Thứ Sáu, 29/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Năm, 18/3/2010 10:55'(GMT+7)

Khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Nhóm khoáng sản năng lượng  nước ta có tiềm năng dầu khí đáng kể. Ðến ngày 2-9-2009, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam  đã đạt mốc khai thác 300 triệu tấn dầu quy đổi. Với sản lượng khai thác dầu khí hằng năm, hiện nay Việt Nam đứng hàng thứ ba ở Ðông - Nam Á, sau In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a. Than biến chất cao (anthracit) ở nước ta phân bố chủ yếu ở các bể than Quảng Ninh, Thái Nguyên, sông Ðà, Nông Sơn, với tổng tài nguyên đạt hơn 18 tỷ tấn. Bể than Quảng Ninh là lớn nhất, với trữ lượng đạt hơn ba tỷ tấn. Bể than Quảng Ninh đã được khai thác từ hơn 100 năm nay, phục vụ tốt cho các nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Các nhà khoa học địa chất đã phát hiện nhiều tụ khoáng u-ra-ni ở Ðông Bắc Bộ, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên. Tổng tài nguyên u-ra-ni ở Việt Nam được dự báo hơn  218 nghìn tấn U308, có thể là nguồn nguyên liệu khoáng cho các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai. Việt Nam có nhiều nguồn nước nóng, ở phần đất liền có 264 nguồn có nhiệt độ 300C trở lên. Các nguồn nước nóng chủ yếu được phân bố ở Tây Bắc, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Ngoài ra nhờ khoan thăm dò, khai thác dầu khí chúng ta cũng phát hiện được nhiều nguồn nước nóng ở dưới sâu thuộc Bể Sông Hồng và Bể Cửu Long. Tiềm năng địa nhiệt của Việt Nam không lớn nhưng có thể coi là nguồn năng lượng bổ sung cho các nguồn năng lượng truyền thống, phục vụ nhu cầu CNH, HÐH đất nước.

Nhóm khoáng sản kim loại nước ta có nhiều loại như sắt, man-gan, crôm, ti-tan, đồng, chì, kẽm, cô-ban, ni-ken, nhôm, thiếc, vàng, bạc, v.v. Trong số khoáng sản kim loại kể trên có các loại tài nguyên trữ lượng lớn tầm cỡ thế giới như bô-xít (quặng nhôm), đất hiếm, ti-tan, vôn-phram, crôm, v.v.

Nhóm khoáng chất công nghiệp nước ta có nhiều loại như a-pa-tit, phốt-pho-rít, than bùn, sét gốm sứ,...  thạch anh tinh thể. Các khoáng chất công nghiệp ở Việt Nam đã được đánh giá và nhiều mỏ đã được khai thác phục vụ các ngành nông nghiệp, công nghiệp. Nhóm vật liệu xây dựng  nước ta có nhiều mỏ vật liệu xây dựng: sét gạch ngói, sét-xi măng, puzzolan, cát sỏi, đá vôi, đá hoa trắng, đá ốp lát, đá ong. Các mỏ vật liệu xây dựng đã và đang được khai thác phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước. Ngoài các loại khoáng sản kể trên, từ năm 1987 chúng ta đã phát hiện nhóm đá quý ruby, saphia, peridot, ... nhưng trữ lượng không lớn. Riêng ruby ở Yên Bái và Nghệ An có chất lượng cao, được thế giới đánh giá đạt chất lượng quốc tế, tương đương với ruby nổi tiếng của Mi-an-ma.

Nếu so sánh với các nước ở trong khu vực Ðông- Nam Á và thế giới, thì thấy rằng: Nước ta tuy có diện tích đất liền không lớn, nhưng có vị trí địa chất, địa lý thuận lợi cho sự sinh thành và phát triển khoáng sản. Với nguồn tài nguyên khoáng sản đó, có thể xếp nước ta vào hàng các nước có tiềm năng khoáng sản đáng kể. Tuy nhiên cần phải chú ý bốn đặc điểm sau:

Thứ nhất, Việt Nam không có tiềm năng lớn về các khoáng sản năng lượng, với sản lượng khai thác như hiện nay thì dầu khí  chỉ bảo đảm khai thác được khoảng 30 năm nữa, do vậy cần tăng cường tìm kiếm thăm dò để tăng trữ lượng phục vụ lâu dài. Than biến chất cao (Anthracit) với trữ lượng đã được đánh giá đạt nhiều tỷ tấn cần phải khai thác sâu hàng trăm mét  mới bảo đảm cho nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước. Than biến chất thấp ở dưới sâu đồng bằng sông Hồng tuy dự báo có tài nguyên lớn đến vài trăm tỷ tấn nhưng ở độ sâu hàng nghìn mét dưới lòng đất, điều kiện khai thác cực kỳ khó khăn. Tiềm năng u-ra-ni và địa nhiệt không đáng kể và chưa được thăm dò đánh giá trữ lượng.

Thứ hai, Việt Nam có nhiều khoáng sản kim loại nhưng trữ lượng không nhiều. Rất nhiều khoáng sản kim loại (vàng, bạc, đồng, chì, kẽm, thiếc, v.v.) thế giới rất cần trong khi trữ lượng không có nhiều, chỉ khai thác mấy chục năm nữa sẽ cạn kiệt.  

Thứ ba, Việt Nam có nhiều loại khoáng chất công nghiệp và vật liệu xây dựng phục vụ tốt cho phát triển kinh tế của đất nước và có thể xuất khẩu. Tuy nhiên chúng không phải là khoáng sản có giá trị kinh tế cao và trên thế giới cũng có nhiều, đủ dùng trong nhiều năm nữa.

Thứ tư,  Việt Nam chưa phát hiện được kim cương - loại khoáng sản quý có giá trị kinh tế kỹ thuật cao. Các nhà địa chất đã phát hiện ở Việt Nam có ru-bi chất lượng cao, nhưng trữ lượng chưa rõ, các loại đá quý khác cũng chưa được phát hiện nhiều. Thực tế nhóm đá quý được phát hiện ở Việt Nam chưa đóng góp gì đáng  kể cho phát triển kinh tế đất nước.

Phân tích sâu về đặc điểm tiềm năng tài nguyên khoáng sản của Việt Nam trong bối cảnh chung về tài nguyên khoáng sản của khu vực và thế giới thấy rõ, tuy Việt Nam là nước có nhiều loại khoáng sản nhưng trữ lượng hầu hết các loại không nhiều. Một số loại khoáng sản như bô-xít, đất hiếm, ilmenit ta có tài nguyên trữ lượng tầm cỡ thế giới thì thế giới cũng có nhiều và không có  nhu cầu tiêu thụ lớn. Ðây là điều cần phải được quan tâm nghiên cứu đánh giá khách quan giữa cung và cầu để có chiến lược sử dụng tài nguyên khoáng sản đúng đắn, hợp lý, phục vụ phát triển kinh tế của đất nước. Ðể thực hiện CNH, HÐH đất nước trong những năm tới, các cấp có thẩm quyền cần đẩy mạnh điều tra, khảo sát, đánh giá các loại khoáng sản mà thế giới và trong nước cần, trữ lượng, bởi khoáng sản là loại tài nguyên không tái tạo được và có số lượng hạn chế trong lòng đất, do đó chúng ta cần có chiến lược quản lý, bảo vệ, khai thác để sử dụng hợp lý, tiết kiệm để phục vụ hiệu quả, sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước.

PGS, TS NGUYỄN KHẮC VINH
Chủ tịch Tổng hội Ðịa chất Việt Nam
(Theo Nhân Dân điện tử)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất