Thứ Bảy, 21/9/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 5/10/2014 16:34'(GMT+7)

Kết nối các miền di sản

Theo Quyết định số 2163, ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", việc phát triển du lịch vùng theo hướng tăng cường liên kết, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về du lịch của các địa phương và của vùng gồm Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình và Quảng Ninh là nhiệm vụ rất quan trọng. Phát triển đồng thời du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch biển, trong đó du lịch văn hóa gắn với các giá trị văn minh sông Hồng là nền tảng để phát triển các loại hình du lịch khác.

Nằm trong vùng quy hoạch, tỉnh Ninh Bình đã đẩy mạnh hợp tác, kết nối với nhiều địa phương trong khu vực, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội trong phát triển du lịch. Bước đầu, sự liên kết đó đã đưa lại những kết quả tích cực, vừa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, vừa tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Theo số liệu của Cục Thống kê Ninh Bình, doanh thu từ du lịch từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 750 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.

Từ Cố đô Hoa Lư đến Hoàng thành Thăng Long

Trong những ngày mùa thu lịch sử, khi mọi miền Tổ quốc đang hướng về Hà Nội nhân kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014) thì tại tỉnh Ninh Bình, rất đông du khách tìm đến Khu di tích lịch sử cố đô Hoa Lư để dâng hương tưởng niệm, chiêm bái các vị Hoàng đế thuộc ba triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê và khởi đầu nhà Lý đã có công lao to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Năm 938, sau trận đại thắng trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán rồi xưng Vương và chọn Cổ Loa (nay là Khu di tích Cổ Loa nằm trên địa phận ba xã Cổ Loa, Dục Tú và Việt Hùng thuộc huyện Đông Anh - Thành phố Hà Nội) làm kinh đô. Định đô ở Cổ Loa, Ngô Quyền không những tận dụng những thành quả của quá khứ, của vị trí địa lý, địa hình và điều kiện tự nhiên thuận lợi mà còn chấm dứt thời kỳ đô hộ của phong kiến phương Bắc, đưa nước ta bước vào một thời kỳ mới - thời kỳ phát triển của quốc gia phong kiến độc lập.

Từ những bài học xây dựng đất nước, nhất là việc chọn đất dựng kinh đô của Ngô Quyền, năm 968, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, "đại định thiên hạ", non sông thu về một mối, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lập nên triều đại nhà Đinh, đặt tên nước là Đại Cồ Việt và quyết định lập kinh đô ở Hoa Lư, nay thuộc địa phận xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Đây là một bước tiến quan trọng trong lịch sử đất nước và dân tộc ở thế kỷ thứ X.

Mùa thu năm Canh Tuất (1010), Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn xuống Chiếu dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La (tức Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngày nay). Kinh đô Hoa Lư đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình và trở thành Cố đô từ đó. Chỉ với 42 năm tồn tại, nhưng Kinh đô Hoa Lư gắn liền với cuộc đời kiệt xuất và công lao to lớn của ba vị vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và Lý Thái Tổ đã để lại một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc.

Theo ông Trương Đình Tưởng, Chi hội trưởng Chi hội Khoa học lịch sử tỉnh Ninh Bình, lịch sử dân tộc đã trải qua một giai đoạn phát triển nhảy vọt kể từ khi Thục Phán An Dương Vương thống nhất hai tộc Âu Việt và Lạc Việt trở thành vua Việt cổ, xây dựng Loa thành, dựng lên nước Âu Lạc ở thế kỷ thứ III trước Công nguyên cho đến khi Ngô Quyền định đô ở Cổ Loa, tiếp đến là dấu ấn đậm nét của ba vị vua Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn và Lý Công Uẩn gắn liền với kinh đô Hoa Lư lịch sử. Sau đó, khi vận nước bước sang trang mới, Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn quyết định xây dựng kinh đô mới ở thành Đại La, đổi tên là Thăng Long để mưu nghiệp lớn, tính kế phồn vinh, trường kỳ cho muôn đời con cháu mai sau.

Không có Hoa Lư với gần nửa thế kỷ oanh liệt thì không thể có Thăng Long (nghĩa là Rồng bay lên) ở thế kỷ thứ XI. Cái tên Thăng Long mà Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn, vị vua khai sáng triều đại nhà Lý đặt cho kinh đô mới chắc hẳn mang nhiều ký ức về con sông Hoàng Long (tức Rồng Vàng) có Kinh thành Hoa Lư là nơi ông đã phụng sự nhiều năm dưới triều Tiền Lê.

Để tưởng niệm công lao của các vị hoàng đế đã đặt nền móng xây dựng độc lập tự chủ của đất nước và nhớ đến cố đô xưa, nhà Lý đã xây dựng nhiều công trình kiến trúc giống như ở Hoa Lư tại kinh thành Thăng Long mà hiện giờ vẫn đang tồn tại trong lòng Thủ đô Hà Nội như: Ô Cầu Dền, phố Tràng Tiền, phố Cầu Đông, chùa Một Cột, ngã ba Bồ Đề, cống Trẹm, tháp Báo Thiên, phố Đình Ngang, chùa Vạn Tuế.

Kết nối để phát triển du lịch

Nằm ở cực Nam đồng bằng sông Hồng - vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, trên tuyến giao thông huyết mạch Bắc - Nam và gần Thủ đô Hà Nội, Ninh Bình có địa hình đa dạng, kết hợp hài hòa giữa rừng, núi, sông, hồ, đất ngập nước, đồng bằng và duyên hải tạo nên nhiều hình thái cảnh quan, hệ sinh thái độc đáo, đa dạng mang giá trị nổi bật thu hút du khách. Có thể nói, đặc điểm địa hình và hệ sinh thái của Ninh Bình tạo nên hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên đặc sắc và đa dạng, phù hợp với các loại hình du lịch thăm quan, nghỉ dưỡng, sinh thái rừng, núi, hang động, biển, đất ngập nước, suối khoáng, đồng quê như Vườn Quốc gia Cúc Phương, Danh thắng Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Vân Long, Kênh Gà, Kim Sơn.

Mới đây, khi tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được đưa vào sử dụng đã liên kết mảnh đất có Cố đô Hoa Lư hơn nghìn năm lịch sử với Hà Nội để cùng với Quốc lộ 5, Quốc lộ 10 và Quốc lộ 18 góp phần tạo nên hai tam giác phát triển kinh tế trọng điểm là Hà Nội - Hải Phòng - Ninh Bình và Hà Nội - Quảng Ninh - Ninh Bình.

Với chiều sâu văn hóa, lịch sử gắn với lối sống, tôn giáo và hệ thống di tích hòa đồng với hệ sinh thái cảnh quan hình thành hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn hấp dẫn, gắn với các địa danh, di tích, lễ hội, ẩm thực, làng nghề như Cố đô Hoa Lư, Chùa Bái Đính, Nhà thờ đá Phát Diệm..., chỉ tính riêng trong vùng đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc, Ninh Bình đã hội tụ đầy đủ những yếu tố về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, có tiềm năng to lớn để phát triển mạnh hoạt động du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh và sinh thái.

Thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Ninh Bình đã ký Biên bản thỏa thuận Hợp tác phát triển du lịch với 10 tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Cần Thơ, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Lạng Sơn. Các địa phương chú trọng đến việc phát triển hệ thống sản phẩm du lịch đi đôi với duy trì chất lượng, mang đậm tính đặc sắc, đa dạng và đồng bộ, có giá trị gia tăng cao, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nội địa và quốc tế; phát triển sản phẩm du lịch "xanh", tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa bản địa. Cùng với đó, phát huy thế mạnh và tăng cường liên kết giữa các vùng, miền, hướng tới hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng theo các vùng du lịch. Cùng với đó, các doanh nghiệp lữ hành của tỉnh Ninh Bình đã chủ động liên kết với các hãng lữ hành lớn, có uy tín của Hà Nội và một số thị trường du lịch trọng điểm khác để định vị sản phẩm du lịch trên thị trường.

Trong xu hướng phát triển chung, những năm qua du lịch Ninh Bình đã có nhiều khởi sắc, làm thay đổi căn bản diện mạo và cơ cấu kinh tế - xã hội địa phương. Hoạt động du lịch từ chỗ tự phát tới chỗ đã được quy hoạch đi liền với các chính sách phát triển, từng bước khai thác tốt hơn những điều kiện, tiềm năng và nguồn lực hiện hữu.

Hiện nay, Ninh Bình đã quy hoạch 7 cụm du lịch, gồm: Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, khu du lịch sinh thái Tràng An, Cố đô Hoa Lư với trọng tâm là văn hóa lễ hội, văn hóa tâm linh, tham quan danh lam thắng cảnh. Trung tâm thành phố Ninh Bình chọn hướng phát triển du lịch văn hóa, du lịch hội thảo kết hợp vui chơi giải trí. Vườn quốc gia Cúc Phương - hồ Đồng Chương khai thác thế mạnh về du lịch sinh thái, du lịch thể thao kết hợp nghỉ dưỡng. Suối nước khoáng Kênh Gà - động Vân Trình - khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long - chùa Địch Lộng - động Hoa Lư với đặc trưng là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chữa bệnh. Thị xã Tam Điệp với phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn khai thác du lịch văn hóa lịch sử. Cụm nhà thờ đá Phát Diệm và vùng ven biển huyện Kim Sơn khai thác du lịch văn hóa làng nghề, du lịch biển mang tính chất tham quan, nghiên cứu, ẩm thực hải sản. Tuyến du lịch hồ Yên Thắng - hồ Yên Đồng - động Mã Tiên đi sâu vào mảng vui chơi giải trí cuối tuần.

Hướng tới Năm du lịch quốc gia 2015

Hưởng ứng Năm du lịch quốc gia 2015 với chủ đề "Kết nối các miền di sản", tỉnh Ninh Bình phối hợp với Tổng cục Du lịch cùng các địa phương tập trung phát triển tam giác du lịch phía Bắc gồm: Hà Nội - Quảng Ninh - Ninh Bình để kết nối các tuyến hành trình với nhiều trải nghiệm khác nhau. Đồng thời, hình thành và xây dựng một số tuyến du lịch trọng điểm là Hà Nội - Hạ Long (qua Côn Sơn Kiếp Bạc, Đông Triều, Đền An Sinh, Khu lăng mộ 8 vua Trần, Chùa Quỳnh Lâm, Núi Bài Thơ, Đền Cửa Ông) - Ninh Bình; tuyến Chùa Hương (Hà Nội) - Chùa Bái Đính - Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình); tuyến hành trình qua kinh đô Việt cổ bắt đầu từ Đền Hùng (Phú Thọ) tới Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội), xuôi Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) gặp Thành Nhà Hồ (Lam Kinh - Thanh Hóa) và đến Cố đô Huế.

Theo nhận định của PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tỉnh Ninh Bình có một vị trí chiến lược quan trọng, là nơi tiếp nối giao lưu kinh tế và văn hoá giữa lưu vực sông Hồng với lưu vực sông Mã, giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ với vùng núi rừng Tây Bắc của Tổ quốc. Với quy mô nhỏ gọn gồm 8 đơn vị hành chính được chia làm 3 vùng rõ rệt là trung du miền núi, đồng bằng trũng trung tâm và đồng bằng ven biển, Ninh Bình nắm lợi thế không nhỏ trong mối liên kết vùng, đồng thời sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, rất thuận lợi để phát triển du lịch.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định, các đơn vị trong ngành đang xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Bình như một điểm đến trọng điểm của du lịch phía Bắc. Hầu như đoàn Famtrip nào cũng được Tổng cục du lịch đưa đến khảo sát tại Ninh Bình và hầu hết đều rất ấn tượng với tiềm năng du lịch nơi đây.

Ông Tuấn cho rằng: Ninh Bình cần củng cố, phát triển các điểm đến du lịch theo trục Hoa Lư - Tràng An một cách khoa học với quan điểm bền vững trong mối quan hệ phát triển du lịch chung với khu vực các vùng, miền, các trung tâm du lịch như Hà Nội, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế. Đồng thời, cần tăng cường sự liên kết chặt chẽ và hợp lý giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch cũng như doanh nghiệp, hiệp hội du lịch các địa phương nhằm xây dựng những sản phẩm mới, không trùng lặp, tạo được điểm nhấn ấn tượng với du khách trong và ngoài nước.

Đặc biệt, với việc được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào cuối tháng 6 vừa qua, Quần thể danh thắng Tràng An đã và đang được kỳ vọng sẽ góp phần đưa "ngành công nghiệp không khói" của tỉnh Ninh Bình phát triển bền vững, xứng đáng là điểm đến của các tour du lịch tầm cỡ quốc tế và khu vực trong thời gian tới.

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng để tạo sự khác biệt, thời gian tới, Ninh Bình tiếp tục tăng cường liên kết với Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh bạn nhằm phát triển loại hình du lịch tham quan chuỗi các di tích kinh đô xưa. Có thể kể đến là Phong Châu (Phú Thọ), Cổ Loa (Hà Nội), Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Di tích Lam Kinh - Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) và Cố đô Huế theo suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình Dương Thị Thanh khẳng định, thế mạnh của du lịch Ninh Bình là du lịch văn hóa lịch sử, du lịch văn hoá tâm linh, du lịch văn hóa kiến trúc và sinh thái. Do vậy, các di tích lịch sử văn hoá phải được coi là "hồn cốt" của các loại hình du lịch. Cần xác định rõ đặc trưng văn hóa, lịch sử tiêu biểu của từng khu du lịch này là gì để có giải pháp cụ thể trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của từng khu du lịch, khắc phục sự trùng lắp, "kịch bản hóa" hay "sân khấu hóa" các hoạt động du lịch theo một khuôn mẫu công thức và đơn điệu, dễ gây nhàm chán cho du khách. Phát huy vai trò của các doanh nghiệp và sự tham gia của người dân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa để phát triển du lịch, tránh xu hướng làm biến dạng hoặc "trẻ hóa" các di tích lịch sử, văn hóa. Giá trị tinh thần tốt đẹp của người dân Ninh Bình "thuần hậu và mỹ tục", cởi mở, lịch thiệp, hiếu khách trong kinh doanh dịch vụ du lịch chính là tài sản vô giá để làm nên thương hiệu du lịch của địa phương./.

TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất