Thứ Sáu, 29/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Hai, 8/3/2010 6:29'(GMT+7)

Viết thêm truyền thống vẻ vang của Phụ nữ Việt Nam

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng chúc mừng sản phụ đầu tiên sinh con bằng thụ tinh trong ống nghiệm.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng chúc mừng sản phụ đầu tiên sinh con bằng thụ tinh trong ống nghiệm.

Trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, nhiều nhà khoa học nữ đã khẳng định được vị trí của mình trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Những cố gắng âm thầm, bền bỉ, dẻo dai vượt lên trên những khó khăn, các chị đã đóng góp vào sự phát triển của đất nước bằng những công trình khoa học có giá trị, ghi danh vào đội ngũ hùng hậu các nhà khoa học nữ của đất nước cũng như thế giới.

Hạnh phúc cho những gia đình hiếm muộn

Từ tiếng khóc chào đời của 3 em bé đầu tiên thụ tinh thành công trong ống nghiệm vào năm 1998, đến nay, đã có gần 7.000 em bé ra đời nhờ phương pháp này tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, TP. Hồ Chí Minh. Đối với tập thể y bác sĩ của bệnh viện, tiếng khóc đầu tiên trong cuộc đời của đứa trẻ cùng với nụ cười rạng ngời và cả những giọt nước mắt hạnh phúc của các gia đình hiếm muộn, chính là niềm vui, niềm tự hào mà hơn 10 năm qua họ được cảm nhận mỗi ngày.

Để có được thành công này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, Chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, đã âm thầm nghiên cứu trong suốt 15 năm. Bác sĩ Phượng tâm sự, một trong những ám ảnh lớn là cuộc gặp gỡ với một phụ nữ ở Hải Dương, đã lặn lội vào Sài Gòn tìm gặp bà. Cô gái vừa khóc nức nở vừa giãi bày nỗi bất hạnh bị gia đình nhà chồng ruồng rẫy vì vô sinh. Nhưng khi đó bà không giúp được gì cho người phụ nữ trẻ ấy, bởi Việt Nam vẫn chưa đủ khả năng để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

Rồi lần khác khi đi công tác, bà được chứng kiến đám ma của một phụ nữ trẻ đã tự vẫn vì không sinh được con. Đây chỉ là một số trong rất nhiều hoàn cảnh đau lòng khiến bác sĩ Phượng day dứt không yên và bà đã quyết tâm đưa bằng được kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm vào Việt Nam. Đúng ngày 30/4/1998, 3 đứa trẻ đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, không chỉ ba cặp vợ chồng hiếm muộn mà cả ê kíp y bác sĩ của bệnh viện đều không thể cầm được nước mắt - những giọt của hạnh phúc và tự hào.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng nhớ lại kỷ niệm: “Trường hợp đầu tiên thụ tinh thành công trong ống nghiệm lúc chuẩn bị sinh thì sản phụ rất yếu, tim thai bị rớt liên tục nên ai cũng lo lắng, bất an. Lúc đó, tôi quyết định mổ để cứu em bé. Bên trong phòng mổ căng thẳng còn bên ngoài thì bố của bé lo lắng quá mà ngất đi. Cho nên khi em bé ra đời, cất tiếng khóc đầu tiên thì tất cả mọi người vỗ tay nhưng cả kíp mổ thì khóc, vì giấc mơ về thụ tinh ống nghiệm đã thành công. Gia đình em bé  vui mừng khôn tả, chỉ khóc, vì họ đã mong chờ cả mười mấy năm trời để có được 1 đứa con”.

Những mùa vàng bội thu

Đầu tháng 6/2008, người làm nông nghiệp cả nước mừng vui vì một vụ mùa bội thu, và giới khoa học nông nghiệp Việt Nam thêm tự hào khi Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Trâm đã chuyển nhượng thành công một giống lúa lai hai dòng với giá 10 tỉ đồng. Để làm nên điều chưa từng có này, PGS-TS Nguyễn Thị Trâm cùng đồng sự không chỉ bỏ công sức nghiên cứu tìm tòi cả chục năm trời mà còn phải đánh cược với những rủi ro.

Làm nghiên cứu khoa học nông nghiệp, rời phòng thí nghiệm là bà lại có mặt trên cánh đồng thực nghiệm khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Bà tâm sự: là nhà khoa học nhưng vẫn chân lấm tay bùn như nông dân thực thụ, vì nếu không thực sự “say” nghề thì không thể theo đuổi được công việc vất vả này. Bà thường đùa rằng, trong một năm người nông dân chỉ vất vả mấy tháng mùa vụ, còn những nhà khoa học như bà thì cả 365 ngày đều có mặt trên đồng ruộng.

Trong gần 50 năm vừa làm công tác giảng dạy vừa nghiên cứu khoa học, PGS-TS Nguyễn Thị Trâm đã tạo ra không ít giống lúa thích hợp với khí hậu nhiều vùng miền, cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon, kháng sâu bệnh…Từ những ngày đầu theo thầy Lương Định Của tham gia nghiên cứu thành công một số giống lúa, đến nay nhiều giống lúa do bà lai tạo được công nhận là giống quốc gia như: ĐH 60, nếp thơm 44, TH3-3, TH3-4...

Theo bà, nhà khoa học chỉ được coi là thành công khi những công trình nghiên cứu của mình được ứng dụng vào cuộc sống và mang lại lợi ích cho xã hội. Nhìn những ruộng lúa trĩu bông, những sân thóc phơi đầy trong nắng vàng óng, và nụ cười của người nông dân khi được mùa lúa, bà không khỏi tự hào:“Ngoài nghiên cứu rồi trồng thí nghiệm trong ruộng lúa thì chúng tôi còn xuống các tỉnh để giúp nông dân những quy trình kỹ thuật cần thiết như: cách chăm bón lúa khi cấy thử giống mới, để đảm bảo cho năng suất cao hơn, chất lượng gạo tốt hơn. Làm như vậy thì nông dân cũng tin tưởng vào mình hơn...”.

Và công nghệ thực phẩm sạch

Ngay từ năm 1961, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Thị Mại, nguyên Viện  trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ thực phẩm, đã bắt đầu tiến hành cụm công trình nghiên cứu về chế biến các sản phẩm phế phụ liệu trong nông nghiệp, công nghiệp để tạo ra sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Trong đó, đáng chú ý là công trình nghiên cứu chế độ xử lý hạt lúa mỳ dùng trong sản xuất cồn, nhằm giải quyết khó khăn về lương thực; đồng thời sử dụng hoa màu thay gạo để sản xuất cồn theo phương pháp Amilo, để giành gạo cho nhân dân, bộ đội thời bao cấp.

Hơn một nửa đời người cống hiến cho khoa học với rất nhiều công trình nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: sử dụng Enzim và nguyên liệu gạo với tỷ lệ cao trong sản xuất bia; nghiên cứu công nghệ sản xuất nước mắm ngắn ngày, rút chu kỳ sản xuất từ 6-12 tháng theo phương pháp cổ truyền xuống còn 10 đến 15 ngày… Đến nay khi đã gần 75 tuổi, PGS-TS Nguyễn Thị Mại vẫn dồn hết tâm huyết, trí tuệ để hàng ngày mệt mài cùng với những “người bạn già” nghiên cứu về công nghệ sản xuất thực phẩm an toàn:“Vì nhiệt huyết, tâm huyết với nghiên cứu khoa học nên tuy đã về hưu nhưng chúng tôi cùng tập hợp nhau để thành lập Trung tâm nghiên cứu, triển khai lương thực-thực phẩm an toàn. Mong muốn của những nhà khoa học như chúng tôi là làm thế nào cho thực phẩm phải sạch ngay từ khâu sản xuất, trồng trọt bằng cách nghiên cứu các sản phẩm sinh học thay thế thuốc trừ sâu, hoá chất trong chăm sóc cây trồng. Với nghiên cứu này, chúng tôi mong muốn vừa bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ cho nông dân, và như thế thì giá trị kinh tế chắc chắn được nâng lên”-PGS-TS Nguyễn Thị Mại bày tỏ.

Kết thúc một ngày làm việc, rời phòng thí nghiệm, giảng đường, những phụ nữ ấy lại trở về nhà trong vai trò của một người mẹ, người vợ. Hơn ai hết, các chị hiểu rằng thành công nhất của một người phụ nữ là giữ gìn mái ấm gia đình và đều mong gia đình là chỗ dựa cho những thành công ngoài xã hội.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có hạnh phúc trọn vẹn, vì đôi khi công việc và niềm đam mê cứ cuốn các chị đi, phải chịu thiệt thòi vì ít thời gian chăm sóc gia đình. Vừa nghiên cứu khoa học vừa kiêm nhiệm vai trò làm cha, các chị vẫn nuôi dạy con mình trở thành những người có ích cho xã hội. Như gia đình bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, đến nay con gái và con rể của bà cũng đang góp sức tích cực cùng mẹ và trở thành những “người cha, người mẹ tinh thần” của hàng ngàn trẻ thơ.

Các chị thật xứng đáng với lời ca ngợi của nhà thơ Huy Cận: “Chị em ta toả nắng vàng lịch sử/Nắng cho đời nên cũng nắng cho thơ…”./.

(Theo: Huyền Trang/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất