Thứ Hai, 25/11/2024
Đời sống
Thứ Tư, 31/8/2016 17:21'(GMT+7)

Khắc phục những bất cập, vướng mắc trong thực hiện Bộ luật Lao động năm 2012

Tham gia hội thảo có đại diện các bộ, ban, ngành, các tỉnh, thành phía Nam, doanh nghiệp và người lao động cùng đại diện một số tổ chức quốc tế.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe giới thiệu các báo cáo sơ bộ của nhóm chuyên gia độc lập và lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và đại diện người lao động phía Nam để thảo luận và xác định những tồn tại, khó khăn và thách thức khi triển khai Bộ luật Lao động năm 2012 trong thực tế. Tổng hợp các ý kiến thu nhận tại hội thảo sẽ là cơ sở để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thiện Báo cáo tổng kết 3 năm thi hành Bộ luật Lao động, là một trong những tài liệu trong hồ sơ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động trình trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 3 và thông qua tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIV.

Với tư cách là thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và là bên ký kết các thỏa thuận thương mại tự do khu vực và toàn cầu, bao gồm Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Việt Nam cam kết thông qua và duy trì các tiêu chuẩn quốc tế về lao động cả trong hệ thống pháp luật và trong thực tế triển khai, cụ thể là các tiêu chuẩn trong Tuyên bố của Tổ chức Lao động quốc tế năm 1998 về quyền lao động cơ bản.

Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ cũng đã ký kết thỏa thuận song phương về tăng cường thương mại và quan hệ lao động, nhằm hỗ trợ cho việc triển khai các cam kết trong Chương 19 của Hiệp định TPP. Theo đó, việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết để đảm bảo sự thống nhất với các nghĩa vụ quy định trong Tuyên bố của Tổ chức Lao động Quốc tế 1998 và phù hợp với các cam kết về lao động trong Hiệp định TPP.

Theo Vụ Pháp chế Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ 1/2013 đến 6/2016 đã có khoảng 66 văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động (Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ trưởng). Các cơ quan quản lý nhà nước, các tổng công ty, doanh nghiệp và các tổ chức công đoàn đã tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến người lao động, người lao động quản lý trong doanh nghiệp, người lao động làm công tác công đoàn chuyên trách; tổ chức các cuộc tập huấn, đối thoại và giải đáp chính sách, diễn đàn lắng nghe kiến nghị của doanh nghiệp. Dù đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung nhưng một số quy định của Bộ luật Lao động vẫn còn chung chung, cần nhiều văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành để phù hợp với thực tiễn sinh động. Một số văn bản được hướng dẫn chậm nên thiếu đồng bộ, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Một số Luật mới ban hành gần đây làm ảnh hưởng tới kết cấu và nội dung của Bộ luật Lao động.

Nghị quyết 22/2016/QH14 của Quốc hội khóa XIV quyết định soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động với các nội dung chủ yếu là khắc phục những bất cập từ thực tiễn áp dụng của Bộ luật Lao động: các vướng mắc xuất phát từ các quy định của Luật về hợp đồng lao động, tiền lương, xử lý kỷ luật lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi...; tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế; tự do hiệp hội, bảo vệ và thúc đẩy quyền thương lượng tập thể, xóa bỏ lao động cưỡng bức; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp về lao động; các quy định pháp luật nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiền lương tối thiểu vùng phù hợp với năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thời giờ làm thêm…/.


Văn Sơn/TTXVN



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất