nền kinh tế nước ta hòa nhập kinh tế thế giới phục vụ mục tiêu tái thiết đất nước sau chiến tranh. Trong vô vàn khó khăn lúc đó, chúng ta đã nhận thấy lợi thế của đất nước có nền văn hóa sâu sắc, phát triển qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, là di sản quý giá của cha ông để lại qua bao thế hệ gìn giữ và chắt lọc. Những kho tàng di sản vô giá đó thể hiện trên cả bình diện vật thể và phi vật thể. Bên cạnh những di tích văn hóa vô giá về lịch sử, chúng ta lại được thiên nhiên ưu đãi một hệ sinh học đa dạng, phong phú, sơ khai với những tuyệt tác di sản thiên nhiên và nhất là nền văn hóa giàu giá trị nhân văn, nhân ái hàng nghìn năm của cha ông đã tạo nên  những thế hệ người Việt Nam văn minh, lịch lãm, yêu chuộng tự do, hòa bình công lý, rất mực nhân văn và độ lượng, bao dung, được nhân dân thế giới yêu mến, ủng hộ. Từ những  nhận thức quý báu đó, quyết định tham gia UNESCO được đưa ra kịp thời. Ngày 12-7-1976, lần đầu nước Việt Nam thống nhất trở thành thành viên của UNESCO.  Một năm sau đó, ngày 15-6-1977, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam được thành lập. Kể từ đó, UNESCO trở thành một trong những kênh ngoại giao quan trọng để Việt Nam đi ra thế giới, góp phần đưa đất nước thoát khỏi bao vây, cấm vận, từng bước hội  nhập thế giới.  

Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam chú trọng tăng cường hoạt động trên cả năm lĩnh vực thuộc thẩm quyền của UNESCO, bao gồm giáo dục, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, văn hóa và thông tin. Việt Nam tham gia nhiều công ước, ký nhiều kiến nghị và Tuyên bố của UNESCO; tích cực hưởng ứng các chương trình hoạt động lớn của UNESCO; đăng cai một số hội nghị quốc tế quan trọng như Hội nghị Phụ nữ châu Á - Thái Bình Dương với văn hóa hòa bình (năm 2000), Hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương về Ðối thoại giữa các nền Văn hóa và Văn minh vì hòa bình và phát triển bền vững, Hội nghị tham vấn các Ủy ban quốc gia UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương (năm 2006 và 2012); tham gia nhiều chương trình chuyên môn quan trọng và được bầu vào một số cơ quan điều hành như: Ủy ban liên Chính phủ về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Ủy ban liên Chính phủ về Chương trình Hải dương học, Ủy ban liên Chính phủ về Chương trình thông tin cho mọi người, Ủy ban liên Chính phủ về Chương trình quốc tế phát triển truyền thông, Hội đồng điều phối Chương trình con người và sinh quyển, Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa... Ðến nay, Việt Nam đã ba lần tín nhiệm được bầu là Ủy viên Hội đồng chấp hành - cơ quan hoạch định chính sách và tài chính của UNESCO (nhiệm kỳ 1978-1983, 2001-2005, 2009-2013) và đảm đương trọng trách Phó Chủ tịch Hội đồng (nhiệm kỳ 2001-2003).

Những thành công trong các hoạt động UNESCO đã góp phần quảng bá về hình ảnh và nâng cao vị thế đất nước. Tại các kỳ họp của Hội đồng, chúng ta đã bảo vệ những quyền lợi của đất nước, đồng thời có những sáng kiến đóng góp tích cực về định hướng chiến lược phát triển khi UNESCO có nhiều biến động và đứng trước những thách thức lớn về cải cách phương hướng hoạt động, cơ cấu, tài chính... Bên cạnh đó, chúng ta đã chia sẻ những khó khăn của UNESCO. Những đóng góp trong việc tổ chức hội nghị khu vực tại Việt Nam và việc hoàn tất trước thời hạn những nghĩa vụ tài chính là những bằng chứng sinh động chứng tỏ Việt Nam ngày càng chủ động, tích cực tham gia các hoạt động ngoại giao đa phương và là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của UNESCO và các công việc chung của nhân loại. Ngoài những đóng góp to lớn  cho sự phát triển của UNESCO, thông qua UNESCO xây dựng hình ảnh, vị thế đất nước, Việt Nam còn tranh thủ  một cách hiệu quả  UNESCO như một kênh quan trọng giúp Việt Nam thu hút nguồn lực quốc tế phục vụ phát triển văn hóa, khoa học, giáo dục của đất nước.

