Chủ Nhật, 22/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 21/9/2016 21:14'(GMT+7)

Khám phá con người hiện đại

Lần thứ 6 Liên hoan Múa Đương đại: Sự gặp gỡ Á - Âu được tổ chức tại Việt Nam, với sự điều phối của Viện Goethe, góp phần quảng bá nghệ thuật múa đương đại, tăng cường giao lưu giữa nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế. Tại họp báo diễn ra sáng 20.9, TS. Almuth Meyer - Zollitsch, Viện trưởng Viện Goethe cho biết: Liên hoan sẽ mở màn với Những tiệm giặt là Hà Nội - tác phẩm hợp tác giữa nghệ sĩ múa, biên đạo người Đức Riki von Falken và nữ nghệ sĩ đa phương tiện người Việt Nguyễn Trinh Thi.

“Cuộc chiến tranh Việt Nam là hình ảnh từ thời thơ ấu của tôi” - nghệ sĩ múa Riki von Falken kể lại mối liên hệ với Việt Nam xa xôi: “Tuổi thơ của tôi lớn lên ở một tiệm giặt là tại Đức, và hình ảnh chiến tranh tại Việt Nam được phát trên vô tuyến vào mỗi ngày chủ nhật, những năm 1960 trở thành ấn tượng khó phai. Sau khi nhận được lời mời dự Liên hoan múa đương đại, tôi muốn hợp tác với một nghệ sĩ Hà Nội để tái hiện ấn tượng đó trong tác phẩm múa. Rất may là tôi gặp Nguyễn Trinh Thi, và sau đó có 3 lần tới Việt Nam - đất nước đã đi vào ký ức thời thơ bé”.


 

Thực hiện dự án này, biên đạo múa Riki von Falken tiếp cận chuyển động và điệu bộ cơ thể, trong khi nghệ sĩ Nguyễn Trinh Thi đảm nhận phần video. Chị Nguyễn Trinh Thi cho biết: “Chúng tôi có góc nhìn khác nhau, bản thân tôi là người trong cuộc, sinh ra lớn lên ở Việt Nam, trong khi Riki von Falken lại nhìn với con mắt của người ngoài cuộc, với tiếng vọng từ tuổi thơ. Chúng tôi phải làm sao cho hai góc nhìn này gặp gỡ được trong tác phẩm. Hơn nữa, chiến tranh Việt Nam đã được nói đến nhiều, áp lực là phải thể hiện sao cho mới mẻ”... Chia sẻ ý tưởng chung giữa Đức - Việt Nam, hai nữ nghệ sĩ hòa mình vào không gian đô thị của Hà Nội, khám phá những hình ảnh và dòng chảy từ từng góc nhỏ cuộc sống của không chỉ mỗi cá nhân mà còn cả những biến đổi văn hóa, từ đó sáng tạo tác phẩm múa. Những tiệm giặt là Hà Nội cũng thể hiện khoảnh khắc gặp gỡ và giao thoa kỹ thuật cắt phim và biên đạo múa.

Ngoài vở múa hợp tác Đức - Việt, Liên hoan còn mang tới nhiều tác phẩm đặc sắc: hai nghệ sĩ múa nhóm Akudo (Nakamura Shun và Utagawa Shota) trình diễn Hội chứng truyền thống mãn tính - Phiên bản Nhật Bản, diễn tả những hành vi đặt trưng của người Nhật Bản; trong khi biên đạo Israel Idan Sharabi giới thiệu tác phẩm Phỏng vấn dựa trên cuộc trò chuyện với những người anh từng gặp dưới hầm trú ẩn trong cuộc chiến ở Dải Gaza năm 2014, gợi lên câu hỏi về tính người trong mối quan hệ với bạo lực; tác phẩm múa của nghệ sĩ Áo Doris Uhlich kết hợp với DJ Boris Kopeinig, biến âm nhạc techno trở thành một phần của biên đạo tràn đầy năng lượng; màn trình diễn nghẹt thở Hakana của vũ công Pháp Akiko Kajihara lại kết hợp chuyển động trong khối hình ảnh động và theo nhịp điệu của màn ứng tác âm thanh sáng tạo.

Biên đạo, nghệ sĩ múa Việt Nam Trần Ly Ly thể hiện lối sống công nghệ tác động đến từng ngóc ngách trong cuộc sống thời hiện đại qua tác phẩm Có Có Không Không. Bên cạnh đó, vở múa Mái nhà được Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP Hồ Chí Minh giới thiệu tại Liên hoan, với sáng tạo của biên đạo múa nhiều năm hoạt động nghệ thuật ở châu Âu Bùi Ngọc Quân, giúp khán giả liên tưởng đến những thế giới mà con người có thể thoát khỏi đời sống bận rộn... Đây là năm đầu tiên, ban tổ chức bán vé với giá đồng hạng 100.000 đồng/buổi diễn, nhằm khuyến khích khán giả đến với múa đương đại. TS. Almuth Meyer - Zollitsch chia sẻ: “Ngày nay, những gì miễn phí không phù hợp nữa, và nếu cứ miễn phí, khi đưa tác phẩm đến khán giả, nghệ sĩ có cảm giác công sức lao động, sáng tạo của họ không có giá trị. Hơn nữa, thông qua nguồn thu từ bán vé, ban tổ chức có thể hỗ trợ đơn vị nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt là kinh phí thuê nhà hát. Nói cách khác, những ai quan tâm và muốn ủng hộ nghệ thuật, ủng hộ nghệ sĩ múa đương đại Việt Nam, thì hãy mua vé và thưởng thức tác phẩm của họ”.

Ngọc Phương (daibieunhandan.vn)



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất