Thứ Ba, 24/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 6/1/2010 17:17'(GMT+7)

“Kết nối người Việt trẻ”

 

Hôm nay, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến giữa Lãnh đạo Đoàn, Hội với  thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề: “Kết nối người Việt trẻ”.

Đúng 13h30, cuộc giao lưu trực tuyến bắt đầu tại trụ sở TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (62 Bà Triệu, Hà Nội). 

Cuộc giao lưu nhằm nắm bắt nhu cầu, khả năng cũng như kết nối hiệu quả người Việt trẻ đang học tập và công tác ở trong và ngoài nước, tạo thành sức mạnh đoàn kết thanh niên Việt Nam toàn cầu hướng về Tổ quốc.

Đây là diễn đàn để cung cấp thông tin, chia sẻ cùng các bạn trẻ Việt Nam ở nước ngoài về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chủ trương của Đoàn trong việc quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện trong học tập, cuộc sống, đồng thời tiếp nhận những tâm tư, nguyện vọng, sáng kiến của người Việt trẻ toàn cầu nhằm kết nối trí tuệ Việt tham gia xây dựng đất nước.

Dự buổi giao lưu có ông Trương Mạnh Sơn, Bí thư Đảng ủy Ngoài nước; ông Trần Đức Mậu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao; ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng, Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; PGS.TS. Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư TW Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam....

Ông Nguyễn Đắc Vinh

Tham gia giao lưu có các bạn trẻ Việt Nam tại 11 điểm cầu ở ngoài nước, như: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Singapore,  Hàn Quốc, CH Czech…. 

Điểm cầu Việt Nam được tổ chức tại Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (62 Bà Triệu, Hà Nội) còn có sự tham dự trực tiếp của các bạn du học sinh tại Mỹ, Australia...

Phát biểu khai mạc buổi giao lưu, ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư TW Đoàn, nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên cuộc giao lưu được Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, với mong muốn tìm được các phương thức hiệu quả kết nối người Việt trẻ trên mọi miền đất nước và thế giới để cùng nhau chia sẻ, trao đổi, tạo thành sức mạnh đoàn kết thanh niên Việt Nam toàn cầu hướng về Tổ quốc.

** Bạn Bùi Quốc Hùng tại địa chỉ hung_realmadrid251087@yahoo.com: Xin cho biết vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong các hoạt động của thanh niên Việt Nam tại nước ngoài? Có cách nào để thanh niên Viêt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong nước

PGS.TS. Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư TW Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh luôn chú trọng tới việc kết nối, đoàn kết những sinh viên ở trong và ngoài nước. Trong năm 2009, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã mời 7 sinh viên ở nước ngoài cùng sinh viên Việt Nam tham gia nhiều hoạt động có ích. Trong các hoạt động như Đại hội Tài năng trẻ, Giải thưởng Sao tháng Giêng… đều có mặt sinh viên ở nước ngoài.

Hiện nay, có nhiều sinh viên ở nước ngoài chủ động tham gia các hoạt động hỗ trợ sinh viên ở trong nước như Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản… Bằng những hoạt động phong phú như tổ chức giải bóng đá, giao lưu văn hoá giữa sinh viên hai nước, kêu gọi ủng hộ, trao học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó…

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sẵn sàng chào đón thanh niên, sinh viên tại nước ngoài tham gia các hoạt động trong nước.

** Nhiều thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài email hỏi các Văn bản hướng dẫn, quy định việc thành lập và tổ chức Đoàn, Hội ở ngoài nước? Điều kiện, thủ tục thành lập và nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức Đoàn ngoài nước? Hình thức sinh hoạt chi đoàn thông qua mạng internet có hợp lệ với quy định trong Điều lệ Đoàn, Hội không? Việc thành lập hình thức Hội Thanh niên, Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài có phù hợp với các quy định ở trong nước?

Ông Nguyễn Hữu Việt, UVBCH, Phó Ban Tổ chức TƯ Đoàn: Trong năm 2004, TƯ Đoàn đã ban hành Hướng dẫn về việc xây dựng tổ chức Đoàn ở ngoài nước, trong đó có việc xây dựng tổ chức Hội Thanh niên Việt Nam ở ngoài nước. Bên cạnh đó, TƯ Đoàn đồng thời cũng đã ban hành một số văn bản như Nghị quyết liên tịch của Ban Bí thư TƯ Đoàn về xây dựng tổ chức đoàn ở ngoài nước.

Ông Nguyễn Hữu Việt
Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc cũng đã chỉ rõ: “Coi trọng công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên Việt Nam ở ngoài nước, đặc biệt là du học sinh; chủ động phối hợp với các ngành liên quan chuẩn bị cho thanh niên trước khi đi lao động, học tập, công tác ở nước ngoài; tăng cường mối liên hệ giữa tổ chức Đoàn, Hội ở nước ngoài với trong nước.” Điều đó cho thấy TƯ Đoàn luôn quan tâm đến việc xây dựng tổ chức Đoàn trong khối đoàn viên thanh niên Việt Nam ở ngoài nước.

Vừa qua TƯ Đoàn đã tổ chức một số đoàn công tác đi một số nước tìm hiểu tình hình công tác tổ chức đoàn ở ngoài nước tại một số nước như Ba Lan, Singapore… Ở mỗi nước, việc xây dựng, tổ chức đoàn, Hội Thanh niên lại có các đặc điểm khác nhau, do vậy đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ trong từng điều kiện cụ thể.

Chúng ta có bề dày kinh nghiệm thành lập tổ chức đoàn thanh niên ở ngoài nước. Hiện đang có 3 tổ chức hội sinh viên Việt Nam tại Pháp, Hà Lan và Hàn Quốc. Chúng ta đang xúc tiến thành lập Hội sinh viên Việt Nam tại Anh. Do vậy, các bạn thanh niên, sinh viên Việt Nam ở ngoài nước quan tâm đến việc xây dựng tổ chức đoàn, Hội thanh niên Việt Nam ở ngoài nước, các bạn đã tập hợp với nhau chung mục đích thực hiện mong muốn này thì hãy liên hệ với TƯ hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, chúng tôi sẽ hỗ trợ các bạn thủ tục thành lập Hội sinh viên. Hoặc các bạn tham khảo thêm thông tin về các văn bản hướng dẫn xây dựng tổ chức đoàn tại trang web: doanthanhnien.vn

** Bạn Trần Việt Hùng, nghiên cứu sinh tại Nhật Bản tại địa chỉ viethunghgt@gmail.com:  Để kết nối giữa thanh niên, sinh viên ở trong nước và ngoài nước, TƯ Đoàn TN, Hội Sinh Viên, Hội LHTN đã và đang có những biện pháp, chính sách và thể hiện vai trò của mình như thế nào? Đặc biệt là việc kết nối các tổ chức Hội của thanh niên, sinh viên Việt Nam đang hoạt động rất có hiệu quả ở các nước.

Ông Nguyễn Mạnh Cường
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam: Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam hiện có 8.000 hội viên, có mặt trong cả nước. Đa phần các thành viên của Hội đều là những doanh nhân trẻ thành đạt.

Để kết nối với sinh viên ngoài nước, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Hội đã thực hiện Chương trình 103 hỗ trợ thanh niên, sinh viên khởi nghiệp, với 4 hoạt động chính: đào tạo (đào tạo trực tuyến qua mạng Thanhgiong.vn; đào tạo kết hợp với tư vấn, hỗ trợ và đào tạo thông qua hộp thư thoại); tổ chức các cuộc đối thoại với thanh niên, sinh viên với lãnh đạo cấp cao từ Trung ương đến địa phương để từ đó giải quyết khúc mắc, kiến nghị của thanh niên, sinh viên, tạo phản hồi giữa thanh niên trẻ với các cấp lãnh đạo; Tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp thu hút hàng chục ngàn sinh viên, thanh niên tham gia. Qua các cuộc thi này, các sinh viên, thanh niên ưu tú được nhận học bổng để học tiếp, được các doanh nhghiệp nhận nuôi dưỡng để sau này trở thành lãnh đạo tương lai của doanh nghiệp.

** Bạn Phạm Hoàng Yến, lưu học sinh tại Australia: Tôi là lưu học sinh ở Australia, tôi muốn phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam thì làm thế nào?

Ông Trương Mạnh Sơn, Bí thư Đảng ủy Ngoài nước: Chúng tôi hoan nghênh bạn đã có nguyện vọng phấn đấu trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hiện nay, chúng ta đều có các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Ở đó có tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể do các cơ quan này lập ra. Vậy bạn hãy liên hệ với quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để tham gia vào các hoạt động do  tổ chức Đảng, tổ chức đoàn thể giao cho, qua đó phấn đấu trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư TW Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam: Trong khối lưu học sinh đã có nhiều bạn sinh viên được kết nạp Đảng và trưởng thành tốt.

** Đoàn Nam Thái (Chi hội SVVN tại ĐH Quốc gia Seoul - Hàn Quốc): Được biết, Bộ GD-ĐT vừa ra dự thảo quản lý Du học sinh ở nước ngoài. Xin hỏi dự thảo này có ý nghĩa gì? Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã có những hoạt động nào để thu hút giảng viên là người Việt có trình độ cao đang nghiên cứu, học tập ở nước ngoài trở về nước giảng dạy?

Ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT): Hiện Bộ GD-ĐT đang chủ trì dự thảo Quản lý du học sinh và đang lấy ý kiến rộng rãi trong dư luận xã hội. Dự thảo này nhằm góp phần quản lý du học sinh tại nước ngoài một cách tốt hơn, hiệu qủa hơn.

Từ trước tới nay, Bộ GD-ĐT luôn tạo điều kiện nhằm thu hút giảng viên là Việt kiều là về nước giảng dạy.Nếu giảng viên hay nghiên cứu sinh nào đang giảng dạy, làm việc tại nước ngoài mà muốn trở về quê hương cống hiến, công tác thì có thể liên hệ với Cục Đào tạo nước ngoài (Bộ GD-ĐT) để được biết thêm chi tiết về vấn đề công tác, làm việc ở trong nước.

Bạn Hưng- du học sinh ở Mỹ
** Bạn Hưng – du học sinh ở Mỹ mong muốn được các tổ chức Đoàn trong nước gợi ý các hoạt động tình nguyện để sinh viên, thanh viên ở ngoài nước cũng được hướng về tổ quốc, có những hoạt động đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Ông Nguyễn Phước Lộc, UVTV TƯ Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực TƯ Hội LHTNVN: Qua những chuyến công tác ở nước ngoài, tôi thấy lực lượng thanh niên, sinh viên ở ngoài nước thường kết hợp với Đại sứ quan Việt Nam ở các nước sở tại tổ chức nhiều hoạt động quảng bá hình ảnh đất nước.

Những hoạt động đó được tổ chức thường xuyên và mang lại hiệu quả tương đối tốt. Giúp các bạn được đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước, chúng tôi sẽ làm việc với Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài để thông tin đến cho các bạn nhiều hơn những sự kiện ở trong nước, qua đó các bạn thanh niên, sinh viên ở ngoài nước có thể tuyên truyền để bạn bè ở nước ngoài cùng quan tâm, ủng hộ các sự kiện ở trong nước, có nhiều sự hỗ trợ, giúp đỡ đất nước phát triển kinh tế xã hội. Theo tôi, đó là hoạt động rất thiết thực để các bạn thanh niên, sinh viên ở ngoài nước có thể hướng về đất nước.

** Bùi Lê Minh (Chi hội SVVN tại Học viện KAIST – Hàn Quốc):­ Hoạt động tình nguyện của Đoàn viên, Hội viên là một trong những hoạt động nổi bật nhất của Đoàn, Hội, TW Đoàn. Hội tự đánh giá hiệu quả của hoạt động tình nguyện được bao nhiêu điểm và có kế hoạch đổi mới hay tổ chức các hoạt động tình nguyện mới không? Nếu chúng tôi muốn cùng tham gia tình nguyện với thanh niên trong nước, có lời khuyên nào cho chúng tôi?

Ông Nguyễn Phước Lộc, UVTV TƯ Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực TƯ Hội LHTNVN: Trong câu hỏi bạn đã đánh giá: “Hoạt động tình nguyện của Đoàn viên, Hội viên là một trong những hoạt động nổi bật nhất của Đoàn, Hội, TW Đoàn”. Như vậy là bạn đã trả lời cho chính câu hỏi của mình.

Hoạt động thanh niên tình nguyện nếu được cho điểm cao phải đảm bảo được các tiêu chí: đảm bảo các việc khó, việc mới, việc phát sinh, việc bức xúc cộng đồng; hoạt động được cộng đồng quần chúng nhân dân ủng hộ; thanh niên hưởng ứng tích cực.

Ông Nguyễn Phước Lộc
Ba tiêu chí đó là cơ sở căn bản để đánh giá và cho điểm hoạt động tình nguyện của thanh niên.

Hiện mỗi năm chúng ta có 3 đợt tình nguyện cao điểm:

Chương trình tình nguyện trong Tháng Thanh niên: là tháng đỉnh cao huy động các nguồn lực xã hội, trong đó phát huy nguồn lực của chính thanh niên để hoạt động tình nguyện;

Chương trình tình nguyện mùa hè: với sự tham gia tích cực của học sinh, sinh viên ở trong và ngoài nước. Hiện chương trình này đã mở rộng sang nhiều đối tượng, thành phần khác cùng tham gia: thanh niên quốc tế, lực lượng vũ trang, công nhân….;

Chương trình tình nguyện mùa đông: sự tham gia của thanh niên trong việc giúp nông dân ở các vùng núi cao bảo vệ nông sản, gia súc gia cầm trong điều kiện xảy ra thiên tai, thời tiết khắc nghiệt…

Lời khuyên với bạn Bùi Lê Minh cũng như các bạn sinh viên đang học tập ở nước ngoài muốn tham gia các hoạt động tình nguyện: Nếu ở nơi bạn sinh sống và học tập có ban công tác cộng đồng, hãy liên lạc với ban công tác cộng đồng, hoặc liên hệ với Đại sứ quán tại nước sở tại… để dạy tiếng Việt cho trẻ em đang ở nước ngoài. Đó là hoạt động tình nguyện thiết thực nhất. Bạn Bùi Lê Minh đang ở Hàn Quốc, các bạn có thể liên kết dạy tiếng Hàn cho cô dâu người Việt ở Hàn Quốc. Như vậy cũng đã góp một phần công việc ý nghĩa giúp đỡ cộng đồng.

Tôi muốn nhấn mạnh: Hoạt động tình nguyện của chúng ta phải có công trình, tên gọi, địa chỉ cụ thể. Muốn như vậy chúng ta phải nâng cao năng lực và nỗ lực hết mình vì mục tiêu đã đề ra.

** Bạn Lưu trọng Nghĩa (Việt kiều tại Ba Lan): Tôi muốn tham gia hoạt động sinh hoạt thể thao, sinh hoạt trại hè của người Việt Nam tại nước ngoài thì phải làm như thế nào?

Ông Trần Đức Mậu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao: Bộ Ngoại giao đã, đang và sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để đưa ra nhiều hoạt động hợp tác nhằm giúp sinh viên Việt Nam ở nước ngoài có thể tham gia vào các trại hè.

Nếu bạn muốn tham gia hoạt động thể thao, sinh hoạt trại hè thì có thể liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan hoặc Uỷ ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao).

Việc tổ chức những trại hè của người Việt Nam ở nước ngoài cũng rất công phu và tốn kém nên chúng tôi vẫn đang cố gắng để tổ chức trại hè nhằm giúp thanh niên, sinh viên có thể giao lưu với nhau.

** Bạn Nguyễn Hoàng Gia, lao động tại Hàn Quốc: Chúng tôi muốn có hình thức tổ chức Hội nhưng chủ không cho. Vậy cơ quan quản lý lao động Việt Nam ở ngoài nước có biện pháp nào giúp đỡ chúng tôi?

Ông Đào Công Hải
Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng, Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội: Hiện Việt Nam có khoảng 55.000 người lao động làm việc tại Hàn Quốc và có 35.000 cô dâu Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu cho người Việt ở đây.

Bộ LĐ-TB-XH cũng phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhiều hoạt động như: Ngày Văn hoá Việt Nam tại Hàn Quốc, ngày lao động Việt Nam tại Hàn Quốc... Bạn hãy liên hệ và tham dự vào các hoạt động này. Hiện nay cũng đã có Hội Sinh viên tại Hàn Quốc. Chúng tôi đang xúc tiến để thành lập Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc.

** Bạn Nguyễn Ngọc Hoàng (Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc): Việc tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam và Hàn Quốc giao lưu, khuyến khích nghiên cứu khoa học thông qua những giải thưởng được thực hiện như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư TW Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam: Hàng năm, các bạn sinh viên Việt Nam đạt thành tích trong học tập và có nhhiều sáng kiến trong nghiên cứu khoa học đều được xét tặng giải thưởng như: Giải thưởng Nghiên cứu khoa học Vifotec, Sinh viên nghiên cứu khoa học, Tài năng trẻ…

Việc khuyến khích sinh viên Việt Nam và Hàn Quốc tham gia nhiều hơn vào các hoạt động nghiên cứu khoa học luôn được ngành GD-ĐT quan tâm. Chính các bạn- những sinh viên đang học tập, nghiên cứu tại nước ngoài sẽ là những người đưa ra những mô hình thiết thực nhất nhằm khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng phát triển.

** Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp: Chính phủ giao cơ quan nào quản lý du học sinh tự túc, học bổng? Có bao nhiêu sinh viên trở về nước? Có cơ quan nào thu thập luận văn, nghiên cứu khoa học, dịch và áp dụng phục vụ sự phát triển của đất nước?

Ông Nguyễn Xuân Vang – Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài – Bộ GD&ĐT: Hiện, chưa cơ quan nào thực hiện việc này. Bộ GD&ĐT thống kê rất đầy đủ và chi tiết số du học sinh nhận học bổng do Bộ GD&ĐT quản lý nhưng không thể nắm chính xác con số du học sinh tự túc.

Ông Nguyễn Xuân Vang
Hàng năm chúng ta có khoảng 600 học bổng trong số các nước có hiệp định trao đổi giáo dục với Việt Nam. Còn các số liệu về số du học sinh chúng tôi đang có chỉ là tương đối và có thể thay đổi thường xuyên. Ví dụ như ở Australia hiện có khoảng 21.000 lưu học sinh Việt Nam đang theo học.

Chúng tôi có ý tưởng trong năm tới sẽ tổ chức hội nghị Lưu học sinh ở các nước để có số liệu cụ thể hơn, đồng thời xây dựng một trang web để du học sinh truy cập vào đó và cung cấp thông tin về mình.

Ông Trần Đức Mậu – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài bổ sung: Nước nào cũng có quy chế bảo hộ công dân của mình ở nước ngoài. Một trong những lý do chúng ta không thể thống kê được lưu học sinh tự túc là du học sinh không thông báo với các đoàn, thể của chúng ta.

Các bạn du học tự túc nên có thông báo cho một cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài khi đi du học theo đường tự túc. Việc thông báo này sẽ rất dễ cho các cơ quan chức năng có thể giúp đỡ các bạn trong cuộc sống. Việc thông báo này rất đơn giản. Các bạn có thể viết thư, gửi email, hoặc gọi điện thoại…

** Bạn Hồng Ngọc, sinh viên học tại Nga: Mục đích của chương trình Kết nối người Việt trẻ hôm nay ngoài các nội dung liên quan đến hoạt động Đoàn, thì có liên quan đến các hoạt động khác nữa không? Sau diễn đàn, Trung ương Đoàn sẽ có các hình thức giao lưu nào nữa để góp phần kết nối nhiều hơn nữa những người Việt trẻ?

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư TW Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam: Về phía BTC, khi đặt chủ đề cuộc giao lưu hôm nay "Kết nối người Việt trẻ", nghĩa là chúng tôi muốn kết nối tất cả những người Việt Nam trẻ tuổi đang sinh sống ở cả trong và ngoài nước. Có nhiều hình thức kết nối: kết nối bằng các tổ chức; ngoài ra còn có các phương thức các nhóm sinh viên kết nối với nhau qua thư điện tử, forum, chat…

Về phía TW Đoàn, chúng tôi cho rằng, muốn kết nối các bạn, chúng tôi cũng phải sử dụng các hình thức ấy. Chương trình giao lưu ngày hôm nay là minh chứng về sự khởi đầu cho phương thức kết nối người Việt trẻ.

Tuy nhiên, điều quan trọng là trong nhận thức của từng người Việt trẻ có muốn kết nối với nhau hay không. Nếu thực sự các bạn đều mong muốn thì chúng ta sẽ có rất nhiều phương thức để kết nối, đặc biệt trong thời đại công nghệ thông tin ngày càng phát triển như hiện nay. Tiếp thu ý kiến của bạn, TW Đoàn sẽ nghiên cứu để có thêm nhiều phương thức kết nối hữu hiệu.

Trên thực tế, qua mỗi lần giao lưu, chúng tôi cũng đề nghị các ban, ngành cùng tham gia để lắng nghe ý kiến của các bạn, từ đó có cách giải quyết cụ thể các đề xuất. Qua giao lưu, chúng tôi mới kết nối được với các Hiệp hội doanh nhân trẻ ở các nước. Các hội đó đều cam kết sẽ nhận vào làm việc trong doanh nghiệp của họ đối với các bạn thanh niên, sinh viên ưu tú. Có thể nói đó là kết quả rất tốt của việc kết nối.

** Bạn Phạm Anh Thư (sinh viên tại Anh): Kính thưa anh Vinh, em được biết anh là một trong những Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam, anh có thể chia sẻ lý do tại sao anh không theo đuổi con đường làm khoa học chuyên nghiệp mà lại chuyển sang làm hoạt động thanh niên?

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư TW Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam: Bạn đặt cho tôi một câu hỏi khó, tuy nhiên tôi xin chia sẻ, trong cuộc đời mình, ai cũng có niềm đam mê, với tôi khoa học cũng là một niềm đam mê. Tất nhiên, khi có đam mê, ai cũng muốn theo đuổi đến cùng. Tuy nhiên, sống trong đất nước, mỗi công dân đều mong muốn thực hiện nghĩa vụ của mình với đất nước khi được phân công.

Nhiệm vụ mới được giao của mình tôi cũng sẽ hoàn thành tốt, tiếp cận bằng những kiến thức khi làm khoa học để hoàn thành công tác Đoàn tốt hơn. Đặc biệt, trong các hoạt động của Đoàn, việc tập hợp trí thức trẻ là mục tiêu vươn tới của Đoàn. Các trí thức trẻ, sinh viên, thanh niên học tập ở nước ngoài đều có thể đóng góp cho Tổ quốc.

** Bạn Nguyễn Quốc Trí, lao động Việt Nam tại Hàn Quốc: Tôi là Đảng viên trẻ đang lao động tại Hàn Quốc. Làm thế nào để sinh hoạt đảng của tôi không bị gián đoạn?

Một sinh viên đang du học tại nước ngoài cũng đặt câu hỏi là làm thế nào phấn đấu để được đứng trong đội ngũ của Đảng?

Ông Trương Mạnh Sơn
Ông Trương Mạnh Sơn, Bí thư Đảng ủy Ngoài nước: Câu hỏi này có 2 vấn đề. Đối với các bạn đi hợp tác lao động thì hình thức sinh hoạt như thế nào. Du học sinh có nguyện vọng trở thành Đảng viên thì sự giúp đỡ của tổ chức Đảng như thế nào?

Hiện nay có rất nhiều Đảng viên ra ngoài nước, như đi nghiên cứu sinh, đi lao động, học tập... Mỗi diện có một hình thức sinh hoạt cho phù hợp với điều kiện của các bạn. Đối với bạn là lao động Việt Nam ở nước ngoài, chúng tôi phối hợp với Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để có hình thức phù hợp. Các bạn hãy liên hệ vói tổ chức Đảng của chúng ta ở nước sở tại để có hình thức sinh hoạt phù hợp, tránh gián đoạn.

Còn lưu học sinh, sinh viên muốn phấn đấu trở thành Đảng viên, mời bạn liên hệ với cơ quan đại diện, Đại sứ quán của nước ta ở nước sở tại. Bạn hãy tham gia vào hoạt động của tổ chức Hội ở đó để phát huy vai trò tiên phong gương mẫu, tích cực của mình. Qua đó, tổ chức Đảng của cơ quan đại diện sẽ phân công người giúp đỡ bạn phấn đấu, rèn luyện trở thành Đảng viên.

** Bạn Phan Đoàn Việt Sỹ: Trong thời đại hiện nay, sinh viên, thanh niên phải rèn luyện những kỹ năng sống như thế nào để có thể đáp ứng được nhu cầu hội nhập với thế giới mà vẫn gìn giữ nét đẹp văn hoá của người Việt Nam?

Ông Nguyễn Phước Lộc, UVTV TƯ Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực TƯ Hội LHTNVN: Để xây dựng thế hệ thanh niên, sinh viên có thể đáp ứng được với nhu cầu xã hội và hội nhập với quốc tế, sinh viên phải có kiến thức, kỹ năng sống để học tập, lao động và công tác tốt hơn. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng đang tổ chức nhiều hoạt động phong phú để giáo dục lối sống tốt đẹp như: Sinh viên với những kỹ năng sống ở trong và ngoài trường học, Xây dựng trường học thân thiện-học sinh tích cực, giao lưu với sinh viên nước ngoài…

** Bạn Đinh Mai Long (Thạc sĩ tại trường London) cho rằng: Sinh viên Việt Nam học tập ở nước ngoài đều được đánh giá là có nghị lực, chăm chỉ và thông minh. Tuy nhiên, theo tôi, sinh viên Việt Nam ra nước ngoài học tập và làm việc cần chú ý hơn tới kỹ năng sống và học tập như cần quan tâm hơn tới vấn đề tự lập, chủ động trong nghiên cứu khoa học. Sinh viên Việt Nam cũng cần khắc phục tính rụt rè, nhút nhát khi sang nước ngoài học tập.

Bạn Đinh Mai Long

** Hội SVVN tại Pháp: Có nên thành lập một trang web riêng hoặc một kênh truyền hình riêng cho các nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập ở nước ngoài?

Ông Nguyễn Xuân Vang – Cục trưởng cục Đào tạo, Bộ Giáo dục & Đào tạo: Trong năm nay chúng tôi sẽ cho thiết kế một trang web cho các lưu học sinh nói chung. Còn về phía truyền hình thì chúng tôi không quản lý.

Ông Nguyễn Phước Lộc bổ sung: Tôi được biết, hiện nay, VTV4 không tổ chức sản xuất chương trình mà chỉ tích hợp những chương trình hay, có tác động tốt tới người Việt Nam ở nước ngoài. Nhưng tôi nghĩ thời gian tới TƯ Đoàn sẽ làm việc với đài THVN để dành một thời lượng nào đó dành cho các thanh niên, sinh viên Việt Nam ở ngoài nói chung, và việc này sẽ cần phải có sự trợ giúp rất lớn của UBNN về người Việt Nam ở nước ngoài.

Ông Trần Đức Mậu - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao chia sẻ: Cá nhân tôi cho rằng một trang web riêng hoặc một kênh truyền hình riêng cho nghiên cứu sinh nếu làm được thì tốt, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay rất khó và tôi băn khoăn có nên hay không vì số lượng nghiên cứu sinh không thể đông bằng du học sinh.

Vì thế, tôi nghĩ nên làm như anh Vang nói, đó là thành lập một trang web riêng cho du học sinh và trong đó có nghiên cứu sinh. Trên thành quả trang web này có được, chúng ta sẽ chắt lọc ra kênh thông tin riêng cho các nghiên cứu sinh.

Còn về việc hợp tác với đài THVN thì đây cũng là một ý kiến rất hay, chúng tôi sẽ cùng trao đổi để thống nhất ý kiến và làm việc với đài TH.

** Bạn Thao Huynh, muốn biết các địa chỉ cung cấp các thông tin chính thống từ trong nước để cung cấp thông tin chính xác đến với người Việt Nam ở nước ngoài, và để người nước ngoài có cái nhìn đúng đắn về Việt Nam. Bạn cũng muốn cung cấp địa chỉ để có thể liên hệ với các Hội Sinh viên Việt Nam ở các nước để trao đổi thông tin.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư TW Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam: Website của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam sau 1 năm khẩn trương thực hiện đã chính thức khai trương tại địa chỉ www.hssvvn.com. Trong vòng 1 tháng tới, website sẽ được hoàn thiện và sẽ đổi tên thành  www.hoisinhvien.vn

Một nội dung quan trọng của trang thông tin này là phần thông tin dành cho sinh viên, thanh niên ở nước ngoài. Chúng tôi sẽ cung cấp thông tin về văn hóa truyền thống của đất nước để trong quá trình giao lưu với bạn bè nước ngoài, các bạn có thể khai thác để làm phong phú hơn công tác ngoại giao nhân dân. Tuy nhiên, do lượng công việc lớn và khó khăn nhưng chúng tôi vẫn đang cố gắng để trang web có thể hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

** Chúng tôi là những đoàn viên đang học tập tại Lào. Những năm gần đây, Đoàn Thanh niên Việt Nam tổ chức chiến dịch Mùa hè xanh tại Lào. Chúng tôi có tham gia nhưng đóng góp còn hạn chế. Chúng tôi làm thế nào để nâng cao hiệu quả hoạt động tình nguyện?

PGS.TS Nguyễn Đức Vinh, Bí thư TW Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam: Trong quá trình tổ chức cho các đoàn sinh viên tình nguyện sang giúp các bạn Lào, chúng ta đã tổ chức các đoàn thanh niên, sinh viên tại Hà Nội, TP HCM và các tỉnh biên giới giáp Lào sang làm công tác tình nguyện rất tốt. Tuy nhiên, các bạn đã gợi ý cho chúng tôi là đã chưa kết nối với các bạn sinh viên đang học tập tại Lào để tổ chức chương trình tốt hơn, hiệu quả hơn. Chúng tôi xin ghi nhận ý kiến này để chương trình tình nguyện giúp các bạn Lào Hè 2010 được tổ chức tốt hơn.

Nguyễn Phước Lộc, UVTV TƯ Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực TƯ Hội LHTNVN góp ý: Hiện giữa Việt Nam và Lào đang đẩy mạnh hợp tác kinh tế liên quan đến trồng cây cao su. Các bạn có thể tham gia chương trình tình nguyện trong các dự án kinh tế này.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tại Lào và Campuchia chúng ta có khoảng 200.000 mộ liệt sĩ chưa tìm kiếm được và chưa quy tập về. Hiện nay nếu chúng ta không tìm kiếm nhanh, khi Lào, Campuchia đẩy mạnh phát triển các công trình thủy lợi, thủy điện, công trình kinh tế… sẽ cày xới những vùng đất có hài cốt liệt sĩ Việt Nam và chúng ta có nguy cơ mất mộ liệt sĩ thêm một lần nữa do biến đổi địa hình, địa chất và việc tìm kiếm sẽ rất khó khăn. Do vậy, nếu có một việc làm thiết thực nhất mùa hè này tôi cho rằng chúng ta nên liên kết tìm kiếm mộ liệt sĩ. Đây sẽ là việc làm có ý nghĩa nhất, vừa thể hiện sự ghi nhớ công ơn các liệt sĩ, vừa có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

** Bạn Hoàng Văn Hoành (đang làm việc tại Lybia): Những thanh niên đang làm việc tại nước ngoài bị chủ nợ tiền công thì phải làm những gì? Bạn em đang làm việc tại Malaysia bị chủ nợ lương thì phải làm sao?

Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng, Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội: Hiện nay có gần 10.000 lao động Việt Nam làm việc tại Lybia và 8 công ty giới thiệu người Việt Nam sang Lybia làm việc. Những nhầm lẫn về tiền lương của lao động, bạn cần liên lạc với đại diện doanh nghiệp Việt Nam tại Lybia  hoặc Đại sứ quán Việt Nam tại Lybia để được xem xét.

Malaysia là thị trường tiếp nhận rất nhiều lao động Việt Nam sang làm việc. Bạn của bạn bị nợ lương thì bạn cũng có thể liên lạc với đại diện doanh nghiệp Việt Nam tại Malaysia hoặc Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia hay Cục quản lý lao động ngoài- Bộ Lao động Thương binh và Xã hội theo số ĐT: (04).38259517 để xin tư vấn và trợ giúp.

Các vị khách mời tại buổi giao lưu

** Bạn Nguyễn Đình Quý, đại diện cho tổ chức hoạt động xã hội Người Việt trẻ: Hội khoa học trẻ Việt Nam có thể thành lập và có sự tham gia của các nhà khoa học Việt Nam tại nước ngoài được không? Những yêu cầu và chính sách ưu đãi gồm những gì?

Ông Nguyễn Phước Lộc, UVTV TƯ Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực TƯ Hội LHTNVN: Thực tế, chúng ta đã có hội Trí thức khoa học công nghệ trẻ Việt Nam thành lập năm 2004. Hội là một tổ chưc tự nguyện của các tập thể, cá nhân làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, ươm tạo các tài năng khoa học, đoàn kết trí thức trẻ Việt Nam....

Vì là tổ chức hội nên Hội không đề ra được chính sách. Hội đã thực sự tạo được sự đổi mới thiết thực, có các kiến nghị góp phần làm cho chính sách của chúng ta ngày càng hiệu quả hơn.

Các bạn có thể đóng góp bằng các đề tài, đề án, các chương trình liên kết để các bạn có thể cùng góp sức vào sự tiến bộ trong khoa học công nghệ.

