(TG) - Ngày 24/12/2012, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 53-KL/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (khóa XVI) xác định mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm là: xây dựng Khánh Hòa trở thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương; xây dựng đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong.
Thực hiện Kết luận số 53 của Bộ Chính trị, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã tập trung nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện. Kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng; từng bước khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, nhất là phát triển du lịch và kinh tế biển. Giai đoạn 2013-2016, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 5,86%/năm; thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng bình quân 16,7%/năm, là một trong 16 tỉnh có đóng góp ngân sách Trung ương, (riêng năm 2017, thu ngân sách ước đạt 18.685 tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm 2016 và bằng 125,7% dự toán (Nghị quyết HĐND tỉnh là 17.260 tỷ đồng); toàn tỉnh có 322 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 114.033 tỷ đồng, vốn đã thực hiện khoảng 45.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 104.432 tỷ đồng, tăng bình quân 12,6%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 4.413 triệu USD; doanh thu dịch vụ - du lịch đạt gần 240.269 tỷ đồng, tăng bình quân 15,5%/năm; tăng trưởng du lịch bình quân đạt từ 15 đến 25%/năm; sản xuất công nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định, bình quân tăng 7,8%/năm.
Thực hiện mục tiêu trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, trong đó Nha Trang là đô thị hạt nhân, Khánh Hòa tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư các dự án nhằm tạo động lực liên kết phát triển toàn vùng; một số dự án quan trọng đã đưa vào sử dụng như: mở rộng Quốc lộ 1A, Hầm đường bộ Đèo Cả vốn đầu tư 11.300 tỷ đồng; một số dự án trọng điểm đang triển khai như: đường Cao Bá Quát - cầu Lùng vốn đầu tư 1.418 tỷ đồng, đường Phong Châu vốn đầu tư 753 tỷ đồng, Đường cất hạ cánh số 2 - Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh vốn đầu tư 1.936 tỷ đồng...
Hiện nay, Nha Trang là đô thị loại I, Cam Ranh là đô thị loại III, có 3 đô thị loại IV, 4 đô thị loại V và 8 khu vực xã được công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại V. Tất cả các đô thị đã có quy hoạch chung được phê duyệt và quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đang dần được phủ kín; quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành 100% (toàn tỉnh có 94 xã xây dựng xã nông thôn mới, có 9 xã đạt 19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí mới; số tiêu chí đạt chuẩn bình quân chung toàn tỉnh là 12 tiêu chí/xã). Khánh Hòa đạt 60,15 điểm trên thang điểm từ 75-100 điểm theo tiêu chí đô thị trực thuộc Trung ương.
|
Một góc Vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa |
Sau khi Chính phủ công nhận là đô thị loại I, thành phố Nha Trang đã hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2025 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khu vực phía Đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng được quy hoạch với định hướng phát triển công viên cây xanh, phát triển không gian công cộng phục vụ cộng đồng, khách du lịch, nâng tầm phát triển trở thành trung tâm du lịch quốc gia, quốc tế...
Nha Trang được chọn để triển khai thí điểm, tạo dựng cơ sở dữ liệu chính quyền điện tử, hướng đến xây dựng mô hình thành phố thông minh; đang tiến hành công tác lập quy hoạch, đầu tư Cảng Nha Trang thành cảng du lịch quốc tế; quy hoạch tổng thể hạ tầng giao thông khu vực phía Nam Nha Trang nhằm giải quyết ùn tắc giao thông hiện nay, tạo cho bộ mặt thành phố văn minh, hiện đại. Nhiều khu đô thị mới được hình thành như: Vĩnh Điềm Trung, VCN Phước Hải, Phước Long, Mỹ Gia... Nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng biển có thương hiệu như: Vinpearl, Diamond Bay, Ana Mandara, Amiana...
Là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, Khu kinh tế Vân Phong thu hút 128 dự án trong nước, 27 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 4,02 tỷ USD, vốn đã thực hiện là 635 triệu USD; trong đó có 78 dự án đã hoạt động; 77 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng. Đặc biệt, đã thỏa thuận chủ trương đầu tư cho dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong với tổng vốn 4,8 tỷ USD. Đây là dự án FDI quan trọng tại khu vực Nam Vân Phong. Các dự án được triển khai đi vào vận hành đã giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều lao động, đóng góp lớn vào nguồn ngân sách của Tỉnh nhà, thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.
Hiện nay, Thủ tướng chính phủ đã đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh Khánh Hòa tổ chức triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu vực Bắc Vân Phong theo định hướng phát triển thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Khánh Hòa (khóa VI) đã ra Nghị quyết tán thành Đề án của UBND tỉnh về thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong và giao UBND tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền theo quy định. Khi Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua, thì trong tương lai không xa hình hài của Đặc khu sớm được hình thành tại Bắc Vân Phong, tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh và trong vùng có bước phát triển mới.
Năm 2017, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tỉnh Khánh Hòa cũng đã cố gắng vượt qua và gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp. Đây là cơ sở để cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong tỉnh Khánh Hòa bước vào năm mới Mậu Tuất 2018 càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự đồng lòng, hợp sức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh. Với khí thế mới, xung lực mới, Khánh Hòa nỗ lực phấn đấu để đạt được mục tiêu trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương vào năm 2025 và với quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh thì Đặc khu Hành chính - Kinh tế Bắc Vân Phong sẽ sớm được hình thành theo định hướng trở thành hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo động lực tác động lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực miền Trung và cả nước./.
Hồng Thu