GS.TS. Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trương Đảng, Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương và PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo còn có các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và Hà Nội.
Phát biểu Đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, ngày 7/11/1917, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản (Bolshevik) Nga, đứng đầu là V.I.Lênin, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã nhất loạt khởi nghĩa, lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản và phản cách mạng, lập nên Nhà nước Xô-viết. Cách mạng Tháng Mười đã thức tỉnh các dân tộc bị áp bức, soi sáng con đường phát triển, xây dựng CNXH. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười khẳng định bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, cung cấp những bài học lịch sử vô giá cho các cuộc cách mạng vì độc lập dân tộc và CNXH.
|
PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu đề dẫn. (Ảnh: TA)
|
Trải qua 105 năm với vô vàn biến thiên lịch sử, Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn là “tiếng thét” giữa đêm dài của chủ nghĩa đế quốc, là ngọn đuốc cho những người bị áp bức trên toàn thế giới noi theo. Cuộc cách mạng vĩ đại là sự chuyển hóa thành công trên thực tế lý luận của chủ nghĩa Mác vào hoàn cảnh thực tế của nước Nga, với lãnh tụ thiên tài V.I.Lênin. Đó cũng là sự mở đầu cho phong trào cách mạng trên toàn thế giới, đặt nền móng cho sự hình thành của hệ thống các nước XHCN. Sự ra đời của nhà nước công nông đầu tiên đã đặt nền móng cho chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong những thập niên 30 - 40 của thế kỷ 20.
Biến động những năm 1990 của thế kỷ trước đã làm cho Liên Xô sụp đổ, các nước XHCN không còn tồn tại với tư cách là một hệ thống. Nhưng không thể phủ nhận, Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng mang sứ mệnh khai sinh ra CNXH hiện thực - một kiểu phát triển xã hội mới, công bằng và dân chủ hơn trên thế giới. Một thế kỷ quá độ đi lên CNXH đã diễn ra với rất nhiều thăng trầm, có cả những thành tựu và cả những đổ vỡ, thất bại. Nhưng cũng từ thực tiễn đó, mỗi nước trên con đường xây dựng CNXH hiện thực đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu và bước đầu xác định trên thực tế một số quy luật của quá trình xây dựng CNXH.
105 năm đã qua theo dòng chảy của lịch sử, nhưng một điều chắc chắn là các bài học của Cách mạng Tháng Mười vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa thời đại. Những bài học đó đã và đang thôi thúc giai cấp công nhân và những người tiến bộ tiếp tục cống hiến, hy sinh không mệt mỏi trong cuộc đấu tranh để xây dựng một thế giới hòa bình, dân chủ, công bằng, văn minh, bình đẳng, bác ái, không còn áp bức, bóc lột, không còn những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến xung đột, chiến tranh - đó là xã hội XHCN.
Đối với Việt Nam, cuộc Cách mạng Tháng Mười có ý nghĩa quan trọng, khích lệ các tầng lớp nhân dân đứng lên tiếp tục công cuộc đấu tranh giành độc lập, ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự ra đời của phong trào cách mạng giải phóng ở Việt Nam. Hơn thế nữa, không chỉ là nguồn cổ vũ to lớn đối với cách mạng Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười Nga đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý giá.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các diễn giả đã tập trung thảo luận 3 nội dung chính, đó là:
Thứ nhất, giá trị lý luận và thực tiễn của Cách mạng Tháng Mười Nga. Trong nội dung này, các nhà khoa học tập trung vào phân tích chân lý của Cách mạng Tháng Mười Nga; ý nghĩa thời đại, bài học từ Cách mạng Tháng Mười Nga và những quan điểm, tư tưởng, giá trị cốt lõi của Lênin về vấn đề dân tộc, vấn đề thuộc địa; bài học về công tác tư tưởng nhìn từ sự thay đổi chế độ chính trị xã hội ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu; Cách mạng Tháng Mười Nga và bài học tự bảo vệ…
Thứ hai, Cách mạng Tháng Mười Nga với Cách mạng Việt Nam. Đối với nội dung này, các nhà khoa học tập trung làm rõ hơn các vấn đề: Cách mạng Tháng Mười Nga và ảnh hưởng đối với Việt Nam; sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô đối với Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược; sự vận dụng, phát triển sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đối với những bài học từ Cách mạng Tháng Mười Nga và những quan điểm, tư tưởng, giá trị cốt lõi của Lênin về vấn đề dân tộc, vấn đề thuộc địa vào thực tiễn cách mạng Việt Nam…
Thứ ba, Cách mạng Tháng Mười Nga và thời đại ngày nay. Để làm rõ hơn nội dung này, các nhà khoa học tập trung phân tích những vấn đề như: Những nhận thức mới về thời đại ngày nay, nhất là trước tác động của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine, những vấn đề đặt ra đối với nước ta; từ giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến gợi mở đối với Việt Nam; những yêu cầu mới đặt ra đối với việc nhận thức, giải quyết vấn đề dân tộc, vấn đề thuộc địa; những bổ sung, phát triển nhận thức lý luận mới và giá trị tham khảo về vấn đề dân tộc, vấn đề thuộc địa vào thực tiễn cách mạng Việt Nam trong bối cảnh mới...
Phát biểu kết luận Hội thảo, GS. TS. Phùng Hữu Phú nhấn mạnh, trong thời gian tồn tại trên thực tế từ năm 1917 đến năm 1991, tròn 105 năm đã trôi qua, Cách mạng Tháng Mười và sự ra đời của Liên bang Xô viết đã có những đóng góp, những giá trị, tầm vóc, đóng góp to lớn không thể phủ nhận đối với tiến trình lịch sử của nhân loại. Từ sự tồn tại và phát triển của Liên bang Xô viết, chúng ta có "mảnh đất hiện thực" để từ đó nhận thức được những giá trị cơ bản của Cách mạng Tháng Mười - những giá trị không chỉ biểu hiện tính ưu việt của Cách mạng Tháng Mười mà còn là những động lực cho sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn nhận thức sâu sắc rằng, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười là niềm vinh hạnh và tự hào của chính mình.
“Qua hội thảo, qua ý kiến phát biểu tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, có thể khẳng định giá trị to lớn có ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga dù đã trải qua 105 năm vẫn vẹn nguyên cả về giá trị lý luận và thực tiễn cho tới ngày hôm nay; khẳng định tác động, ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với Cách mạng Việt Nam, từ đó khẳng định một lần nữa con đường mà cách mạng Việt Nam lựa chọn là đúng đắn, phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch, phủ nhận thành quả của Cách mạng Tháng Mười Nga của các thế lực thù địch; trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và tác động của hậu Covid, dù thời cuộc có thay đổi khôn lường nhưng giá trị của Cách mạng Tháng Mười vẫn là ngọn đuốc soi đường cho quá khứ, hiện tại và tương lai, chúng ta cần luôn kiên định, vận dụng sáng tạo những chân lý, bài học về phát huy ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh dân tộc gắn với sức mạnh quốc tế, phát triển đất nước đi liền với tự bảo vệ, giữ gìn hoà bình độc lập, dân tộc”, PGS. TS. Phùng Hữu Phú khẳng định.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từng nói: "Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.
Hơn một thế kỷ đã trôi qua, nhưng tinh hoa, giá trị thời đại của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn tỏa sáng, là nguồn động lực lớn thôi thúc và khơi dậy tinh thần cách mạng của nhân dân tiến bộ toàn thế giới, trong đó có nhân dân Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam trên con đường đổi mới để bảo vệ và phát triển đất nước, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế./.
Tin. ảnh: Nhật Minh