Sự tôn vinh của UNESCO đối với các lãnh tụ, danh nhân Việt Nam như Nghị quyết của UNESCO kỷ niệm Ngày sinh Nguyễn Trãi - Danh nhân văn hóa; Nghị quyết UNESCO kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, đã trở thành niềm tự hào và khích lệ lớn lao đối với nhân dân Việt Nam và cả nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Ðiều có ý nghĩa khác là trong hoàn cảnh khó khăn vì bị bao vây, cấm vận, việc Việt Nam tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác Hồ với sự tham gia đông đảo bạn bè quốc tế là một thắng lợi to lớn về mặt ngoại giao, khẳng định với thế giới truyền thống văn hóa lâu đời, truyền thống lịch sử giữ nước và dựng nước cùng khát vọng hòa bình chân chính và sự nghiệp giải phóng dân tộc chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Những danh hiệu trong các lĩnh vực khác như Hà Nội - Thành phố Hòa bình và các danh hiệu mà UNESCO trao tặng bảy di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, sáu di sản văn hóa phi vật thể thế giới, ba di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới và khu vực, tám khu dự trữ sinh quyển thế giới và một công viên địa chất toàn cầu là hình thức quảng bá hữu hiệu về đất nước Việt Nam tươi đẹp, nền văn hóa dân tộc đặc sắc. Những quyết định của UNESCO đã góp phần quan trọng vào việc quy hoạch các khu vực di sản theo hướng phát triển bền vững, cân bằng giữa thu hút du lịch, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương với bảo tồn, gìn giữ di sản quý giá của đất nước cho các thế hệ mai sau. Sự tôn vinh các giá trị văn hóa còn tạo nên động lực phát triển gián tiếp cho những lĩnh vực khác, như trao đổi văn hóa quốc tế, giao lưu nhân dân giữa các nước và Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa của Việt Nam.

Chúng ta đã tiếp thu và triển khai nhiều ý tưởng, kinh nghiệm tiên tiến trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa, thông tin, góp phần làm chuyển biến nhận thức và chuyển tải vào các chương trình hành động, đóng góp cụ thể vào việc hình thành chính sách của Ðảng và Nhà nước. Những hoạt động tích cực hưởng ứng Thập kỷ quốc tế Phát triển văn hóa của UNESCO (1988-1997) đóng góp vào nhận thức mới về vai trò và mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển, giữa phát triển văn hóa và phát triển kinh tế, đưa đến đổi mới về lý luận, làm cơ sở hình thành Nghị quyết T.Ư 5 khoá VIII về "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Những ý tưởng trong các công ước về văn hóa mà Việt Nam tham gia đã góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát huy di sản, hình thành và hoàn thiện Luật Di sản cùng nhiều văn bản dưới luật liên quan khác. Các ý tưởng trong lĩnh vực giáo dục tác động đến nhận thức về một nền giáo dục toàn diện, hoạch định các chính sách, chương trình giáo dục của Việt Nam...

35 năm Việt Nam tham gia hoạt động cùng UNESCO mang lại cho đất nước những thuận lợi vô cùng to lớn trên mặt trận phát triển văn hóa, khoa học và giáo dục. Ðồng thời cũng khẳng định vững chắc vị thế và vai trò của đất nước trong đời sống của cộng đồng quốc tế, chứng minh hùng hồn về khả năng và khát vọng của nhân dân Việt Nam trở thành thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Thực hiện đường lối chủ động hội nhập quốc tế toàn diện đề ra tại Ðại hội Ðảng lần thứ XI, vai trò ngoại giao đa phương của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam ngày càng quan trọng hơn bao giờ hết. Vai trò đó càng được nâng lên khi Ðảng ta chủ trương xây dựng và phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và ngoại giao văn hóa đã trở thành một trong ba trụ cột căn bản của ngoại giao Việt Nam. Việt Nam tiếp tục tham gia sâu rộng hơn vào các tổ chức chuyên môn của UNESCO, đồng thời phát triển hơn nữa các hoạt động UNESCO tại Việt Nam./.

(Theo: ND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất