Thứ Năm, 21/11/2024
Nhịp cầu Tuyên giáo
Thứ Tư, 2/10/2024 15:38'(GMT+7)

Khẳng định tình cảm của nhân dân miền Bắc đối với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh Việt Nam tập kết ra Bắc

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

Sáng 2/10, tại hội trường Tỉnh ủy Thanh Hóa đã diễn ra Hội thảo khoa học với chủ đề "Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc - 70 năm sâu nặng nghĩa tình”.

Hội thảo do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức. Đây là một trong những hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa vinh dự được Trung ương Đảng, Bác Hồ lựa chọn là một trong những nơi đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo.

Đồng chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa; Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, đại diện Ban liên lạc học sinh miền Nam của Trung ương.

Cùng dự Hội thảo có đại diện Ban liên lạc học sinh miền Nam; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo nhiều cơ quan, ban, ngành, trường đại học, các chuyên gia - nhà nghiên cứu ở Trung ương; đại biểu các tỉnh, thành phố: Đồng Tháp, Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa cùng lãnh đạo các sở, ngành đoàn thể cấp tỉnh, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh...

Các đồng chí chủ trì Hội thảo.

QUÊ HƯƠNG THỨ HAI CỦA ĐỒNG BÀO, CÁN BỘ, CHIẾN SĨ VÀ HỌC SINH MIỀN NAM TẬP KẾT

Cuối tháng 8/1954, sau đúng 1 tháng ký Hiệp định Giơnevơ, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị, trong đó nêu rõ: “Cần tổ chức một cuộc tuyên truyền, giáo dục một cách sâu rộng cho cán bộ và đồng bào ở địa phương về nghĩa vụ đón tiếp bộ đội, thương binh, cán bộ và đồng bào miền Nam ra... Phải làm cho cán bộ và nhân dân nhận thấy việc đón tiếp và giúp đỡ này là một nghĩa vụ và cũng là một vinh dự của mình. Cần có thái độ ân cần, chăm sóc, giúp đỡ như đối với anh chị em ruột thịt, càng không phải là có thái độ ban ơn, mà chính là phải có thái độ đối với những người có công đối với Tổ quốc, có công với bản thân mình và đã cùng mình chiến đấu gian khổ lâu nay"...

Đây không chỉ là đợt chuyển quân thông thường, mà còn là đợt chuyển quân mang trong đó những chủ trương, chính sách về quản lý, đãi ngộ, sử dụng và bồi dưỡng - đào tạo đội ngũ cán bộ, vừa góp phần cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước sau này.

Thời điểm lịch sử ấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa vinh dự là địa phương đầu tiên được Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Thực hiện nhiệm vụ của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ giao, bằng tình cảm và trách nhiệm của mình, Thanh Hóa đã tổ chức đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tại các địa điểm: Sầm Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa... Địa điểm đầu tiên đón tiếp là Lạch Hới, xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn). Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, việc đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam đã diễn ra chu đáo, thân tình, với tình cảm ruột thịt Bắc - Nam một nhà.

Các đại biểu dự Hội thảo.

Từ ngày 25/9/1954 đến ngày 1/5/1955, Thanh Hóa đã đón tiếp 7 đợt gồm 1.869 thương bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ tập kết ra Bắc. Tỉnh đã chỉ đạo Ty Thương binh mượn nhà dân để thành lập và tổ chức 12 trạm đón tiếp. Ngành y tế đã xây dựng một trạm cấp cứu tại Sầm Sơn, 2 trạm y tế đặt ở 2 xã Hoằng Quang và Hoằng Lộc (Hoằng Hóa), xây bệnh xá ở xã Thiệu Đô (Thiệu Hóa) để kiểm tra sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam. Cùng với việc chuẩn bị cơ sở vật chất đón tiếp, tỉnh đã chỉ đạo các huyện ủng hộ bằng vật chất để giúp đỡ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết.

Ngay khi vừa đặt chân lên mảnh đất Sầm Sơn, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam đã được Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa tiếp đón bằng tất cả sự chân thành, yêu thương và tình cảm ruột thịt. Sống trong vòng tay yêu thương trên đất Bắc, hàng vạn người con phương Nam đã học tập, lao động, công tác, rèn luyện và chiến đấu...

Đáp lại nghĩa tình sâu nặng của nhân dân Thanh Hóa và nhân dân miền Bắc, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết, đã coi Thanh Hóa, coi miền Bắc là quê hương thứ hai của mình, ra sức học tập, lao động, sản xuất, công tác, đóng góp nhiều thành tích vào sự nghiệp thống nhất đất nước. Nhiều cán bộ, thương binh, bệnh binh, con em miền Nam sau khi dưỡng bệnh, học tập, rèn luyện, lại tự nguyện làm đơn lên đường nhập ngũ, kề vai sát cánh cùng đồng chí, đồng đội vào miền Nam chiến đấu giải phóng quê hương. Nhiều học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, sau này đã trở thành những “hạt giống đỏ”, trở thành những cán bộ cốt cán, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; nhiều người công tác ở các bộ, ngành, địa phương; nhiều người trở thành các tướng lĩnh quân đội, công an; trở thành nhà giáo, y bác sỹ, nhà khoa học, nghệ sĩ, doanh nhân thành đạt... đã có những cống hiến, đóng góp to lớn vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.

KHẲNG ĐỊNH CHÂN LÝ "NƯỚC VIỆT NAM LÀ MỘT, DÂN TỘC VIỆT NAM LÀ MỘT"

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức hội thảo với chủ đề: “Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc - 70 năm sâu nặng nghĩa tình”; nhấn mạnh đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Là dịp khẳng định những tình cảm sâu nặng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa và Nhân dân miền Bắc đối với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh Việt Nam tập kết ra Bắc; đồng thời là sự kiện để tỏ rõ tình cảm, sự tri ân của cán bộ, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam đối với Nhân dân Thanh Hóa và nhân dân miền Bắc XHCN.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, tình cảm thân thiết của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa là nguồn sức mạnh cổ vũ, động viên những cán bộ, chiến sĩ, học sinh, các gia đình miền Nam tập kết ra Bắc nỗ lực vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, tích cực học tập, lao động, sản xuất và chiến đấu, góp phần quan trọng để thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ: 70 năm đã trôi qua nhưng tình cảm và trách nhiệm của nhân dân miền Bắc, trong đó có nhân dân tỉnh Thanh Hóa đối với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và các thế hệ học sinh miền Nam tập kết ra Bắc mãi mãi khắc ghi trong lịch sử dân tộc ta, khẳng định chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”; là biểu tượng sinh động về nghĩa tình đồng bào, đồng chí yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh; là bài học kinh nghiệm quý báu về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị:

Thứ nhất, thông qua Hội thảo tiếp tục bổ sung, làm sâu sắc cơ sở khoa học và thực tiễn về một sự kiện quan trọng trong lịch sử cách mạng của Đảng và dân tộc; đồng thời cung cấp thêm nguồn thông tin, tư liệu quý giá phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khẳng định về vị trí, vai trò, tầm vóc của sự kiện tập kết ra Bắc. Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các đại biểu, diễn giả tiếp tục nghiên cứu, khai thác, phát huy, vận dụng các bài học kinh nghiệm về sự kiện lịch sử trọng đại này trong công cuộc đổi mới của đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như công cuộc hội nhập quốc tế.

Thứ ba, các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế; tôn vinh và tri ân các thế hệ cha anh đã có nhiều công lao cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; khẳng định tinh thần đại đoàn kết dân tộc trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Thứ tư, tỉnh Thanh Hóa cần chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công Lễ khánh thành công trình Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc và Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại thành phố Sầm Sơn. Tiếp tục nghiên cứu, đầu tư xây dựng, sưu tầm, bổ sung phong phú tư liệu vào Khu lưu niệm, tạo thành điểm đến tham quan, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Thứ năm, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đoàn kết, chung sức, chung lòng, phát huy trí tuệ, niềm tin và khát vọng, nỗ lực phấn đấu, bứt tốc về đích để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 2025, xây dựng Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng ở phía Bắc của Tổ quốc.

NHẬN THỨC SÂU SẮC VÀ ĐẦY ĐỦ HƠN VỀ TẦM VÓC, GIÁ TRỊ, Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA SỰ KIỆN TẬP KẾT

Các đại biểu thống nhất khẳng định, Hội thảo là dịp để cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc và mãi khắc ghi một sự kiện lịch sử quan trọng trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của đất nước.

Đồng chí Ksor Phước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội phát biểu tham luận.

Trong quá trình chuẩn bị Hội thảo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã nhận được gần 60 báo cáo tham luận của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí nguyên là con em, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc; các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và cơ quan, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Mỗi tham luận gửi đến hội thảo là một công trình nghiên cứu khoa học công phu, tâm huyết của các tác giả, các tập thể, được tiếp cận từ nhiều nguồn sử liệu khác nhau, từ nhiều góc nhìn khác nhau, nhưng tất cả đều khẳng định chủ trương, đường lối vô cùng sáng suốt, đúng đắn của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ kính yêu đối với cuộc chuyển quân này; khẳng định những đóng góp to lớn cả về tinh thần và vật chất của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa nói riêng và các tỉnh miền Bắc nói chung đối với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Đồng thời, khẳng định tình cảm sâu sắc của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam đối với Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa và mhân dân các tỉnh miền Bắc.

Các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận làm sáng rõ hơn tình hình quốc tế, khu vực và đất nước trong bối cảnh thi hành Hiệp định Giơnevơ, để làm sâu sắc thêm tầm nhìn chiến lược, chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc đưa đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc để đào tạo, bồi dưỡng chuẩn bị đội ngũ cán bộ, chiến sĩ vừa góp phần cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc sau này. Đây cũng chính là một luận điểm khoa học sâu sắc về chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng và trong mọi hoàn cảnh.

Cùng với đó, làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tại thời điểm địa phương còn muôn vàn khó khăn, nhưng đã lãnh đạo, chỉ đạo, vận động quân và dân trong tỉnh với tinh thần đoàn kết, cách mạng, sẻ chia, đã huy động cao nhất cả về tinh thần và vật chất để đón tiếp, chăm sóc đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam ngay từ những ngày đầu đặt chân lên mảnh đất Thanh Hóa. Làm rõ thêm những tình cảm sâu nặng của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đối với Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa nói riêng và miền Bắc nói chung. Sự trưởng thành và những đóng góp của các thế hệ học sinh, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN...

Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu kết luận và bế mạc Hội thảo.

Phát biểu kết luận và bế mạc Hội thảo, đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao các tác giả, nhà khoa học đã chuẩn bị tham luận và phát biểu tại hội thảo hết sức công phu, có giá trị khoa học, lý luận thực tiễn sâu sắc; cung cấp nhiều thông tin, tư liệu lịch sử, phản ánh những hy sinh, khó khăn, gian khổ, tái hiện một cách chân thực, khách quan, sinh động về sự kiện lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam; từ đó đề xuất nhiều nội dung, định hướng tiếp tục phát huy giá trị to lớn và bài học lịch sử của sự kiện tập kết ra Bắc, để tạo động lực tiếp thêm sức mạnh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước trong thời kỳ mới.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên trân trọng cảm ơn những tình cảm, sự quan tâm chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng sự tham gia tích cực của các nhà khoa học, các đại biểu dự Hội thảo.

Trên cơ sở tài liệu nghiên cứu tại Hội thảo, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã khái quát lại những kết quả chủ yếu của Hội thảo, đồng thời khẳng định: các đại biểu, nhà khoa học đã khẳng định niềm tin tưởng tuyệt đối của nhân dân cả nước vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; tình cảm thủy chung, son sắt, gắn bó keo sơn, thắm đượm “tình trong một khắc, nghĩa dài trăm năm” của đồng bào miền Nam đối với sự đón tiếp nồng hậu của đồng bào miền Bắc nói chung và nhân dân Thanh Hóa nói riêng, đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần, cổ vũ, động viên các thế hệ học sinh, cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc nỗ lực học tập, công tác, rèn luyện, trưởng thành, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên nêu rõ, sau hội thảo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa sẽ phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các nhà khoa học, các tác giả, các nhân chứng lịch sử để bổ sung, hoàn chỉnh nội dung kỷ yếu Hội thảo, bảo đảm chất lượng tốt nhất để xuất bản cuốn sách “Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc - 70 năm sâu nặng nghĩa tình". Tổ chức phát hành, giới thiệu rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong và ngoài tỉnh được tiếp cận, nghiên cứu, nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn về tầm vóc, giá trị, ý nghĩa của sự kiện lịch sử tập kết, chuyển quân ra Bắc năm 1954-1955.../.

HOÀNG MINH

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất