Thứ Hai, 25/11/2024
Đời sống
Thứ Tư, 31/8/2016 14:9'(GMT+7)

Nâng cao năng lực hạ tầng giao thông, khắc phục ngập úng tại thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy kinh tế của cả nước. Trong thời gian qua, Thành phố đã đạt được những thành tựu quan trọng, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của cả nước.

Thành phố đã thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược, trong đó đã tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, lấy hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị làm trọng tâm, nhờ đó bộ mặt Thành phố ngày càng khang trang, tạo tiền đề trở thành Trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại và khoa học công nghệ của khu vực và Châu Á.

Tuy nhiên, cùng với xu hướng đô thị hóa và dịch chuyển dân cư tự nhiên, Thành phố phải đối mặt với nhiều thách thức, áp lực lớn về hạ tầng giao thông, nhà ở và hạ tầng xã hội. Mặc dù Thành phố đã nỗ lực giải quyết, nhưng do việc phát triển giao thông công cộng chậm, trong khi đó phương tiện giao thông cá nhân ngày càng tăng, cùng với thách thức về biến đổi khí hậu gây ngập úng nghiêm trọng tại một số khu vực đã làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Để khắc phục những hạn chế trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu trong thời gian tới, Thành phố cần tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp theo Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng bộ Thành phố và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 215/TB-VPCP ngày 3/8/2016 của Văn phòng Chính phủ.

Thành phố cần tiếp tục rà soát điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch xây dựng, quy hoạch không gian, gắn công tác quy hoạch với tái cấu trúc ngành nghề, bảo đảm kết nối đồng bộ các loại hình giao thông và liên kết vùng; tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các công trình thoát nước, phát triển nhà ở xã hội, trong đó đẩy nhanh tiến độ cải tạo các chung cư cũ.

Đồng thời, nâng cao năng lực hạ tầng giao thông (các tuyến đường hướng tâm, đường vành đai, các tuyến đường bộ trên cao và tàu điện ngầm...) bằng nguồn lực của Thành phố và thu hút nguồn lực xã hội qua hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP); chú trọng các giải pháp tổ chức giao thông, phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là các phương thức vận tải khối lượng lớn, hướng tới giảm phương tiện giao thông cá nhân; có kế hoạch hình thành, mở rộng các khu phố đi bộ; tăng cường chỉnh trang đô thị và kiểm soát hoạt động đầu tư xây dựng, chống thất thoát, lãng phí và kiểm soát ô nhiễm môi trường. /.

Theo TTXVN



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất