Thứ Năm, 3/10/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 25/4/2017 22:12'(GMT+7)

Kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ người chăn nuôi

Theo Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường, nuôi lợn chiếm tỷ trọng 70% của ngành chăn nuôi, đóng vai trò quan trọng trong ổn định và phát triển chăn nuôi nói chung. Tuy nhiên, thời gian qua, giá lợn hơi giảm mạnh, thấp nhất từ trước đến nay khiến người nuôi lợn lao đao, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản. Theo lý giải của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc giá lợn sụt giảm “thê thảm” trong thời gian qua là nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do sức sản xuất tăng quá mạnh, nguồn cung vượt quá cầu. Nguồn cung thịt lợn tăng gấp ba lần so với 20 năm trở lại đây, tương đương là 1,8 triệu tấn so với 5,4 triệu tấn. Sự tăng trưởng này đã tạo ra thay đổi lớn trong cơ cấu bữa ăn của người Việt. Nếu như trước đây, người dân mong ước trên mâm cơm có thịt lợn thì nay cơ cấu bữa ăn cải thiện với yêu cầu cần có thêm thịt bò, trứng, sữa, thịt gà… và như vậy đương nhiên thịt lợn cung vượt quá cầu.

Ngoài lý do cung vượt quá cầu, theo Bộ NN - PTNT, một nguyên nhân quan trọng khác chính là việc tổ chức ngành hàng chưa tốt. Có thể thấy, trong thực tế 55% tổng đàn lợn trên cả nước vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, không thực sự tham gia vào chuỗi sản xuất, dẫn đến khi xảy ra rủi ro, ngành chăn nuôi phải gánh chịu những tổn hại nặng nề hơn. Cùng với đó, chế biến luôn là khâu yếu nhất trong ngành chăn nuôi nói chung và nuôi lợn nói riêng. Gần đây, chỉ có một số ít doanh nghiệp chế biến sâu về thịt lợn, trong khi lâu nay ngành này chủ yếu phụ thuộc vào các doanh nghiệp giết mổ, tiêu thụ tươi. Việc tiêu thụ tươi phụ thuộc vào sức mua của người dân trong khi thị trường trong nước thiếu niềm tin và thị trường xuất khẩu thịt lợn lại chưa được mở rộng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, để giải cứu ngành chăn nuôi cần nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài. Trong đó có việc tổ chức lại chăn nuôi theo chuỗi liên kết để giảm giá thành. Phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã nhằm kiểm soát tốt hơn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi. Và, để cân đối cung - cầu, các doanh nghiệp phải khép kín cả khâu sản xuất và chế biến, phân phối. Việc giảm đàn lợn nái từ 4,2 triệu con xuống 3 triệu con nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, duy trì những nhóm giống tối ưu, đặc sản để có quy mô phù hợp được coi là giải pháp căn cơ. Một số bộ phận ở nơi có điều kiện phát triển chăn nuôi các loại gia súc khác thì khuyến khích chuyển đổi phát triển bởi dư địa về chăn nuôi gia súc lớn vẫn còn lớn.

Về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội Võ Việt Dũng cho rằng, ngay lúc này việc hỗ trợ tốt nhất cho các đơn vị, hộ chăn nuôi lợn là cho các doanh nghiệp thu mua về để giết mổ. Hiện tại công ty đang thu mua thịt lợn hơi cao hơn thị trường hai bước giá: 23.000 đồng/kg. “Nước ta là nước có dân số đông do đó thị trường tiêu thụ trong nước cũng rất triển vọng. Tuy nhiên, lâu nay người dân hạn chế ăn thịt lợn là vì sợ thịt bẩn, thịt không an toàn chứ không phải là không có nhu cầu ăn thịt. Vì vậy, các cơ quan truyền thông cần tuyên truyền rõ thế nào là thịt sạch, thịt an toàn để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước. Đồng thời cũng tuyên truyền rõ việc cấp đông, giữ lạnh bảo quản thịt là để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu mỗi người dân tiêu thụ một lạng thịt thì số lượng thịt tiêu thụ trong ngày là cực lớn”, ông Dũng lý giải.

Các doanh nghiệp dự hội nghị cho biết, ngay khi nắm bắt thông tin giá thịt lợn sụt giảm mạnh, nhiều đơn vị đã tiên phong điều chỉnh giá con giống, giảm giá thành thức ăn chăn nuôi đầu vào để chia sẻ với người sản xuất từ 5 - 7%. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cảnh báo việc giá lợn hơi giảm sẽ khiến người chăn nuôi lơ là, giảm vaccine, thuốc thú y, kỹ thuật chăm sóc... Việc làm này có thể gây những bất ổn trong phòng dịch về lâu dài có thể gây thiệt hại lớn. “Cùng với những giải pháp trước mắt, về lâu dài, Bộ NN - PTNT cần xây dựng được hệ thống thông tin cảnh báo người chăn nuôi, doanh nghiệp về nhu cầu thị trường. Hiện nay, chúng ta đã có truyền thông nhưng chưa thực sự quyết liệt, khiến người dân hiểu về nhu cầu thị trường rất mù mờ. Cùng với đó, cần siết chặt các vấn đề về điều kiện chăn nuôi, bởi với 55% số nông hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ việc kiểm soát tăng đàn là rất khó”, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam nhấn mạnh.

Cao Sơn (Báo ĐBND)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất