(TCTG) - Tối 13/6, tại bến đò Đập Đá, thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế), Festival nghề truyền thống Huế 2009 với chủ đề "Nghề truyền thống Huế - Bản sắc và phát triển" chính thức khai mạc.
Buổi lễ khai mạc đã diễn ra với màn văn nghệ chào mừng, múa “Cánh diều quê hương” do Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen và Đoàn múa Những ngôi sao nhỏ biểu diễn.
Trước đó, Festival đã chính thức được diễn ra từ ngày 10-6 với các hoạt động: khai mạc triển lãm tranh sơn mài của các họa sĩ Huế và gốm nghệ thuật của họa sư bậc thầy Lê Bá Ðảng; khai mạc trưng bày cổ vật pháp lam, gốm sứ và sơn mài cung đình Nguyễn và khai mạc Hội chợ triển lãm làng nghề VN 2009...
Đây là lễ hội được tổ chức định kỳ 2 năm một lần (vào năm lẻ) xen giữa các kỳ Festival Huế.
Festival nghề truyền thống Huế 2009 diễn ra từ ngày 12 đến 14/6, với sự tham gia của 150 nghệ nhân đến từ 15 làng nghề nổi tiếng về gốm, sơn mài, pháp lam của cả nước như gốm Chu Ðậu (Hải Dương), Bát Tràng (Hà Nội), Phù Lãng, Thổ Hà (Bắc Ninh), Bàu Trúc (Ninh Thuận), Gò Sành (Bình Ðịnh), Châu Ô (Quảng Ngãi), Gọ (Bình Thuận), gốm Bình Dương, gốm Quảng Nam, gốm Phước Tích (Thừa Thiên-Huế), sơn mài Bình Dương, sơn mài Hạ Thái, sơn Mài và Pháp lam Huế... và các nhà sưu tầm cổ vật danh tiếng từ Hà Nội, Ninh Bình, Huế, Ðà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Tuy Hòa với các cổ vật, gốm sứ, sơn mài, pháp lam độc đáo từ nhiều niên đại, trong đó có nhiều cổ vật được xem là bảo vật, đã tham gia hội chợ và Festival. Ðây là lần đầu các cổ vật quý hiếm được trưng bày qua các triển lãm: "Chuyện kể từ kho báu dưới dòng sông"; "Dặm dài đất nước qua những cổ vật"; "Bộ sưu tập đồ sứ ký kiểu và bộ sưu tập pháp lam"; "Bộ sưu tập các cổ vật cung đình"...
Ngoài ra, trong khuôn khổ festival sẽ có các hoạt động chính như: triển lãm nghệ thuật sơn mài, pháp lam và gốm cổ trong, ngoài nước nhiều giai đoạn; nghệ nhân trình diễn và tôn vinh các nghề gốm, pháp lam, sơn mài và một số nghề truyền thống khác; tổ chức cuộc gặp gỡ thú vị của trẻ em khiếm thị Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh với chủ đề "Ánh sáng trong bóng tối"; trình diễn áo dài dân tộc, thả diều nghệ thuật và các chương trình nghệ thuật dân gian ba miền đặc sắc tại Công viên Thương Bạc; Hội thảo Nghề và làng nghề truyền thống, tiềm năng và những trở lực phát triển; Tọa đàm về năng lực thiết kế mẫu sản phẩm thủ công với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nghệ nhân tiêu biểu ở các làng nghề trong cả nước...
Phần lớn các hoạt động đều mang tính mở phục vụ cộng đồng, diễn ra trên hai bờ sông Hương đoạn trước kinh thành Huế. Ngoài ra lễ hội còn có chương trình kỷ niệm 110 năm cầu Trường Tiền, chợ Ðông Ba - hai địa danh lịch sử vốn gắn liền với đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa của vùng đất cố đô.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Huế Phan Trọng Vinh nhấn mạnh: Festival nghề lần này không chỉ là một cuộc hội tụ, biểu dương lực lượng lớn của các nghề và làng nghề mà còn gắn liền với sự kiện cầu Trường Tiền và chợ Đông Ba vừa tròn 110 năm tuổi. Đây cũng là dịp chính thức công bố và ra mắt “Hội áo dài” tại thành phố Huế nhằm góp phần bảo vệ và phát huy tốt hơn nữa một bộ phận di sản đặc sắc của văn hóa dân tộc Việt.
Cùng ngày, làng nghề Gốm Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên-Huế) cũng chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận làng di tích cấp quốc gia./.
Thế Hoàng