** Phạm Tuấn Anh, Đại học Quốc gia Singapore: Được biết TW Đoàn tổ chưc lần đầu tiên Đại hội tài năng trẻ. Sau Đại hội đã có chuyển biến gì trong hoạt động Đoàn và có chính sách gì quan tâm đến du học sinh?

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư TW Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam: Đại hội với chủ đề kết nối tài năng trẻ, nhằm đoàn kết, tập hợp các tài năng về nước, cùng hỗ trợ ý chí quyết tâm phấn đấu vươn lên.

Sau đại hội, chúng tôi làm 1 số việc như sau: xây dựng cơ sở dữ liệu về tài năng trẻ, có kế hoạch phân công chức năng nhiệm vụ cụ thể về công tác tài năng cho các thành đoàn, chuẩn bị triển khai công tác này trong năm nay. Trong giao đoạn vừa qua, chúng ta làm tốt việc phát hiện, tôn vinh tài năng, nhưng theo dõi, hỗ trợ còn yếu. Chúng tôi sẽ tập trung làm tốt khâu này trong thời gian tới.

** Đại diện tổ chức học sinh, sinh viên Việt Nam tại Melbourne Australia: Hiện Đoàn, Hội Thanh niên có rất nhiều giải thưởng có uy tín và vị thế tốt trong xã hội. Liệu trong tương lai có thể có hình thức giải thưởng nào dành riêng cho thanh niên, sinh viên ở ngoài nước không?

PGS.TS. Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư TW Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam: Giải thưởng chính thức cho sinh viên ở nước ngoài là Sao Tháng Giêng. Vừa qua, chúng tôi bàn với báo sinh viên, từ năm học này, sẽ giảm cơ cấu sinh viên đoạt giải xuống còn 100 nhằm nâng cao chất lượng.

Đối với sinh viên học tập ngoài nước chúng tôi có dự kiến sẽ trao 50 giải thưởng Sao Tháng Giêng. Như vậy tỉ lệ đó thể hiện sự quan tâm tới các bạn sinh viên học tập ở nước ngoài đoạt giải thưởng cũng rất cao như ở trong nước. Ngoài ra, cụ thể theo điều kiện phong trào ngoài nước, chúng tôi cũng tính sẽ có các giải thưởng cho các đoàn, hội sinh viên xuất sắc.

** Một sinh viên không ghi tên: Em là đối tượng cảm tình Đảng và hiện đang đi học tại nước ngoài. Làm thế nào để quá trình phấn đấu vào Đảng của em không bị gián đoạn?

Ông Trương Mạnh Sơn, Bí thư Đảng ủy Ngoài nước: Trước khi đi học ở nước ngoài, bạn cần xin lại giấy chứng nhận quá trình phấn đấu vào Đảng của mình và sau đó nộp giấy chứng nhận cảm tình Đảng cho Chi hội tại nơi bạn đến đi học ở nước ngoài. Cơ quan này sẽ tiếp nhận giấy chứng nhận giấy sự phấn đấu của bạn.

** Đại diện Hội Sinh viên Việt Nam tại Ba Lan: Chúng tôi không có nhiều điều kiện bổ sung kiến thức về các hoạt động Đoàn. Đề xuất TW Đoàn, TW Hội Sinh viên và Hội LH Thanh niên Việt Nam có biện pháp để bồi dưỡng nâng cao kiến thức cán bộ đoàn.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư TW Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam: Đây là vấn đề chúng tôi rất quan tâm. Để các bạn sinh viên, thanh niên được đào tạo kỹ năng làm công tác đoàn chúng tôi đã đặt ra hai phương án: tập huấn ở ngoài nước và tập huấn ở trong nước. Tuy nhiên, việc tổ chức tập huấn ở trong nước trước khi các bạn ra nước ngoài thì dễ dàng hơn.

Để làm được công việc này, một mình TW Đoàn không thể làm được, phải có sự phối hợp của các bộ, ngành. Về phía Đoàn, chúng tôi sẽ cung cấp các kiến thức cơ bản thông qua việc biên soạn cuốn sổ tay cán bộ đoàn, hội trong năm nay về những vấn đề cơ bản nhất của công tác đoàn, đưa lên mạng, đồng thời chuyển ra nước ngoài cho các hội đoàn, sinh viên. Bên cạnh đó, các bạn có thể truy cập vào website của TW Đoàn, trong đó có nhiều thông tin về công tác đoàn.

Nếu còn khúc mắc, các bạn có thể liên hệ trực tiếp với TW Đoàn, chúng tôi cũng sẽ xây dựng hộp thư hỏi đáp để giải đáp các thắc mắc, nguyện vọng của các bạn.

Việc hình thành kỹ năng cho các bạn hoạt động sinh viên ở nước ngoài là nhu cầu thực tế. Do đó TW Đoàn phải dành nhiều quan tâm: TW Đoàn, Sinh viên, Thanh niên nên có các hướng dẫn hoạt động hàng năm, hàng quý, hay 6 tháng. Thời gian qua, công việc này chưa được làm thường xuyên.

Đây là câu hỏi hay, thể hiện sự quan tâm của những người làm công tác đoàn. Nhu cầu đặt ra là khi có những tổ chức thì phải có người có tâm huyết, và có kinh nghiệm thực sự hoạt động. Vấn đề này cũng đặt ra cho cả ban Cán sự Đảng ngoài nước, các cơ quan đại diện cần có sự quan tâm giúp đỡ thiết thực hơn nữa để từ đó đào tạo những người làm công tác đoàn.

** Bạn Vũ Ngọc Phan: Trong tình hình hiện nay, khi du học ở nước ngoài thông tin trái chiều rất nhiều trong khi thông tin chính thống từ quê nhà ít, lưu học sinh có thể có những suy nghĩ khác, cách nhìn khác. Trung ương Đoàn và Trung ương Hội  đã, đang và sẽ làm gì để định hướng tư tưởng cho sinh viên du học nước ngoài vì đây là những người được tiếp xúc với các nền văn hóa khác, chế độ chính trị khác nhau và nhiều nguồn thông tin khác nhau?

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư TW Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam: Hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều cơ quan báo chí, đặc biệt là báo điện tử, cập nhật thông tin một cách kịp thời. Tôi mong rằng các bạn hãy đọc các trang báo điện tử trong nước để có những thông tin về đất nước.

Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là các bạn phải có bản lĩnh để sàng lọc thông tin. Chúng tôi bằng các biện pháp khác nhau sẽ luôn tìm cách hỗ trợ, kết nối cùng với các bạn, để các bạn có những thông tin chính thống nhất về quê hương đất nước.

** Bạn Phạm Ánh Dương (từ Ba Lan): Do xa quê hương, nhiều thanh niên, sinh viên tại Ba Lan hay ở các nước khác có những suy nghĩ khác nhau. Đoàn Thanh niên có những hoạt động gì để kết nối các thanh niên, sinh viên đang học tập ở nước ngoài?

Ông Phùng Khánh Tài, UVTV TƯ Đoàn, trưởng Ban Quốc tế TƯ Đoàn, Phó Chủ tịch Hội LHTNVN: Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đang có nhiều giải pháp nhằm kết nối các bạn sinh viên với nhau. Để biết thêm thông tin chi tiết về hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, bạn có thể vào trang web: http://www.doanthanhnien.vn và vào mục Tư liệu để biết thêm chi tiết.

Sinh viên Việt Nam tại Ba Lan cần liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan, Hội Sinh viên Việt Nam tại Ba Lan  để cùng nhau giao lưu, phát triển các hoạt động đoàn, hội…

Các bạn sinh viên ở Ba Lan nói riêng và nước ngoài nói chung cũng cần chủ động trong việc kết nối, họp mặt, tổ chức hoạt động. Nếu có đề xuất gì thì các bạn cũng cần liên hệ với những cơ quan trên để được tư vấn, trợ giúp.

** Rất nhiều câu hỏi các bạn ở Nhật Bản, Anh, Trung Quốc liên quan đến giáo dục, học phí, chủ trương hỗ trợ người Việt Nam thành đạt ở nước ngoài…

Ông Trần Đức Mậu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao: Nguyện vọng mỗi người đi du học muốn ở lại tiếp tục sự nghiệp ở nước ngoài hay về phục vụ trong nước đều rất chính đáng. Tuy nhiên, về phương diện nhà nước, những người đó cũng là hình ảnh của VIệt Nam, là cầu nối của Việt Nam ra nước ngoài, đất nước nào cũng mong muốn những người thành đạt về phục vụ cho cộng đồng, quê huơng. Cho nên tôi cho rằng bạn không phải băn khoăn ưu tiên cho cái gì. Bạn thành đạt ở nước ngoài thì bạn cũng có cơ hội phục vụ ở đấ nước.

Cũng cần nói thêm, việc tranh thủ trí thức những người đã đi du học ở nước ngoài về phục vụ đất nước là một chủ trương, chính sách rất lớn của nước ta. Tuy nhiên cũngphải thấy rằng những biện pháp đó cũng cần phải được cập nhật hóa, điều chỉnh bổ sung theo điều kiện thay đổi của đất nước và trên thế giới. Các cơ quan liên quan ở trong nước hiện vẫn đang hoàn thiện cơ chế chính sách, biện pháp để thu hút người Việt Nam thành đạt ở nước ngoài về phục vụ trong nước.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư TW Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam: Một người Việt trẻ dù làm việc ở đâu hãy luôn luôn giữ lòng yêu nước hướng về quê hương, làm tốt công việc của mình.

Đất nước, gia đình, xã hội đã đầu tư rất nhiều để các bạn trẻ ra nước ngoài học tập, tiếp cận môi trường học tập tốt nhất, vì vậy có mong muốn các bạn thanh niên trẻ, thành đạt, giỏi về phục vụ cho đất nước.

Thời gian dành cho chương trình có hạn, tuy nhiên trong 3 tiếng ngắn ngủi cuộc giao lưu đã góp phần giải đáp thắc mắc, trăn trở của nhiều bạn trẻ. Nhiều câu hỏi chưa được trả lời, nhưng BTC sẽ gửi những câu hỏi này tới tới các bộ ngành và trả lời với các bạn trong thời gian sớm nhất.

Kết thúc cuộc giao lưu, thay mặt T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN VN, Hội Sinh viên VN, anh Nguyễn Đắc Vinh thay mặt ban tổ chức đưa ra thông điệp:

1. Thanh niên VN ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của thanh niên VN. Đó là bộ phận máu thịt, có liên hệ chặt chẽ với thanh niên trong nước. Nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo Đoàn thanh niên, T.Ư Đoàn, Hội LHTN VN sẽ tiếp tục suy nghĩ về những câu hỏi, gợi ý của các bạn SV VN tại nước ngoài. Cuộc giao lưu sẽ vẫn tiếp tục lấy những thắc mắc của các bạn trẻ VN tại ngoài nước trở thành động lực phấn đấu hoàn thiện hơn nữa phong trào Đoàn, Hội.

2. Muốn chung tay, góp sức hướng về Tổ quốc thì mỗi bạn trẻ hãy phát huy tốt nhất những tố chất, phẩm chất của mình để tạo ra hình ảnh con người VN thông minh, giỏi giang, bản lĩnh trong mắt các bạn trẻ. Từ kết quả thông qua học tập, lao động, sản xuất, ngày nào đó các bạn sẽ trở về để xây dựng quê hương./.

VOVNEWS
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất