Sáng 15/12, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị toàn quốc
tổng kết 4 năm thi hành Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo nhằm khắc phục
những bất cập, vướng mắc trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo
hiện nay của các cơ quan Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh
tra Chính phủ cho biết việc tổng kết là để chuẩn bị cho công tác sửa
đổi, bổ sung Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo cho phù hợp với tình hình
hiện nay. Đây cũng đang là những vấn đề phải tổng kết, rút kinh nghiệm
và đưa ra các giải pháp căn cơ hơn.
"Luật Khiếu nại quy định Chủ tịch UBND
tỉnh, thành phố phải trực tiếp tổ chức đối thoại trong giải quyết khiếu
nại lần 2 thì đồng chí ấy lấy đâu ra thời gian để tổ chức đối thoại hàng
trăm vụ việc mỗi năm. Đây là bất cập cần sớm xem xét, sửa đổi", ông
Thanh nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ, Phó
Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã chủ trì nhiều cuộc họp, hội nghị để
giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, gay gắt
trong cả nước.
Lãnh đạo Chính phủ cũng tăng
cường đi cơ sở, tổ chức nhiều cuộc họp với Thanh tra Chính phủ, các bộ
ngành, địa phương có liên quan để xem xét, kết luận và chỉ đạo giải
quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc đông người,
phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
|
Theo ông Nguyễn Văn Kim, quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính
phủ), Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo có hiệu lực thi hành từ 1/7/2012,
qua hơn 4 năm thi hành đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi để công dân
thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo (KNTC), đề cao trách nhiệm của các cơ
quan Nhà nước trong việc giải quyết KNTC của công dân.
Mặc dù có những chuyển biến tích cực,
song tình hình KNTC vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, như: Khiếu nại liên quan
đến vấn đề chính trị, tôn giáo, yếu tố nước ngoài, nhiều người tham
gia, một số nơi xuất hiện điểm nóng... Tình trạng này do nhiều nguyên
nhân cả chủ quan và khách quan, trong đó có những hạn chế, bất cập của
Luật.
Ví dụ, quy định về thẩm quyền giải quyết
tố cáo trong trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác, đã về hưu
nhưng bị tố cáo lúc đương nhiệm, hoặc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật
của cán bộ, công chức, viên chức tại thời điểm họ giữ chức vụ thấp nhưng
hiện tại giữ chức vụ cao hơn; trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có
người bị tố cáo nay đã giải thể hoặc sáp nhập đơn vị mới; tố cáo hành vi
vi phạm của cơ quan, tổ chức trong việc thực thi công vụ; Luật chưa quy
định thẩm quyền giải quyết tố cáo của thủ trưởng cơ quan thuộc Chính
phủ; thẩm quyền giải quyết tố cáo trong việc thực hiện nhiệm vụ của
người có chức danh, chức vụ trong doanh nghiệp Nhà nước.
Chánh Thanh tra TP. Hà Nội Nguyễn Văn
Tuấn Dũng cho rằng, đối thoại là phương thức thể hiện tính công khai,
dân chủ trong giải quyết KNTC. Thông qua đối thoại có thể giúp giảm tình
hình KNTC kéo dài, vượt cấp hoặc hình thành các “điểm nóng”.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc thực hiện
các quy định về tổ chức đối thoại, chủ yếu là đối thoại trong giải
quyết KNTC lần 2 theo quy định tại Điều 39 của Luật Khiếu nại đã bộc lộ
những bất cập, vướng mắc. Thực tế cho thấy, người giải quyết khiếu nại
lần 2 là Chủ tịch UBND cấp huyện và chủ yếu là Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
|
Ảnh: VGP/Lê Sơn
|
Ở Hà Nội, đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết lần 2 của Chủ tịch
UBND Thành phố là khoảng 400-500 vụ việc/năm. Vậy, nếu thực hiện đối
thoại theo Điều 39 của Luật Khiếu nại là rất khó
khăn và không khả thi, vì Chủ tịch Thành phố lấy đâu ra thời gian để đối
thoại lần 2 với dân khi còn nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách về kinh
tế-xã hội, an ninh-quốc phòng… trên địa bàn đang cần giải quyết.
Từ đó, Thanh tra Thành phố Hà Nội đề
xuất sửa đổi việc đối thoại giải quyết khiếu nại lần 2 theo hướng đối
với những vụ việc phức tạp, kéo dài, đông người, liên quan đến nhiều
cấp, nhiều ngành thì người giải quyết khiếu nại lần 2 phải tiến hành đối
thoại. Còn đối với những vụ việc khác, người giải quyết khiếu nại lần 2
được ủy quyền cho cấp phó hoặc người đứng đầu cơ quan chuyên môn được
giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại để tổ chức đối thoại.
Cũng đề cập đến vấn đề thẩm quyền trong
giải quyết KNTC, Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an Phạm Lê Xuất cho biết
cần sửa đổi các bất cập càng sớm càng tốt. Chẳng hạn, Luật quy định Bộ
trưởng Bộ Công an phải đến tận địa phương để giải quyết vụ việc liên
quan đến quyết định buộc đi trường giáo dưỡng của một công dân thì không
khả thi.
Hay việc bảo vệ người tố cáo cũng chưa
quy định rõ ràng. Người tố cáo đến tố cáo với cơ quan có thẩm quyền như
thế nào để được bảo vệ? Một vụ việc khiếu nại tố cáo về môi trường liên
quan đến Bộ TN&MT, Bộ Công an và UBND tỉnh thì thẩm quyền giải quyết
thuộc cơ quan nào?
Ông Hoàng Văn Liên, Phó Chủ tịch UBND
tỉnh Long An đề xuất phải có chế tài cứng rắn xử lý những trường hợp lợi
dụng KNTC để gây rối trật tự công cộng, xúc phạm người thi hành công
vụ, lôi kéo người dân.
Bên cạnh đó, ngoài quy định xử lý trách
nhiệm cán bộ nếu cố tình làm sai, phải quy định cán bộ làm không đủ
trách nhiệm, rồi tham mưu sai lầm để lãnh đạo ra quyết định gây hậu quả
xấu cũng phải bị xử lý. Có như vậy, nhân dân mới “chịu”.
Kết quả giải quyết KNTC trong giai đoạn 2012-2016
Các cơ quan hành chính Nhà
nước đã giải quyết 199.567 vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền trong tổng số
237.168 vụ việc (đạt 84%). Qua giải quyết KNTC đã thu hồi về cho Nhà
nước gần 860 tỷ đồng, 316 ha đất; khôi phục quyền lợi cho 13.617 công
dân với số tiền 512 tỷ đồng và 418 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính
2.519 người, chuyển cơ quan điều tra 205 vụ với 188 người.
Về khiếu nại: Có 16,4% số vụ khiếu nại đúng, 13,1% khiếu nại có đúng có sai, 70,5% khiếu nại sai.
Về tố cáo: Có 12,4% tố cáo đúng, 28,3% tố cáo có đúng, có sai và 59,3% tố cáo sai./.
Theo chinhphu.vn