Sáng 11/6, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Bên lề kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đã trao đổi một số vấn đề xung quanh việc thực hiện Nghị quyết 35 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Các đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Theo đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam), lĩnh vực công tác có tác động đến kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Việc đưa ra ba mức tín nhiệm lần này, là một sáng tạo thay vì thông thường chỉ có hai nội dung đồng ý hoặc không đồng ý, tín nhiệm hoặc không tín nhiệm. Đối với một số chức danh đạt tín nhiệm không cao, đại biểu mong muốn qua lần lấy phiếu tín nhiệm này, cần kịp thời nghiên cứu, điều chỉnh trong quá trình chỉ đạo, điều hành để nâng cao hơn nữa hiệu lực quản lý Nhà nước. Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp bộ máy Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng tốt hơn nữa nguyện vọng của đại biểu và đông đảo nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) nhận xét, kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này rất tốt, phản ánh đúng thực chất, khách quan, công tâm của Quốc hội đối với những người được lấy phiếu, kết quả lấy phiếu với mức độ tín nhiệm khác nhau cũng đã đánh giá hiệu quả công tác ở từng lĩnh vực. Vấn đề đại biểu quan tâm nhất đối với lần lấy phiếu tín nhiệm này là Quốc hội đã làm tròn trách nhiệm của mình. Con người ai cũng có ưu, có khuyết, đại biểu Nguyễn Văn Rinh mong muốn, qua lấy phiếu tín nhiệm lần này, mỗi người sẽ rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, nâng cao năng lực công tác, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Liên quan đến báo cáo cá nhân của các đại biểu được lấy ph iếu tín nhiệm lần này, theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), do chưa thống nhất về bố cục, cách thức trình bày…nên có báo cáo cá nhân viết theo chức năng nhiệm vụ, có báo cáo viết theo quá trình công tác… Cũng theo đại biểu Trần Ngọc Vinh, các bản báo cáo này cần có nhận xét của người đứng đầu khối ngành; nhận xét của các tổ chức chính trị, xã hội, chính quyền địa phương nơi cư trú mới phản ánh đúng vấn đề…
Theo đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai), kết quả lấy phiếu đã phản ánh trung thực và đúng với công việc của mỗi người đang đảm nhận, tuy nhiên không tránh khỏi cảm tính. Kết quả này sẽ tạo ra một tiền đề tốt cho những cuộc lấy phiếu lần sau.
Đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) cho rằng, là lần đầu tiên triển khai, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đã thành công. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh trách nhiệm cao của đại biểu Quốc hội và sự mong đợi của cử tri đối với Quốc hội.
Theo các đại biểu Dương Trung Quốc, Hà Minh Huệ, mục tiêu của việc lấy phiếu tín nhiệm là nhằm giúp những người giữ chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình đối với công việc đang đảm nhận. Việc lấy phiếu tín nhiệm là để mỗi người rút kinh nghiệm, khắc phục những mặt hạn chế trong chỉ đạo, điều hành công việc hiện nay và có kế hoạch, chương trình hành động trong thời gian tới./.
Khiếu Thị Tư - Hồng Cường (TTXVN)