Chủ Nhật, 6/10/2024
Đời sống
Thứ Tư, 28/10/2015 0:53'(GMT+7)

Khảo sát các tuyến điểm du lịch miền Trung

Quang cảnh buổi tọa đàm tại tỉnh Thanh Hóa

Quang cảnh buổi tọa đàm tại tỉnh Thanh Hóa


Nhằm hỗ trợ các tỉnh khu vực miền Trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, tuyên truyền giới thiệu du lịch đến với đông đảo bạn đọc trong nước và quốc tế, Từ ngày 21 đến 26/10, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL (TCDL), Hội Nhà báo Việt Nam đồng chủ trì và phối hợp với các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam tổ chức chương trình khảo sát tuyến, điểm du lịch thuộc khu vực miền Trung. Đoàn khảo sát còn có sự tham dự của  các đơn vị chức năng; Cục Báo chí (Bộ TTTT); Hội Nhà báo Việt Nam; lãnh đạo và phóng viên các cơ quan báo chí…

Trong khuôn khổ chương trình, đoàn khảo sát đã trao đổi thông tin với UBND, Sở VHTTDL, Trung tâm Xúc tiến Du lịch các địa phương về tình hình phát triển du lịch địa phương, các điểm đến và dịch vụ; tình hình thực hiện Nghị quyết 92/NQ-CP 2014
về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới và Chỉ thị 14/CT-TTg 2015 quản lý nhà nước tập trung khắc phục yếu kém thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương và định hướng trong công tác phối hợp tuyên truyền hoạt động du lịch. Thông qua khảo sát, các cơ quan quản lý, truyền thông và các nhà báo, phóng viên có điều kiện thâm nhập thực tế, tìm hiểu rõ hơn về tiềm năng, lợi thế của du lịch các tỉnh miền trung, đồng thời giúp các địa phương tổ chức tốt hơn các hoạt động du lịch trong thời gian tới.

Trong hai ngày 24 và 26/10, tại thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) và thành phố Vinh, (Nghệ An), sau khi khảo sát, tham quan một số điểm du lịch của tỉnh, Đoàn đã có các buổi tọa đàm với UBND tỉnh, Sở VHTTDL và các cơ quan báo chí, doanh nghiệp du lịch dịch vụ của của hai tỉnh, nắm rõ toàn diện hơn về triển vọng hoạt động du lịch và những bất cập, khó khăn cần phải khắc phục, nhất là trong công tác quảng bá, tuyên truyền hình ảnh du lịch của tỉnh trên báo chí để ngành Du lịch của các tỉnh này tạo được cơ hội phát triển tốt hơn. Đây cũng là những điểm cuối cùng của đợt khảo sát.

Qua các buổi tọa đàm cho thấy, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của các địa phương, ngành du lịch của Thanh Hóa và Nghệ An đã có bước phát triển mạnh mẽ với nhiều khởi sắc, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thu hút đầu tư; tạo nhiều việc làm; xóa đói giảm nghèo; nâng cao dân trí; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc và địa phương; xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước, con người của tỉnh với bạn bè trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu như tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến các tỉnh, thu nhập xã hội từ du lịch, tỷ lệ đóng góp của ngành du lịch trong GDP và năng lực cạnh tranh của du lịch trong tỉnh còn thấp so với nhiều tỉnh khác trong nước, thậm chí là các tỉnh lân cận.

Tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch trong tỉnh còn thấp, làm cho chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Môi trường du lịch, vệ sinh, an toàn chậm được cải thiện, sức cạnh tranh còn thấp, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và chưa thực sự hướng tới phát triển bền vững.

Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nhiều sở, ngành, chính quyền các cấp trong tỉnh, đặc biệt là người đứng đầu chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc triển khai kịp thời, quyết liệt, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và của UBND tỉnh; một số tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch chấp hành chưa nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh du lịch, cạnh tranh không lành mạnh; vai trò của các hiệp hội du lịch chưa được phát huy đầy đủ...

Mặt khác, nhận thức về phát triển du lịch ở nhiều nơi còn hạn chế; phối hợp liên ngành chưa hiệu quả; hiệu quả hoạt động xúc tiến quảng bá chưa cao, chưa tận dụng hết sự đóng góp của báo chí... Đây cũng là tình trạng chung được Đoàn đánh giá qua khảo sát tuyến du lịch của hầu hết các tỉnh thuộc miền Trung trong đợt này.

Kết thúc đợt khảo sát, Đoàn sẽ tiếp tục nghiên cứu, sớm hoàn thiện báo cáo đánh giá thực trạng và kiến nghị với các cơ quan chỉ đạo, quản lý phát triển du lịch Trung ương về các giải pháp tăng cường hỗ trợ thúc đẩy du lịch các tỉnh miền Trung ngày càng phát triển phong phú đa dạng hơn, đặc biệt hỗ trợ công tác tuyên truyền, quảng bá trên báo chí giúp các tỉnh quảng bá hoạt động du lịch và hình ảnh của địa phương được rộng rãi và thiết thực.

PV

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất