Tham dự lễ khai mạc Đại hội có đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước và 999 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 10 triệu hội viên, nông dân trên cả nước.
Đại hội diễn ra trong 3 ngày từ 11-13.12.2018.
Đại hội có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VI, nhiệm kỳ 2013-2018; đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2018-2023; thông qua Điều lệ Hội NDVN (sửa đổi); bầu Ban Chấp hành Hội NDVN khóa VII, nhiệm kỳ 2018-2023.
|
Hội nông dân Việt Nam phát huy hiệu quả vai trò trung tâm và nòng cốt
Phát biểu khai mạc Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam VII, đồng chí Lều Vũ Điều, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội NDVN cho biết: Trên cơ sở tổng kết thực tiễn quá trình hoạt động, tại Đại hội lần này, với tinh thần tự phê bình nghiêm túc, nêu cao trách nhiệm trước toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân cả nước, các đại biểu sẽ thảo luận, đánh giá đúng mức, khách quan, toàn diện những kết quả đạt được cũng như những yếu kém, khuyết điểm và rút ra những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Hội, nhiệm kỳ 2013- 2018.
Đồng thời, cũng thấy rõ những cơ hội, thuận lợi và cả những khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, Đại hội quyết định đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ hoạt động cho nhiệm kỳ 2018- 2023. Đại hội lần này sẽ xem xét, sửa đổi, bổ sung một số Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Đại hội sẽ nghe và cho ý kiến về Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khoá VI) và sáng suốt lựa chọn những đồng chí xứng đáng bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VII, nhiệm kỳ 2018- 2023, thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, bản lĩnh và trí tuệ, đủ khả năng lãnh đạo thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đề ra, đáp ứng được niềm tin, sự mong đợi của cán bộ, hội viên, nông dân cả nước.
Đại hội tiếp tục khẳng định niềm tin, sự trung thành tuyệt đối của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam với Đảng, Nhà nước; đồng thời phản ánh những tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của hội viên, nông dân về các vấn đề khó khăn, bức xúc của đời sống nông dân hiện nay.
Trình bày báo cáo chính trị tại Đại hội, Đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư NDVN khẳng định: 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và tạo điều kiện thuận lợi của Chính phủ, Hội nông dân Việt Nam đã phát huy hiệu quả vai trò trung tâm và nòng cốt, giai cấp nông dân đã thực hiện tích cực vai trò chủ thể, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Hội Nông dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, phát động và đẩy mạnh Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, Phong trào nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tổ chức có hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân, phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp ngày càng đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn...
Bên cạnh kết quả nổi bật đã đạt được, công tác Hội và phong trào nông dân còn có những hạn chế, yếu kém cần quan tâm: Một số nơi công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho nông dân còn hình thức, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, bức xúc của nông dân chưa kịp thời; tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt còn thấp; một số nơi chưa làm tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; tham gia xây dựng và phản biện các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn hạn chế.
Để xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò của Hội và giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại, trong nhiệm kỳ (2018-2023), Hội Nông dân Việt Nam phấn đấu đạt được 14 chỉ tiêu sau đây: Có 100% cán bộ, hội viên được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của Hội Nông dân Việt Nam; Có 100% cán bộ chuyên trách công tác Hội được tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức canh tác nông nghiệp và kỹ năng công tác nông vận; Có 100% chi Hội xây dựng được Quỹ hoạt động của Hội và phấn đấu mỗi cơ sở Hội ở các địa phương chưa thoát nghèo; Hằng năm, có từ 60% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu và có từ 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp....
Để đạt được phương hướng, mục tiêu và các chỉ tiêu đã đề ra, cần thực hiện có hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp sau đây: Xây dựng tổ chức Hội và giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh; Vận động hội viên, nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới văn minh và giảm nghèo bền vững; Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; Tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Tham dự Đại hội gồm 999 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 10 triệu hội viên nông dân trên cả nước. Trong số đó, đại biểu nhiều tuổi nhất là Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Chí Bửu, 65 tuổi; đại biểu trẻ tuổi nhất là Vàng Thị Ngùng,21 tuổi, ở huyện Sìn Hồ, Lai Châu.
Trước đó, ngày 11.12, Đại hội đã tiến hành ngày làm việc thứ nhất với việc bầu đoàn Chủ tịch; đoàn Thư ký; Ban thẩm tra tư cách đại biểu; thông qua chương trình, quy chế làm việc, quy chế bầu cử của Đại hội; trình bày tờ trình việc bổ sung, sửa đổi Điều lệ Hội NDVN; thảo luận các nội dung, văn kiện của Đại hội tại các trung tâm thảo luận.
Buổi chiều 11.12, Đại hội tiếp tục thảo luận tại các trung tâm. Ngay sau đó, các hoạt động bên lề của Đại hội đã được tổ chức, gồm hội thảo về xuất khẩu nông sản; gặp mặt thân mật giữa Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN với đại biểu lãnh đạo tỉnh/thành ủy dự Đại hội.
Buổi tối 11.12 đã diễn ra lễ Tôn vinh Nhà khoa học vì nông dân.
|
Ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về nông dân
Tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Hồng Lý, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trình bày Dự thảo Báo cáo Kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VI (nhiệm kỳ 2013 - 2018).
Theo đó, đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Nông dân Việt Nam quyết định số lượng Ủy viên BCH Trung ương Hội là 125 đồng chí; tại Đại hội đã bầu 122 đồng chí, khuyết 3 đồng chí do chưa có nhân sự đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện. Trong nhiệm kỳ, có 75 đồng chí chuyển công tác và nghỉ hưu. Ban Chấp hành Trung ương Hội đã 5 lần kiện toàn bổ sung 49 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, 2 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, 3 Phó Chủ tịch; 2 lần kiện toàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội. Đến nay, Ban Chấp hành có 99 đồng chí (khuyết 26 đồng chí), Ban Thường vụ có 16 đồng chí (khuyết 5 đồng chí).
Trong nhiệm kỳ qua, BCH Trung ương Hội đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng như Nghị quyết số 19-NQ/HNDTW, ngày 20/7/2014 về “Tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nông dân trong tình hình mới”; Nghị quyết số 34-NQ/HNDTW, ngày 26/7/2017 về thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ và đào tạo nghề giúp nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập và đời sống.; xây dựng phát triển mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn… đồng thời chỉ đạo sát sao việc thực hiện các nghị quyết cũng như các chương trình liên quan đến công tác Hội cũng như các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Ban Chấp hành khóa VI cũng đã ban hành Quy chế làm việc, chương trình hoạt động toàn khóa. Quy chế, chương trình làm việc được xây dựng chặt chẽ, khoa học giúp hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ được duy trì nề nếp, đúng nguyên tắc, hiệu quả. Ban Chấp hành phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng Ủy viên, kịp thời kiện toàn bổ sung Ủy viên khi thiếu khuyết.
Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Ban Chấp hành luôn bám sát Quy chế và Chương trình làm việc toàn khóa; bám sát chủ trương, sự lãnh đạo của Đảng; chủ động phối hợp, tranh thủ sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và các địa phương để tạo cơ chế, chính sách và nguồn lực cho công tác Hội và phong trào nông dân. Đồng thời, tuân thủ chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ của tập thể trong lãnh đạo, xây dựng các chủ trương công tác lớn của Hội. Thực hiện tốt quy chế dân chủ trong hoạt động của Ban Chấp hành, phát huy năng lực, trí tuệ của từng Ủy viên Ban Chấp hành. Các vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Ban Chấp hành quyết định đều được thảo luận dân chủ, công khai, quyết định theo đa số, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiệm kỳ qua Ban Chấp hành chưa quyết liệt, dẫn đến một số chủ trương, nghị quyết được ban hành nhưng khi triển khai ở một số địa phương, đơn vị còn chậm, lúng túng, kết quả thực hiện chưa đáp ứng được yêu cầu, kế hoạch đề ra.
Một số địa phương công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho hội viên, nông dân đạt kết quả chưa cao; việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, bức xúc của nông dân để kiến nghị với cấp ủy, chính quyền tháo gỡ khó khăn cho nông dân chưa kịp thời.
Chưa có giải pháp cụ thể, thiết thực nâng cao chất lượng và duy trì nề nếp sinh hoạt chi, tổ Hội, quản lý, phát triển, nâng cao chất lượng hội viên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Chưa kịp thời chỉ đạo nghiên cứu hoạt động Hội ở những nơi tốc độ đô thị hóa nhanh, vùng ven biển.
Công tác kiểm tra, giám sát trong hệ thống Hội ở một số nơi hiệu quả chưa cao. Giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp còn lúng túng, kết quả còn hạn chế.
Một số cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn bất cập nhưng chưa kịp thời đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung phù hợp, giúp nông dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.Trong công tác chỉ đạo, có việc chưa thực sự sâu sát, tiến độ còn chậm, nhất là công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội các cấp vững mạnh. Trong nhiệm kỳ, việc theo dõi, hướng dẫn, tổ chức thực hiện một số chương trình, kết luận chưa được thường xuyên...
Thu Hằng