Thứ Sáu, 22/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 4/11/2024 12:21'(GMT+7)

Khắc phục tình trạng lãng phí trong bộ máy công quyền

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Cho ý kiến tại phiên họp, nhiều đại biểu bày tỏ nhất trí với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kinh tế - xã hội năm 2024 và dự kiến năm 2025 với nhiều thành tựu nổi bật. Công tác chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã bám sát thực tiễn, điều hành quyết liệt, linh hoạt, có định hướng giải quyết rõ ràng, chỉ rõ trách nhiệm từng cơ quan, tổ chức, cá nhân, giúp cho công tác này đạt hiệu quả. Phát triển kết cấu hạ tầng có đột phá rõ rệt...

Về những hạn chế, các đại biểu cơ bản đồng tình với những nội dung đã nêu trong Báo cáo của Chính phủ, đồng thời đưa ra một số ý kiến, kiến nghị về công tác tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có chống lãng phí trong bộ máy công quyền.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) khẳng định, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí đã đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp rất trúng. Đây là một thông điệp mạnh mẽ, sâu sắc, khuyến khích mọi người dân, đặc biệt là cán bộ trong bộ máy công quyền cần xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong xã hội. Bài viết đánh giá, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Mai Thị Phương Hoa phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa, tình trạng trên có những nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất, còn một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý. Lâu nay họ chỉ coi lãng phí là hành vi cần khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Thứ hai, có một số cán bộ còn quan niệm lãng phí chỉ là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước không hiệu quả nhưng trên thực tế có cả lãng phí về cơ hội và thời gian...

Thứ ba, bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ, tư duy chủ quan của một số cán bộ muốn thực hiện những dự án ở địa phương, bộ, ngành mình và trong nhiệm kỳ mình làm lãnh đạo để chứng tỏ năng lực, sự năng động, nhưng do cách làm nóng vội, sự tính toán chủ quan, không tuân thủ đầy đủ các quy trình thủ tục nên một số dự án đã đem lại hiệu quả không mong muốn.

Thứ tư, chế tài xử lý lãng phí đã ban hành nhưng tính răn đe chưa cao.

Quan tâm đến việc quản lý, khai thác và sử dụng tiết kiệm khoáng sản, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) khẳng định, khoáng sản là tài nguyên quý giá của đất nước, hầu hết không được tái tạo, phát triển mà ngày càng cạn kiệt, do đó đòi hỏi phải được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, đóng góp vào ngân sách tương xứng với giá trị, góp phần vào sự phát triển quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, thực tế diễn ra nhiều nơi cho thấy còn nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu thấu đáo "vì khoáng sản là 'miếng mồi ngon', những người biết chắc sẽ khai thác triệt để, bất chấp hệ quả, miễn là có lợi cho họ".

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Đại biểu nêu thực tế, hiện nay nhiều khoáng sản quý giá nằm lẫn lộn trong đất đá nên các tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở của pháp luật trong quản lý để lách luật, khai thác hàng quý hiếm này chung với vật liệu thông thường để tiêu thụ mà không bị phát hiện. Ngoài ra, việc khai thác khoáng sản quý trái phép diễn ra cục bộ ở một số nơi vẫn qua mắt được cơ quan chức năng. Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, tình trạng này không chỉ khiến tài nguyên quốc gia bị thất thoát, lãng phí mà hệ lụy sẽ còn kéo thêm nhiều người tử nạn do khai thác thủ công lén lút, không an toàn.

Mặt khác, việc kê khai số lượng quặng, khoáng sản phụ thuộc vào tính tự giác của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước nên rất khó kiểm soát, chưa kể đến các mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác theo cơ chế "xin - cho" cũng làm thất thu ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó có những khoáng sản đi kèm như đất, đá xỉ, than, lẫn lộn với những khoáng sản quý vẫn chưa được sử dụng, khai thác, bị thải, bỏ lãng phí, có nơi chất thành đống cao, gây nguy cơ sạt lở, ô nhiễm môi trường, đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người dân, trong khi đất đá để xây lắp cho các công trình không đủ để sử dụng. Thời gian qua, đã có trường hợp xỉ than bị đem bán chui ở nước ngoài gây thất thoát tài nguyên.

Từ những chia sẻ trên, đại biểu kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có giải pháp cần thiết để sử dụng đất đá thải ra từ các mỏ khoáng sản, xỉ than từ các nhà máy nhiệt điện để sử dụng thay thế cho cát sông làm vật liệu thông thường. Đối với vật liệu là cát biển, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để khi sử dụng không ảnh hưởng đến môi trường. Việc nghiên cứu xây dựng cầu cạn trên vùng đất yếu, vùng trũng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần nhanh chóng thực hiện, có thể thực hiện thí điểm để rút kinh nghiệm...

Cũng tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến tập trung vào một số nội dung: Đề nghị có cơ chế đặc cách, đặc thù để hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ; giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề; việc đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia../.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất