Sáng 18/3, tại Hà Nội, Diễn đàn khu vực châu Á về giảm thiểu,
tái sử dụng và tái chế chất thải (3R) lần thứ IV tại Việt Nam đã chính thức khai
mạc.
Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Bộ Môi trường Nhật Bản và
Trung tâm phát triển vùng Liên hợp quốc đồng tổ chức với sự tham dự của hơn 200
đại biểu đên từ 31 quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương. Diễn đàn sẽ diễn ra từ
ngày 18-20/3.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn
Thiện Nhân nhấn mạnh Diễn đàn khu vực châu Á về giảm thiểu, tái sử dụng và tái
chế chất thải (3R: Reduce - Giảm thiểu, Reuse - Tái sử dụng, Recycling - Tái chế
được thành lập theo sáng kiến của Bộ Môi trường Nhật Bản (MOEJ) và Trung tâm
phát triển vùng Liên hợp quốc (UNCRD) vào năm 2004, có ý nghĩa rất quan trọng
trong bảo vệ môi trường.
Phó Thủ tướng mong muốn thông qua Diễn đàn lần
thứ IV khu vực châu Á được tổ chức tại Hà Nội, sẽ góp phần thức đẩy đối thoại
chính sách cấp cao giữa các bên liên quan để giải quyết về nguyên tắc mối liên
kết giữa 3R và những vấn đề khác, như quản lý tổng hợp chất thải rắn, sản
xuất-tiêu dùng bền vững, tuần hoàn vật chất hợp lý.
Đây là cơ hội mới để
Việt Nam chia sẻ cũng như học tập kinh nghiệm của các nước tham gia về quản lý
tổng hợp chất thải, đồng thời tăng cường hợp tác với UNCRD, Bộ Môi trường Nhật
Bản và các nước khác trong lĩnh vực quản lý chất thải 3R nói chung, bảo vệ môi
trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí
hậu...
Diễn đàn có tính chất thường niên, nhưng có tầm quan trọng đặc
biệt trong bối cảnh hiện nay trước sự gia tăng ô nhiễm môi trường và tác động
của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hội nghị thành lập Diễn đàn khu vực châu
Á về 3R được tổ chức lần đầu tiên năm 2009 tại Nhật Bản. Trong đó đã xác định
các định hướng tổng thể và các ưu tiên nhằm thúc đẩy 3R cho các quốc gia thuộc
cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương.
Hội nghị lần thứ II của Diễn đàn được
tổ chức năm 2010 tại Malaysia với chủ đề chung là “3R Vì một nền kinh tế xanh và
xã hội tuần hoàn vật chất hợp lý.” Năm 2011, Hội nghị lần thứ III của Diễn đàn
đã được tổ chức tại Singapore với chủ đề “Chuyển giao công nghệ thúc đẩy 3R -
Thích ứng, thực hiện và mở rộng quy mô công nghệ thích hợp”, với sự tham gia của
các nhà hoạch định chính sách của 23 quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương,
các chuyên gia của Liên hợp quốc và quốc tế về quản lý nước và tài nguyên.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết trong 4
năm qua, đã có 127 bên tham gia ký kết vào thỏa thuận nhằm giảm thiểu chất thải
là các loại túi đựng (như túi ni-lông,...). Các bên đã cùng nhau giảm được tổng
số 7.100 tấn chất thải túi đựng và tiết kiệm được 15 triệu USD.
Tại Việt
Nam, Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm
nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu đến năm 2025,
có 100% các đô thị có công trình tái chế chất thải rắn thực hiện phân loại tại
hộ gia đình; 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị, 100% tổng lượng
chất thải rắn công nghiệp không nguy hại và nguy hại, 90% tổng lượng chất thải
rắn xây dựng đô thị và 90% lượng chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư
nông thôn được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.
Với chủ đề (3Rs
trong bối cảnh của Rio+20-Tương lai chúng ta mong muốn”, Diễn đàn khu vực châu Á
3R lần thứ IV sẽ tập trung vào 3Rs và các biện pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên,
hướng đến đạt được mục tiêu Rio+20-Tương lai của chúng ta mong muốn; nhận diện
những vấn đề mới phát sinh liên quan đến chất thải về mặt chính sách, tổ chức và
công nghệ; xem xét các cơ sở hạ tầng 3R hướng đến xã hội sử dụng tài nguyên hiệu
quả và không chất thải; xem xét các chỉ số hiệu quả của 3R và sử dụng hiệu quả
tài nguyên…
Ngoài việc hướng tới thể hiện một cam kết chắc chắn thúc đẩy
3R hiệu quả ở châu Á, xây dựng trên “Tuyên bố 3R Tokyo” và “Những kiến nghị của
Diễn đàn tại Singapore về 3R nhằm xây dựng xã hội sử dụng hiệu quả tài nguyên ở
châu Á,” các nước tham dự sẽ thông qua “Tuyên bố Hà Nội về 3R-các mục tiêu 3R
bền vững cho châu Á trong giai đoạn 2013-2023” lần thứ IV, hướng đến dịch chuyển
sang một nền kinh tế và xã hội sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên./.
(Văn Hào/TTXVN)