Thứ Ba, 26/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 17/3/2017 10:21'(GMT+7)

Khai mạc Ngày Văn hóa Phật giáo Ấn Độ tại Việt Nam lần thứ hai

Hình ảnh tại lễ khai mạc tối 16/3. (Ảnh:VietnamNet)

Hình ảnh tại lễ khai mạc tối 16/3. (Ảnh:VietnamNet)

Hoạt động này do Hội Hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội tổ chức.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ Trương Minh Tuấn khẳng định cách đây 2.000 năm, nhà sư Ấn Độ Khâu Đà La cùng các đoàn thuyền buôn theo con đường tơ lụa trên biển đã mang đạo Phật truyền bá đến Việt Nam. Phật giáo Ấn Độ đã hội nhập, hòa quyện với tín ngưỡng và văn hóa dân gian Việt Nam để trở thành Phật giáo Việt Nam đầy sức sống.

Không chỉ trong lĩnh vực phật giáo, từ các vấn đề trong nước đến các sự kiện quốc tế, Việt Nam và Ấn Độ đã dành cho nhau sự ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trên mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Hai nước Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời bắt nguồn từ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru, hai vị Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam và dân tộc Ấn Độ dày công xây đắp, được nhân dân hai nước cùng nhau kết thành mối quan hệ đoàn kết gắn bó, tình bạn cao đẹp, luôn sẵn sàng ủng hộ lẫn nhau trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước kia và trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.

Các hoạt động văn hóa có ý nghĩa như Ngày Văn hóa Phật giáo Ấn Độ tại Việt Nam đã góp phần nâng cao tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Ấn Độ, cũng như quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia.

Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam -Ấn Độ tin tưởng mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Ấn Độ sẽ tiếp tục được duy trì, phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực cả về văn hóa và xã hội.

Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ cho biết Ngày Văn hóa Phật giáo Ấn Độ tại Việt Nam lần thứ hai được diễn ra từ ngày 16-19/3 với nhiều nghi lễ phật giáo đặc biệt do Ngài Gyalwang Drukpa, được biết đến là hóa thân của Đức Bồ tát Quán thế âm và là chuyển thế đời thứ 12 của dòng truyền thừa Phật giáo Drukpa mang biểu tượng rồng thiêng có khởi nguồn cách đây hơn 1.000 năm tại Ấn Độ và tăng đoàn Drukpa với gần 100 vị tăng, ni đến từ Ấn Độ thực hành đúng vào Ngày khánh đản Đức Bồ tát Quán Thế âm theo truyền thống Phật giáo Đại thừa là ngày 19/2 Âm lịch hàng năm; đồng thời cũng đúng dịp Lễ hội Tây Thiên Xuân Đinh Dậu 2017.

Thay mặt Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cảm ơn và đánh giá cao sự phối hợp đồng tổ chức sự kiện văn hóa vô cùng ý nghĩa này của Hội Hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu tin tưởng, những hoạt động trong chuỗi Ngày Văn hóa Phật giáo Ấn Độ lần thứ hai tại Việt Nam sẽ mang lại niềm tin, sự hiểu biết lẫn nhau, sự chia sẻ kinh nghiệm trong thực hành giáo lý của Phật giáo vào trong đời sống xã hội đương đại; là hoạt động thiết thực kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Ngày Văn hóa Phật giáo Ấn Độ tại Việt Nam là một hoạt động giao lưu văn hóa có ý nghĩa, là cơ hội để tăng, ni, phật tử Phật giáo Việt Nam học tập và trao đổi kinh nghiệm, phương pháp hành trì tu tập Phật giáo Ấn Độ.

Các hoạt động giao lưu văn hóa Phật giáo giữa Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Ấn Độ tiếp tục làm phong phú và sâu sắc thêm truyền thống hữu nghị lâu đời, tốt đẹp giữa nhân dân các nước trong vai trò Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc.

Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish cho biết Ngày Văn hóa Phật giáo Ấn Độ tại Việt Nam lần thứ hai là cơ hội để thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị lâu đời giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Ấn Độ, là cơ hội giao lưu và tiếp biến Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Việt Nam; trao đổi tư tưởng quảng bá những giáo lý của Đức Phật vì hòa bình, thịnh vượng và sự hòa hợp trên toàn thế giới.

Trong khuôn khổ Lễ khai mạc, các hoạt động đã được tổ chức như: Tăng đoàn Drukpa đọc kinh Phật cầu nguyện bình an, thịnh vượng, thế giới hòa bình; Nghệ thuật múa dâng cúng trong trường phái Phật giáo Mật tông do các sư Ấn Độ thực hiện; Nghệ thuật múa dâng cúng trong trường phái Phật giáo Mật tông do các sư Việt Nam thực hiện./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất