Thứ Sáu, 22/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Tư, 15/9/2021 16:51'(GMT+7)

Khám chữa bệnh từ xa: Giải pháp hiệu quả hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời

/Uploads/2021/11/30/18/hoichan.jpg

/Uploads/2021/11/30/18/hoichan.jpg

100% cơ sở y tế tuyến huyện được kết nối nền tảng hỗ trợ tư vấn

Ngày 8-8, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ công bố kết nối Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) tới 100% cơ sở y tế tuyến huyện. Chỉ sau 2 ngày thần tốc triển khai, 328 cơ sở y tế tuyến huyện tại 47 tỉnh, thành phố hoàn thành triển khai lắp đặt hệ thống khám chữa bệnh từ xa . Đây  là các cơ sở y tế cấp huyện còn chưa được kết nối với hệ thống theo danh sách do Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cung cấp.

Với sự kiện này, 100% cơ sở y tế tuyến huyện đã được kết nối, góp phần xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến, xử lý các ca bệnh khó. Đặc biệt, việc điều trị bệnh nhân COVID-19 sẽ được hội chẩn bởi các chuyên gia hàng đầu mà không nhất thiết phải chuyển lên tuyến trên.

 Tại sự kiện, Thủ tướng và các đại biểu đã chứng kiến các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện kết nối hệ thống Telehealth với Bệnh viện Cần Giờ TP.HCM, Bệnh viên đa khoa Hậu Nghĩa (Long An), Bệnh viện Thuận An (Bình Dương) để hội chẩn, tư vấn điều trị cho các trường hợp mắc COVID-19 đang chuyển biến nặng. 

Trong hai giờ đồng hồ, Thủ tướng cũng đề nghị hàng chục điểm cầu tại các địa phương như Đồng Tháp, Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Phú Yên, Nghệ An, Lạng Sơn… kết nối, trao đổi với Bệnh viện Chợ Rẫy về công tác điều trị bệnh nhân. Thủ tướng đồng thời dành nhiều sự quan tâm đến tuyến đầu chống dịch COVID-19, gửi lời thăm hỏi, động viên đến các y, bác sỹ tại các điểm cầu và trên cả nước.

Theo các y, bác sĩ tại các điểm cầu, đây là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên và giảm bớt tiếp xúc giữa bệnh nhân với bác sĩ. Cùng với đó, giúp các y, bác sĩ tại các vùng sâu, vùng xa yên tâm, tự tin hơn trong điều trị bệnh nhân nặng.

Phát huy hiệu quả trong bối cảnh giãn cách

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Đề án Khám chữa bệnh từ xa đã thu được nhiều kết quả khả quan như: đảm bảo giãn cách xã hội trong phòng chống dịch; giảm chi phí và thời gian cho người bệnh; giảm quá tải, tạo cân bằng người bệnh giữa tuyến trên - tuyến dưới; tăng cường năng lực chuyên môn tuyến dưới và kết nối mạng lưới các bệnh viện.

Thực hiện Đề án khám, chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế, thời gian qua, nhiều bệnh viện nhiều bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện lớn trên địa Hà Nội triển khai mô hình khám chữa bệnh từ xa với hàng trăm bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, trên cả nước đã góp phần hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới, giảm tỷ lệ chuyển tuyến, giảm thời gian, kinh phí đi lại cho người bệnh. Theo Đề án, các bệnh viện sẽ thực hiện các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn khám chữa bệnh từ xa…

Để phục vụ người bệnh ở xa, không thể đến bệnh viện khám trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngay từ đầu tháng 6 Bệnh viện Da liễu TP.HCM đã triển khai dịch vụ tư vấn trực tuyến miễn phí. Hiện có rất nhiều người bệnh đã kết nối Zalo gọi đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn. ThS Nguyễn Đình Huấn, chuyên khoa hô hấp nhi - da liễu nhi và dị ứng nhi, cho biết trong những ngày dịch bệnh này bác sĩ cũng khám bệnh từ xa cho bệnh nhân qua Zalo, Viber... Việc khám bệnh từ xa trong mùa dịch sẽ giúp ích cho bệnh nhân bị hạn chế di chuyển trong mùa dịch, nhất là bệnh da liễu, dị ứng nhi.

Theo PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, chương trình “Khám, chữa bệnh từ xa” khai trương vào tháng 8-2020 khi đợt dịch Covid-19 lần thứ hai bùng phát. Là bệnh viện tuyến cuối về chuyên ngành tim mạch, Bệnh viện Tim Hà Nội hỗ trợ chuyên môn cho hơn 200 bệnh viện vệ tinh, bệnh viện ngoại tỉnh. Việc thực hiện khám, chữa bệnh từ xa với các bác sĩ tuyến dưới được thực hiện bằng nhiều hình thức, đặc biệt là hội chẩn trực tiếp các ca bệnh khó để xác định phương pháp điều trị đúng, đã mang lại kết quả tích cực. Đến nay, Bệnh viện Tim Hà Nội đã tổ chức được 29 buổi tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa, giúp người dân tuyến dưới được hưởng dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng ngay tại cơ sở.

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong triển khai khám, chữa bệnh từ xa. Theo PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đến nay, bệnh viện đã tổ chức 131 buổi hội chẩn từ xa cho 829 bệnh nhân. Đặc biệt, việc khám, chữa bệnh từ xa ứng dụng các công nghệ hiện đại đã hỗ trợ rất lớn trong hội chẩn, nâng cao năng lực của y tế cơ sở. Bác sĩ tuyến trung ương có thể hội chẩn từ xa các ca bệnh khó, đặc biệt là các ca mắc Covid-19 đang chuyển biến nặng.

Đề án Khám chữa bệnh từ xa đã được ban hành tại Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 với 2 mục tiêu căn bản, đó là tất cả các cơ sở y tế, nhất là tuyến huyện được hỗ trợ chuyên môn liên tục và mọi người dân đều được hỗ trợ y tế thường xuyên. Đây là chiến lược quan trọng của ngành Y tế, đặc biệt trong giai đoạn tất cả các Bộ, Ngành đều tham gia vào chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Đề án khám chữa bệnh từ xa góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo phương thức kết hợp của bác sĩ tuyến trên và bác sĩ tuyến dưới theo mô hình 1-4-4-2. Tức là 1 bác sĩ tuyến trên hỗ trợ cho 4 bác sĩ tuyến tỉnh, 4 bác sĩ tuyến huyện và 2 bác sĩ tuyến xã. Trong đó bác sĩ tuyến trên đóng vai trò như người bảo trợ, hỗ trợ cho tuyến dưới khi cần thiết. Khám chữa bệnh từ xa sẽ là một dịch vụ y tế của bệnh viện và là hoạt động thường ngày tại cơ sở y tế.

Phong Vân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất