Thứ Năm, 19/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 23/4/2010 15:58'(GMT+7)

Kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước:Chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch - Mốc son lịch sử của quân dân Khu 9

Sáng 23/4, tỉnh Hậu Giang phối hợp cùng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Quân khu 9 và các tỉnh thành phố thuộc Quân khu 9 long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 37 năm Chiến thắng 75 lượt Tiểu đoàn địch, gắn với kỷ niệm 35 năm ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

Dự Lễ kỷ niệm có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Công an, Quân khu 9, tỉnh Hậu Giang, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, các Bộ, Ban, ngành Trung ương, các tỉnh thành phố thuộc ĐBSCL, gần 20 nghìn đồng bào và lực lượng vũ trang Hậu Giang.

Đây là lần đầu tiên, sự kiện này được tổ chức kỷ niệm trọng thể với quy mô cấp quân khu. Có 37 khối diễu binh, diễu hành của Hậu Giang và một số địa phương liên quan. Không gian buổi lễ được tổ chức trên bộ, trên sông và cả trên không (máy bay).

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Lễ kỷ niệm 37 năm chiến thắng 75 lượt Tiểu đoàn địch thực hiện chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”, “bình định lấn chiếm” tại địa bàn Chương Thiện (Hậu Giang) và 35 năm ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất Đất nước là việc làm thiết thực, có ý nghĩa rất quan trọng, để mỗi người hiểu biết sâu sắc thêm, trân trọng giữ gìn và phát huy về những giá trị lịch sử, truyền thống anh hùng chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ Quốc của dân tộc; để tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân đối với các anh hùng, liệt sỹ, đồng chí, đồng bào đã anh dũng hy sinh, đóng góp bằng xương bằng máu và công sức to lớn của mình cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Chiến thắng tạo bước ngoặt cho cuộc Tổng phản công trên địa bàn Khu 9

Năm 1973, do bị thất bại nặng nề trên chiến trường và trên mặt trận đối ngoại, Mỹ và chính quyền nguỵ Sài Gòn buộc phải ký kết Hiệp định Pari (27/1/1973), công nhận chủ quyền Việt Nam; buộc phải chấp nhận rút hết đội quân xâm lược và đồng minh của Mỹ về nước. Nhưng ngay sau khi Hiệp định Paris được ký, Mỹ đã ồ ạt viện trợ tiền bạc và vũ khí cho chính quyền nguỵ Sài Gòn để tiến hành “Kế hoạch tràn ngập lãnh thổ”, phá hoại Hiệp định, chiếm đất, giành dân, xoá vùng giải phóng, tiêu diệt lực lượng và cơ sở cách mạng.

Trên địa bàn Khu 9, địch đã tăng cường càn quét lấn chiếm rất ác liệt với hàng trăm tiểu đoàn của nhiều sư đoàn, trung đoàn, lữ đoàn chủ lực của địch, với các loại máy bay chiến đấu hiện đại, với các loại bom pháo rải thảm dày đặc, khốc liệt. Đặc biệt, chúng đã tập trung vào bình định lấn chiếm khu vực Chương Thiện.

Trong bối cảnh cực kỳ ác liệt và phức tạp đó, Khu ủy và Quân khu uỷ khu 9 đã ra chỉ thị: Địch vi phạm Hiệp định chúng ta phải trừng trị, không chấp nhận ngừng bắn, tư tưởng tiến công vẫn là nguyên tắc chỉ đạo... phải tiếp tục tiến công để giành đất, giành dân, giành quyền làm chủ.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đây chính là nhân tố có ý nghĩa quyết định để quân và dân Khu 9 làm nên chiến thắng 75 lượt Tiểu đoàn của địch thực hiện chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ” bình định lấn chiếm sau Hiệp định Paris (1973) tại địa bàn Chương Thiện.

Chiến thắng to lớn ở Chương Thiện tạo động lực và mở ra bước ngoặt rất quan trọng cho cuộc tổng phản công trên tất cả các địa bàn để bảo vệ dân, giữ đất, tiêu hao tiêu diệt sinh lực địch và mở rộng vùng giải phóng và tiến lên giải phóng toàn bộ địa bàn Khu 9.

Chiến thắng của tinh thần đoàn kết quân dân

Thủ tướng nhận định: Chiến thắng Chương Thiện là một thực tiễn trên chiến trường rất quý báu góp phần quan trọng để Trung ương đánh giá, nhận định về xu thế và khả năng tất yếu của sự sụp đổ của chế độ Mỹ - Ngụy và đề ra Nghị quyết số 21, đưa cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Chiến thắng Chương Thiện còn là một đóng góp thiết thực vào bước chuẩn bị cho đợt tổng phản công và tổng tiến công, nổi dậy mùa xuân năm 1975 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giành thắng lợi trọn vẹn, kết thúc vẻ vang Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.

Thủ tướng nhấn mạnh chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn của địch ở địa bàn Chương Thiện năm 1973 là thắng lợi của sự lãnh đạo và chỉ huy sáng tạo, tài tình của Đảng mà trực tiếp là Khu uỷ và Quân Khu uỷ Khu 9, là chiến thắng của tinh thần đoàn kết gắn bó – quân với dân là một, là chiến thắng của tinh thần chiến đấu anh dũng ngoan cường của các lực lượng vũ trang - đặc biệt là của các đơn vị chủ lực của Quân Khu.

Chiến thắng vẻ vang và vinh quang này trước hết thuộc về các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng LLVT, các Liệt sỹ, Thương binh, các cán bộ chiến sỹ và đồng bào ta - những người đã trực tiếp chiến đấu. Chúng ta mãi mãi ghi nhớ và biết ơn những người con ưu tú của dân tộc ta đã trực tiếp làm nên thắng lợi oanh liệt này và đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Theo Thủ tướng, trong chiến thắng này có sự đóng góp công lao to lớn của Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Ban chấp hành TW Đảng, nguyên Chủ tịch nước nước CHXHCNVN, nguyên cố vấn Ban chấp hành TW Đảng CSVN, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên là Tư lệnh Quân khu 9; của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Khu uỷ - kiêm Chính uỷ Quân khu 9,  Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9 và cũng là người cán bộ chỉ huy Trung đoàn I bộ binh của Quân khu 9 trực tiếp chiến đấu và chiến thắng trên địa bàn Chương Thiện năm 1973…

Đi lên từ lịch sử hào hùng

Tự hào với chiến thắng Chương Thiện, chiến thắng 30/4/1975, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng phải cùng nhau giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, của quân đội ta, khơi dậy mạnh mẽ mọi tiềm năng, lợi thế, ý chí, tài năng và sức mạnh tổng hợp của nhân dân ta để phát triển đất nước nhanh và bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta là xây dựng nước ta nước Việt Nam XHCN Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đặc biệt, đối với Hậu Giang, từ một tỉnh có rất nhiều khó khăn, điểm xuất phát thấp so với các tỉnh trong vùng, đã phấn đấu đạt nhiều kết quả tích cực; cơ sở hạ tầng phát triển khá nhanh, các chính sách xã hội và xóa đói giảm nghèo được quan tâm tốt hơn, song chưa thể bằng lòng mà cần phải nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh giáo dục và đào tạo nguồn nhân có chất lượng; ứng dụng mạnh mẽ  khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống, nhất là nông nghiệp, thuỷ sản …

Thủ tướng tin tưởng, Đảng bộ và quân dân các tỉnh ĐBSCL, trong đó có Hậu Giang sẽ quán triệt sâu sắc, thực hiện sáng tạo các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, huy động mọi nguồn lực, phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp, phát triển nhanh, bền vững; xây dựng quê hương giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống vẻ vang, truyền thống anh hùng, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Phong Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, 6 năm qua (kể từ khi tách tỉnh), từ một tỉnh nghèo, thuần nông, cơ sở hạ tầng thấp kém, hộ nghèo trên 23%, nhưng với chủ trương phù hợp, Hậu Giang đã đạt mức tăng trưởng khá cao.

GDP tăng trưởng đạt mức bình quân 12%, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 5 triệu đồng (năm 2004) lên 14 triệu đồng (năm 2009); sản lượng lúa hàng hóa trên 1 triệu tấn/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn hơn 10%; vận động được trên 400 tỷ đồng và xây dựng trên 20.000 căn nhà tình nghĩa, tình thương cho gia đình chính sách, hộ nghèo; hình thành công viên văn hóa và mở mang nhiều cụm, khu công nghiệp mới…

Ông Quang nêu rõ, phát huy tinh thần chiến thăng 75 lượt tiểu đoàn địch và ngày toàn thắng 30/4/1975, Hậu Giang sẽ ra sức thực hiện thắng lợi các mục mục tiêu kinh tế - chính trị - xã hội đã đề ra, nhằm đền ơn đáp nghĩa với người đã đổ máu cho vùng đất nghèo khó này, đồn thời để tỉnh vươn tới, xứng đáng với địa bàn tiểu vùng Tây sông Hậu.

Ôn lại lịch sử hào hùng, Trung tướng Trần Phi Hổ, Tư lệnh quân khu 9 cho biết: Cách đây 37 năm, ngày 28/1/1973, khi Hiệp định Paris có hiệu lực nhưng chiến sự vẫn diễn ra quyết liệt. Ta vẫn bám giữ các vị trí then chốt và chấp hành nghiêm chỉnh Hiệp định, ngược lại địch càng vi phạm nghiêm trọng. Chương Thiện một tỉnh do địch lập ra, hiện nay là Hậu Giang và một số địa phương xung quanh, nằm ở “vùng ruột”, trung tâm vùng Nam sông Hậu, là nơi có vị trí quan trọng về mặt quân sự. Chiếm được vùng này, địch sẽ làm bàn đạp đánh phá U Minh (căn cứ địa cách mạng ở miền Tây) và các tỉnh xung quanh, đồng thời bảo vệ được thành phố Cần Thơ – Trung tâm đầu não của địch ở Vùng 4 chiến thuật. Vì vậy, cuộc chiến đấu giữa ta và địch trên địa bàn Chương Thiện, trước khi có Hiệp định đã gay go, quyết liệt; sau khi có Hiệp định, càng gay go, quyết liệt hơn. Thực tiễn trên địa bàn Quân khu 9 không có ngừng bắn, súng vẫn nổ, chiến tranh vẫn tiếp diễn.

Giữa tháng 3/1973, địch mở màn kế hoạch bình định bằng cuộc hành quân với lực lượng 30 tiểu đoàn, 52 xe thiết giáp M113, 4 tiểu đoàn pháo binh đánh vào Tây nam Long Mỹ nhằm bịt cửa ngõ U Minh và đẩy quân ta ra khỏi Chương Thiện. Đến cuối tháng 4/1973, địch tăng quân số lên 46 tiểu đoàn. Sang bước 2, địch tiếp tục tập trung quân lên đến 75 lượt tiểu đoàn nhằm “tràn ngập lãnh thổ”, bình định lấn chiếm Chương Thiện; cô lập, “nhổ cỏ U Minh”. nhưng đã bị quân dân ta chặn đánh quyết liệt. Khi ta mở đợt tiến công giải phóng Long Phú (Long Mỹ) và nhiều mục tiêu quan trọng khác thì kế hoạch bình định Chương Thiện năm 1973 của địch bị ta tiêu diệt hoàn toàn.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất