Thứ Ba, 17/9/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 25/4/2010 8:50'(GMT+7)

Khánh thành cầu Cần Thơ:Động lực mới để đồng bằng sông Cửu Long cất cánh

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, TP. Cần Thơ, các địa phương thuộc ĐBSCL và hàng nghìn đồng bào TP Cần Thơ đã hòa chung niềm vui khi cây cầu mơng ước nối đôi bờ sông Hậu.

 Ước mơ ngàn đời thành hiện thực

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Cầu Cần Thơ không chỉ có ý nghĩa to lớn về kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội và quốc phòng an ninh quan trọng đối với miền Tây Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước; là một biểu tượng sinh động trong tiến trình CNH – HĐH đất nước và đã hiện thực hoá ước mơ ngàn đời nay của đồng bào hai bờ sông Hậu cũng như nhân dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Cầu Cần Thơ từ đây sẽ tăng cường sự thông thương thuận lợi giữa TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ với các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh Tây Nam Bộ trực tiếp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh khu vực phía Nam sông Hậu với trên 16 triệu dân.

Cầu Cần Thơ từ nay đã nối liền đôi bờ sông Hậu. Ảnh: Chinhphu.vn

Từ nay, toàn bộ tuyến đường bộ quốc lộ 1 từ Lạng Sơn đến Cà Mau được nối liền vì không còn bến phà nào nữa. Cầu Cần Thơ được khánh thành vào dịp cả nước kỷ niệm 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước - ngày “giang sơn quy về một mối” làm niềm vui của chung của nhân dân cả nước được nhân lên bội phần.

Cây cầu của tình hữu nghị Việt – Nhật

Thủ tướng cho biết, trong nhiều năm qua, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã dành cho Việt Nam những sự giúp đỡ to lớn, trong đó có nguồn vốn vay ODA ưu đãi giúp Việt Nam xây dựng và phát triển kinh tế, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông vận tải. Cây Cần Thơ được khánh thành hôm nay là biểu hiện sinh động của tình hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi lời cảm ơn chân thành tới Chính phủ và Nhân dân Nhật Bản về sự giúp đỡ thiết thực và quý báu này.

Thủ tướng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và những nỗ lực vượt khó khăn của Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA cùng Liên danh Tư vấn Giám sát Nippon - Koei – Chodai, các nhà thầu xây dựng Nhật Bản và đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân Việt Nam  và Nhật Bản đã sát cánh bên nhau hoàn thành xây dựng cầu Cần Thơ, đáp ứng sự mong đợi ngàn đời của bà con ĐBSCL và nhân dân cả nước. 

Niềm vui của Thủ tướng và các vị đại biểu hòa chung
niềm vui của đồng bào trong ngày khánh thành cầu Cần Thơ. Ảnh: Chinhphu.vn

 Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu, nối TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long, quy mô gấp 3 lần so với cầu Mỹ Thuận qua sông Tiền; mặt cắt ngang của cầu rộng quy mô 4 làn xe ô tô và 2 làn xe máy; tốc độ thiết kế 80km/giờ. Đây là cây cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á;

Toàn tuyến dự án cầu Cần Thơ dài 15,85km; tổng mức đầu tư 4.832 tỷ đồng (thời điểm 2001) từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (khoảng 15%).

Thủ tướng tin tưởng, với công nghệ hiện đại và kinh nghiệm quý báu có được trong quá trình xây dựng cầu Cần Thơ, đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư và công nhân Việt Nam sẽ có những trưởng thành vượt bậc, đóng góp ngày càng hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng cầu đường, phát triển hệ thống giao thông ở Việt Nam.

Ghi nhận những đóng góp cho cầu Cần Thơ

Xúc động khi nói về các kỹ sư, công nhân không may đã tử nạn trong quá trình xây dựng cầu Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong rằng, qua bài học xương máu này, ngành xây dựng cầu đường chúng ta có thêm nhiều kinh nghiệm trong công tác tổ chức quản lý, thiết kế, xây dựng… để việc xây dựng cầu đường tới đây được an toàn, bảo đảm chất lượng, từng bước vươn lên làm chủ công nghệ và kỹ thuật, xây dựng được nhiều cây cầu khác không chỉ bằng mà sẽ lớn và đẹp hơn cầu Cần Thơ.

Thủ tướng biểu dương sự cống hiến của các thế hệ tài công, thủy thủ, lãnh đạo, cán bộ công nhân viên qua các thời kỳ của bến phà Cần Thơ trước đây và của Cụm phà Hậu Giang hôm nay. Thủ tướng đặc biệt ghi nhận sự trưởng thành trong khó khăn từ sau ngày miền Nam giải phóng của Khu Quản lý đường bộ VII thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam từ khi còn là Sở Giao bưu vận Tây Nam Bộ đến nay.

Công trình phải được bảo vệ tuyệt đối an toàn

Cầu Cần Thơ được đưa vào khai thác sử dụng không chỉ là một công trình giao thông trọng điểm thuần túy mà còn là một công trình, một cảnh quan du lịch nhiều tiềm năng, vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm của Trung ương và các địa phương liên quan cùng mỗi người dân cần quan tâm chăm lo bảo quản và bảo vệ an toàn tuyệt đối cho công trình, phát huy các lợi thế  có được từ cây cầu này để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thiết thực vào phát triển của đất nước, phát triển của các địa phương. 

Với niềm vui, phấn khởi và tự hào, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng long trọng tuyên bố khánh thành và thông xe, chính thức đưa cầu Cần Thơ vào sử dụng.

*Trước đó, cũng trong sáng 24/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng,  nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và lãnh đạo các Bộ, Ban ngành Trung ương, các tỉnh ĐBSCL, TP. Cần Thơ đã dự, cắt băng khai mạc “Hội chợ Thủy sản Việt Nam 2010”. 

Hội chợ có 250 doanh nghiệp tham gia với 500 gian hàng về sản xuất và kinh doanh thủy sản. Trong khuôn khổ Festival Thủy sản Việt Nam và Hội chợ này, Ban Tổ chức sẽ xét chọn giải thưởng “Doanh nghiệp tiêu biểu ngành Thủy sản Việt Nam năm 2009” nhằm tôn vinh các doanh nghiệp xuất sắc trong sản xuất kinh doanh, chủ động tìm kiếm thị trường, mạnh dạn áp dụng các công nghệ tiên tiến, không gây ô nhiễm môi trường…

(Theo Chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất