Sau gần 25 năm, đây là hội
nghị đầu tiên về phát triển thị trường chứng khoán do Thủ tướng Chính
phủ chủ trì. Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; các Bộ
trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ
quan Trung ương; các Đại sứ, Trưởng đại diện cơ quan quốc tế tại Việt
Nam; lãnh đạo các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và
ngoài nước tại Việt Nam, các tổ chức tham gia thị trường chứng khoán.
TĂNG TRƯỞNG TỐT SO VỚI NHIỀU NƯỚC KHU VỰC CHÂU Á
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong bối cảnh chịu áp lực lớn từ
diễn biến phức tạp của thị trường tài chính, chứng khoán quốc tế, nhưng
với sự hỗ trợ từ nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước ổn định và sự chỉ
đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ, Bộ Tài chính, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành,
đơn vị liên quan, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023 chứng kiến sự
phục hồi tốt, cấu trúc thị trường ngày càng được hoàn thiện, nhiều kết
quả quan trọng trên các khía cạnh đạt được mục tiêu đề ra và tiếp tục là
điểm sáng thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, là kênh dẫn vốn hiệu
quả cho nền kinh tế.
Trải qua nhiều biến động, song nhìn chung thị trường chứng khoán Việt
Nam năm 2023 giữ xu hướng phục hồi tốt. Tính đến ngày 29/12/2023, chỉ
số VN-Index đạt 1.129,93 điểm, tăng 12,2% so cuối năm 2022 và chỉ số
HNX-Index đóng cửa ở mức 231,04 điểm, tăng 12,5% so cuối năm 2022, là
mức tăng trưởng tốt so với nhiều nước trong khu vực châu Á.
Quy mô vốn hóa và quy mô niêm yết của thị trường cổ phiếu tiếp tục
tăng so cuối năm 2022. Tính đến cuối năm 2023, mức vốn hóa thị trường cổ
phiếu đạt 5.937 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6% so cuối năm 2022, tương đương
58,1% GDP ước tính năm 2023. Quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch của thị
trường đạt 2.128 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so cuối năm 2022 với 739 cổ
phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán và 862 cổ
phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Số lượng tài khoản nhà đầu tư mới tham gia thị trường tiếp tục tăng
mạnh. Trong năm 2023, tổng số tài khoản chứng khoán tăng 395.290 tài
khoản so với cuối năm 2022, đưa tổng số lượng tài khoản chứng khoán lên
hơn 7,29 triệu tài khoản, tương đương 7,5% dân số, vượt mức 5% dân số
theo mục tiêu được Chính phủ đưa ra trong Đề án “Cơ cấu lại thị trường
chứng khoán và bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”.
Trong năm 2023, sau khi mua ròng mạnh trong quý I trên thị trường cổ
phiếu với tổng giá trị mua ròng lên tới 6.959 tỷ đồng, nhà đầu tư nước
ngoài đã chuyển sang bán ròng liên tục từ tháng 4 đến năm 2023 trong bối
cảnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên tục điều chỉnh tỷ giá trung tâm
lên mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tính chung cả năm 2023,
nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 21.301 tỷ đồng cổ phiếu và chứng chỉ
quỹ.
Năm 2024, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đặt ra 6 nhiệm
nhằm phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, tiếp tục hoàn
thiện khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường; cải thiện chất
lượng hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán; đa dạng hóa sản
phẩm và nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường; phát triển và đa
dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, cải thiện chất lượng cầu đầu tư; tăng cường
giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm; đẩy mạnh hợp tác quốc
tế; hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thị
trường chứng khoán…
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan ngoại giao, tổ chức
quốc tế, các thành viên tham gia thị trường chứng khoán đã thảo luận
nhằm đánh giá tình hình hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam; đề
xuất các giải pháp phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam lành mạnh,
an toàn, bền vững.
Trong đó, các đại biểu đề xuất các giải pháp tăng tiếp cận vốn của
các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường chứng khoán; nâng cao chất
lượng hàng hóa trên thị trường; mở rộng thị trường chứng khoán Việt Nam;
tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, nhất là liên quan sở hữu nước ngoài;
thu hút nhà đầu tư nước ngoài; tăng cường chuyển đổi số trong quản lý,
giám sát thị trường chứng khoán; nâng cấp cơ sở hạ tầng và hệ thống giao
dịch; thúc đẩy thực hiện đồng bộ các giải pháp để sớm nâng hạng thị
trường chứng khoán…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho
biết, hàng ngày Thủ tướng theo dõi sát sao tình hình thị trường chứng
khoán, vì thị trường này phản ánh sức khỏe của doanh nghiệp, sự điều
hành của Chính phủ; luôn đặt vị trí của mình vào vị trí của các nhà đầu
tư, mong các bên đều có lợi, góp phần đưa kinh tế Việt Nam phát triển
nhanh và bền vững.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp,
chính đáng của các nhà đầu tư, chủ thể có liên quan thị trường chứng
khoán; mong muốn thị trường chứng khoán Việt Nam, phát triển lành mạnh,
bền vững, tiến kịp, đi cùng thế giới; chia sẻ với những khó khăn của các
chủ thể liên quan trên thị trường chứng khoán trong 2 năm khó khăn vừa
qua; mong muốn chung sức, đồng lòng để tăng tốc phát triển thị trường
chứng khoán trong năm 2024 và bứt phá trong năm 2025.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, thị trường chứng
khoán Việt Nam là một loại thị trường bậc cao, một cấu phần quan trọng
của thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa ở nước ta nói chung. Thị trường chứng khoán là một kênh
đầu tư linh hoạt, hấp dẫn; kênh huy động vốn trung và dài hạn quan
trọng cho doanh nghiệp; góp phần quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh
tế, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đổi mới mô hình tăng trưởng,
phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Thủ tướng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm và đã ban hành
các chủ trương, đường lối, thể chế, cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát
triển thị trường chứng khoán Việt Nam; mới đây nhất, Chính phủ ban hành
Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 phê duyệt Chiến lược phát
triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 với mục tiêu: “Phát triển thị
trường chứng khoán ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội
nhập; nâng cao khả năng chống chịu rủi ro, có cơ cấu hợp lý giữa các cấu
phần thị trường, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan
trọng, chủ yếu cho nền kinh tế; duy trì tăng trưởng về quy mô, chú trọng
nâng cao chất lượng; phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính
bền vững; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán;
xây dựng hệ thống quản lý, giám sát thị trường gắn với ứng dụng công
nghệ thông tin hiện đại; tăng cường liên kết và hội nhập quốc tế, từng
bước thu hẹp về khoảng cách phát triển giữa thị trường chứng khoán Việt
Nam so với các nước phát triển”.
Nhìn lại chặng đường gần 1/4 thế kỷ hình thành và phát triển, dù thị
trường chứng khoán Việt Nam còn khá trẻ so với thế giới và khu vực,
nhưng đã chứng minh được sự trưởng thành nhanh chóng cũng như tiềm năng,
triển vọng tích cực; từng bước khẳng định, phát huy vai trò quan trọng
là kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, đóng góp không nhỏ cho
phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, thể chế, cơ chế, chính sách phát triển thị trường chứng
khoán được từng bước xây dựng, rà soát, hoàn thiện, bổ sung phù hợp theo
từng thời kỳ và trình độ, yêu cầu phát triển; thị trường chứng khoán
không ngừng hoàn thiện về cấu trúc và hiện đại hóa; thị trường chứng
khoán Việt Nam phát triển về quy mô, khả năng huy động vốn cho doanh
nghiệp; thị trường chứng khoán ngày càng phát triển theo tiêu chuẩn,
thông lệ quốc tế, đáp ứng các tiêu chí quan trọng của các tổ chức xếp
hạng trên thế giới; công tác giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm được
tăng cường…
“Thị trường chứng khoán Việt Nam mặc dù còn khá non trẻ so với thế
giới, nhưng không ngừng phát triển mạnh mẽ, tiệm cận thông lệ quốc tế,
mau chóng thu hẹp khoảng cách và trình độ so với các thị trường lớn,
tiên tiến hàng đầu thế giới”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, khó khăn,
vướng mắc của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhất là về tính đồng bộ
khung khổ pháp lý; tình trạng làm giá, thao túng chứng khoán; tính chính
xác thông tin công bố của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm
yết, nhà đầu tư; ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ số trong vận hành
và quản lý thị trường chứng khoán; hệ sinh thái thị trường chứng khoán
phát triển chưa toàn diện, thực sự lành mạnh…
BẢO ĐẢM LỢI ÍCH CHÍNH ĐÁNG CỦA CÁC CHỦ THỂ THAM GIA THỊ TRƯỜNG
Phân tích bối cảnh tình hình, tiềm năng phát triển thị trường chứng
khoán Việt Nam, nhất là những thuận lợi nhờ sự phát triển kinh tế - xã
hội Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau hơn 35 năm đổi
mới, “Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín
quốc tế như ngày nay” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định;
nhấn mạnh những kết quả tương đối toàn diện trên các lĩnh vực là nền
tảng quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới,
trong đó có phát triển thị trường chứng khoán.
Nêu lại các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển
thị trường vốn, thị trường chứng khoán tại các Văn kiện, Nghị quyết của
Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ và Chiến lược phát triển
kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
nhấn mạnh, phải phát triển thị trường chứng khoán đồng bộ và thống nhất
trong tổng thể thị trường tài chính của đất nước và an toàn, lành mạnh,
hiệu quả, bền vững, hội nhập, gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng
và cơ cấu lại nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy
mạnh cơ cấu lại thị trường chứng khoán nhằm hoàn chỉnh cấu trúc của thị
trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng; phát
triển thị trường về quy mô, nâng cao chất lượng; chú trọng ứng dụng,
phát triển công nghệ thông tin, tiếp cận với các thông lệ và chuẩn mực
quốc tế; tăng cường quản lý, giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn thị
trường...
Thủ tướng quán triệt rõ tinh thần chung là bảo đảm lợi ích chính đáng
của các thành phần tham gia thị trường chứng khoản theo đúng quy định
pháp luật; các bộ, ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các
thành viên, định chế thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư cùng hợp
sức, cùng chung tay để góp sức thúc đẩy thị trường chứng khoán ngày càng
phát triển mạnh mẽ, bền vững, mang lại lợi ích cho hài hòa cho các bên,
đề cùng nhau đi xa, cùng nhau thắng lợi.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới,
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ,
ngành liên quan tập trung xây dựng và triển khai ngay các chương trình
hành động cụ thể về thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng
khoán đến năm 2030.
Bộ Tài chính cần khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định bất cập
hiện hành đặc biệt liên quan đến quy định việc minh bạch thông tin doanh
nghiệp, quyền và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, tham gia thị
trường như cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, công ty chứng khoán,
nhà đầu tư.
Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đẩy mạnh nâng cấp, xây dựng
hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động của thị trường chứng khoán
theo hướng hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số; nâng cao chất lượng
quản lý, giám sát thị trường; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các
doanh nghiệp, các định chế thị trường, các nhà đầu tư tham gia thị
trường chứng khoán Việt Nam theo hướng hài hòa lợi ích của Nhà nước -
doanh nghiệp cung cấp dịch vụ - nhà đầu tư.
Cùng với đó, tiếp tục tập trung nâng cao hiệu quả công tác giám sát,
thanh kiểm tra thị trường chứng khoán nhằm phòng chống, ngăn ngừa hiệu
quả các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán, xử lý nghiêm theo
đúng quy định pháp luật những trường hợp, hành vi vi phạm, đảm bảo thị
trường chứng khoán phát triển bền vững và vận hành được công bằng, công
khai, minh bạch.
Đồng thời mở rộng các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông
tin chính thống về thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng, nền kinh
tế Việt Nam nói chung; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục
hành chính; nhanh chóng rà soát, cắt bỏ, sửa đổi các thủ tục còn rườm
rà, chồng chéo liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và
trong lĩnh vực chứng khoán, thị trường chứng khoán nói riêng.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục phối
hợp với các hiệp hội nghề nghiệp tăng cường quản lý, giám sát đối với
người hành nghề chứng khoán; áp dụng các nguyên tắc và chuẩn mực về đạo
đức nghề nghiệp đối với người quản lý công ty chứng khoán, công ty quản
lý quỹ đầu tư chứng khoán và người hành nghề; từng bước chuyển giao hoạt
động thi, cấp chứng chỉ hành nghề cho các hiệp hội nghề nghiệp.
Đặc biệt, khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng
thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường
mới nổi vào năm 2025, đặc biệt tập trung giải quyết các khó khăn, vướng
mắc để đáp ứng tiêu chí nâng hạng với tinh thần “Đã nói là làm, đã cam
kết là phải thực hiện”.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương rà soát, đề
xuất việc sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết nhằm
xử lý các vấn đề kỹ thuật còn vướng mắc, nâng cao tính minh bạch trên
thị trường chứng khoán, tháo gỡ ngay những rào cản để tạo điều kiện
thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài; rà
soát, công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề
kinh doanh có điều kiện hoặc hạn chế tiếp cận đối với nhà đầu tư nước
ngoài; khẩn trương xem xét, rà soát để đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, rút
ngắn quy trình mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước
ngoài.
Đối với các công ty chứng khoán, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh
tái cấu trúc doanh nghiệp; nâng cao năng lực quản trị công ty, quản trị
rủi ro, tăng khả năng cạnh tranh của các công ty trên thị trường; phát
triển chuyên nghiệp các dịch vụ được phép hoạt động; tiếp tục phát triển
hoạt động khối các công ty chứng khoán theo mô hình đa năng và chuyên
doanh; nghiên cứu, xây dựng cơ chế hướng dẫn, quản lý và giám sát việc
áp dụng công nghệ tài chính trong giao dịch chứng khoán.
Đối với các nhà phát hành, Thủ tướng Phạm Minh Chính khuyến khích các
loại hình doanh nghiệp thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công
chúng (IPO) gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng
khoán; thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn, tình hình tài chính, quản
trị công ty tốt thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán; hỗ trợ
tích cực việc hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo
quy định của pháp luật về cổ phần hóa.
Cùng với đó, phát hành đa dạng các kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, trái
phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương; thúc
đẩy việc chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng gắn với niêm
yết; đa dạng các loại trái phiếu phù hợp với nhu cầu huy động vốn; phát
triển các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp cho mục tiêu thực hiện dự án,
dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); khuyến khích phát
hành trái phiếu Chính phủ xanh, trái phiếu chính quyền địa phương xanh
và trái phiếu doanh nghiệp xanh; tiếp tục phát triển sản phẩm chứng
khoán phái sinh và các sản phẩm mới.
Với tiềm lực và vị thế của Việt Nam đang tiếp tục được bồi đắp và
tăng cao trên trường quốc tế và với truyền thống kiên cường, đoàn kết
của dân tộc, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo
điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực, quyết tâm và chung sức chung lòng
của cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng
nhà đầu tư trong nước và quốc tế, Thủ tướng tin tưởng, nền kinh tế Việt
Nam, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024, tiếp tục phát triển tích
cực, đặt tiền đề quan trọng để thực hiện thành công Chiến lược phát
triển kinh tế - xã hội và Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán
đến năm 2030, trước mắt nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị
trường cận biên lên thị trường mới nổi vào năm 2025./.
TTXVN