Trong nền kinh tế quốc dân, không chỉ các thành phần kinh tế, các ngành kinh tế đóng vai trò quan trọng, mà từng địa phương cũng là những cấu thành quan trọng không kém. Kinh tế của mỗi địa phương phát triển tốt sẽ giúp kinh tế cả nước phát triển tốt và ngược lại.
Bởi vậy, lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm lớn để khích lệ,
động viên các địa phương phát triển kinh tế. Không chỉ ngồi nghe lãnh
đạo các địa phương báo cáo qua giấy tờ và qua các cuộc họp ở Trung ương,
lãnh đạo Đảng, Nhà nước còn thường xuyên về làm việc trực tiếp tại mỗi
địa phương, trực tiếp thị sát, trực tiếp tìm hiểu thuận lợi, khó khăn
của từng địa phương, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của địa
phương, cùng địa phương tìm ra phương hướng phát triển kinh tế hiệu quả
nhất.
Tuy nhiên, sự phát triển của mỗi địa phương đang không đồng đều, thậm
chí có sự chênh lệch rất lớn. Không phải địa phương nào cũng thuận lợi
về vị trí địa lý, địa hình, trữ lượng tài nguyên khoáng sản hay có xuất
phát điểm tốt. Thực tế, những địa phương có sự năng động, chủ động cao
thường bứt phá rất nhanh. Có địa phương bằng nỗ lực của chính mình đã
tạo ra sức hút với các nhà đầu tư, thu hút các nguồn vốn trong và ngoài
nước đầu tư vào địa phương mình, tạo sự khác biệt với những địa phương
thụ động, chủ yếu trông chờ vào sự quan tâm của cấp trên, nhất là trông
chờ vào sự đầu tư từ ngân sách Trung ương.
Một trong những phương thức rất hữu hiệu để các địa phương thu hút được
các nhà đầu tư là phát huy thế mạnh và không ngừng tạo ra thế mạnh cho
địa phương (điều kiện cần), đồng thời quảng bá những thế mạnh ấy đến với
các nhà đầu tư (điều kiện đủ). Không ít địa phương có nhiều thế mạnh
tiềm năng và họ cũng đã tự tạo ra những thế mạnh riêng, như tạo thuận
lợi về môi trường, thủ tục đầu tư, hay xây dựng những cơ chế ưu đãi để
thu hút vốn đầu tư. Tuy nhiên, do chưa làm tốt công tác quảng bá nên
thông tin hấp dẫn không đến được với các nhà đầu tư. Bởi thế, lượng
doanh nghiệp tìm tới địa phương chưa nhiều.
Muốn thu hút vốn đầu tư, mỗi địa phương cần nỗ lực liên tục để không bị
tụt hậu về sức hấp dẫn đầu tư của địa phương mình, đồng thời phải rất
chủ động, năng động trong việc quảng bá sức hấp dẫn ấy thông qua nhiều
cách thức, như tổ chức hiệu quả các cuộc xúc tiến đầu tư; tăng cường đối
thoại với các nhà đầu tư; mở rộng các kênh chuyển tải và tăng liều
lượng thông tin, gửi thông điệp tới các nhà đầu tư; thậm chí có thể chủ
động tìm đến các diễn đàn dành cho các nhà đầu tư để quảng bá về địa
phương mình…
Bên cạnh việc không ngừng tự tạo ra và quảng bá về sức hấp dẫn, các địa
phương cần phải bảo đảm rằng, sức hấp dẫn ấy là có thật, tránh trường
hợp chủ trương nêu ra rất tốt, nhưng khi triển khai thực hiện lại vướng
mắc về thể chế và bị hạn chế bởi yếu tố con người. Nếu để nhà đầu tư
nghe giới thiệu, quảng bá thì hấp dẫn nhưng khi "thực mục sở thị" lại
không như kỳ vọng sẽ dẫn đến thất vọng, khó tránh khỏi “một lần bất tín,
vạn lần bất tin”, việc thuyết phục các nhà đầu tư ở những lần sau đó sẽ
cực kỳ khó khăn.
Mong rằng mỗi địa phương sẽ ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của
mình trong cấu thành chung của nền kinh tế đất nước, luôn nỗ lực hết
mình để làm bạn, đồng hành cùng các nhà đầu tư trong kiến thiết, phát
triển kinh tế địa phương. Địa phương nào cũng làm được như vậy, kinh tế
Việt Nam mới mong sớm hóa hổ, hóa rồng.../.
Chiến Thắng (qdnd.vn)