Cộng đồng quốc tế đã đồng loạt kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc
lập về vụ tấn công địa điểm tạm trú của người di cư ở Libya một ngày
trước đó, khiến ít nhất 44 người thiệt mạng và hơn 130 người bị thương
nặng.
Lên án vụ tấn công là một tội ác chiến tranh, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập vụ không kích nhằm vào trại tạm giữ ở Tajoura, ngoại ô Tripoli của Libya. Ông nhấn mạnh tất cả các bên ở Libya có nghĩa vụ tuân theo luật nhân đạo quốc tế, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa trong mọi trường hợp để giảm thiểu nguy cơ gây thương vong cho dân thường.
Đồng thời, người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh đến sự cấp bách phải cung cấp cho tất cả những người di cư và tỵ nạn nơi trú ẩn an toàn cho đến khi yêu cầu tỵ nạn của họ được giải quyết hoặc họ có thể được hồi hương an toàn.
Trong khi đó, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR) cũng hối thúc mở một cuộc điều tra độc lập để đưa những kẻ thực hiện vụ tấn công ra xét xử.
Người đứng đầu Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL), đồng thời là Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại Libya, ông Ghassan Salamé lên án vụ không kích là một hành động hèn nhát, có thể cấu thành tội ác chiến tranh, vì đã giết hại nhiều dân thường vô tội. Ông hối thúc cộng đồng quốc tế lên án tội ác này và thực thi công lý cho các nạn nhân, chủ yếu là những người di cư châu Phi.
Cùng chung quan điểm trên, Liên minh châu Âu (EU) đã lên án vụ tấn công và đề nghị mở cuộc điều tra độc lập về vụ không kích này. Đại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini nhấn mạnh những kẻ chủ mưu vụ tấn công phải bị xét xử.
Trong khi đó, nhiều nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar cũng đã kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về vụ tấn công đẫm máu này.
Liên quan đến vụ tấn công, Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc công nhận, đã lên án vụ tấn công là tội ác, đồng thời cáo buộc lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tự xưng do Tướng Khalifa Haftar dẫn đầu, thực hiện vụ tấn công này.
Tuy nhiên, trong tuyên bố mới nhất ngày 3/7, người phát ngôn của LNA Ahmad Al-Mesmari đã phủ nhận mọi cáo buộc, đồng thời cho rằng chính GNA gây ra vụ tấn công này.
Trong khi dư luận quốc tế phẫn nộ trước vụ tấn công nói trên, tối 3/7, LNA triển khai lực lượng tấn công sân bay Mitiga - sân bay duy nhất hoạt động ở thủ đô Tripoli, phá hủy trung tâm kiểm soát không lưu tại đây, khiến nhiều chuyến bay bị gián đoạn. Không có thương vong trong vụ tấn công này.
Libya là điểm trung chuyển chính của dòng người di cư từ châu Phi và các quốc gia Arab tìm đường tới châu Âu qua ngả Địa Trung Hải. Lực lượng Bảo vệ bờ biển Libya đã ngăn chặn nhiều người di cư và đưa họ về các trại tạm giữ. Hiện có hàng nghìn người bị tạm giam trong các trại này.
Vùng ngoại ô Tajoura, phía Đông thủ đô Tripoli, là địa điểm có nhiều doanh trại quân đội trung thành với GNA được cộng đồng quốc tế công nhận. Từ đầu tháng 4 vừa qua, LNA đã phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Tripoli, nơi đặt trụ sở chính quyền GNA.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giao tranh giữa các bên đến nay đã khiến gần 740 người thiệt mạng và hơn 4.400 người bị thương. Dư luận lo ngại về nguy cơ một cuộc nội chiến mới cũng như một thảm họa nhân đạo sẽ xảy ra ở quốc gia Bắc Phi này./.
(TTXVN)