Với mục tiêu xây dựng xã Khun Há trở thành điểm du lịch cộng đồng và xã nông thôn mới của huyện Tam Đường (Lai Châu), ngoài sự đầu tư của Nhà nước, bà con dân bản đã dốc sức, đồng lòng làm thay đổi bộ mặt nông thôn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Dân được hưởng lợi từ chính sách đầu tư của Nhà nước, tỷ lệ đói nghèo giảm, đời sống bà con ngày một khấm khá.
* “…Khó vạn lần dân liệu cũng xong”
Theo ông Đỗ Trọng Thi, Bí thư Đảng ủy xã Khun Há, được huyện chọn xây dựng thành điểm du lịch cộng đồng và xã nông thôn mới, cán bộ chủ chốt trong xã họp bàn và không khỏi lo lắng. Khun Há là một xã nghèo, đời sống của người dân khó khăn thì tiềm lực đâu để làm du lịch và góp công, góp của xây dựng nông thôn mới? Rất nhiều cuộc họp Đảng ủy, HĐND, UBND xã diễn ra, thảo luận, rồi quyết định thực hiện... Những ngày đầu, cán bộ xã xuống bản tổ chức hết họp chi bộ, rồi họp bản để tuyên truyền với bà con về lợi ích của việc làm du lịch, xây dựng xã nông thôn mới và xin ý kiến đóng góp. Đồng bào dân tộc nghe, thấy cái lợi thì vui trong bụng và ủng hộ. Cán bộ, đảng viên làm gương đi đầu trong các hoạt động, người dân đồng thuận, hưởng ứng làm theo.
Về bản Lao Chải 2, xã Khun Há những ngày đầu vào đông se se lạnh. Các tuyến đường liên bản được bê tông hóa sạch sẽ, những cánh đào nở sớm rung rinh trong nắng sớm. Phụ nữ dân tộc Mông xúng xính trong bộ váy mới, chào nhau tình cảm, nồng hậu và ấm áp. Trong căn nhà của trưởng bản Giàng A Lừ, chúng tôi được nghe anh kể lại những ngày tháng gian khó. Trước đây, con đường vào bản chỉ là đường đất, độ dốc cao, vào mùa mưa đường lầy lội, trơn trượt, muốn vào bản chỉ bằng đi bộ. Giao thông khó khăn, tỷ lệ sinh con thứ ba cao, cộng với sự ỷ lại vào hỗ trợ của Đảng, Nhà nước là một trong những nguyên nhân tạo nên bức tranh nghèo đói của bản. Bản có 59 hộ thì đa số đều thiếu ăn vào mùa giáp hạt, cái đói, nghèo cứ đeo bám bà con dân tộc.
Chương trình xây dựng nông thôn mới của xã Khun Há được triển khai từ năm 2011, xác định giúp dân thoát nghèo, ngoài thay đổi nhận thức của bà con dân tộc, thì việc cứng hóa đường giao thông tạo điều kiện đi lại thuận lợi, dễ dàng trao đổi hàng hóa. Ngoài tranh thủ nguồn vốn của chương trình 135, WB... xã Khun Há vận động người dân thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” bằng việc đóng góp công sức, vật liệu sẵn có như: cát, sỏi, đá. Với cách làm này, năm 2014 bản Lao Chải 2 đã bê tông hóa 1km đường trục bản, 200m đường nội bản. Nhiều hộ dân tự bỏ tiền mua vật liệu về đổ bê tông các ngõ đường dẫn vào nhà, đảm bảo đi lại trong mùa mưa.
Trao đổi với chúng tôi, ông Cứ A Chừ, Bí thư Chi bộ bản Lao Chải 2 cho biết, có được sự đổi thay này là cả quá trình nỗ lực phấn đấu của cấp ủy chính quyền và bà con dân bản. Chi bộ bản, cùng với đoàn viên thanh niên, Hội phụ nữ tổ chức “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, phong trào “5 không 3 sạch”. Đến nay, nhà nào cũng có thùng đựng rác, đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố đảm bảo vệ sinh môi trường. So với 5 năm trước, nay bản Lao Chao 2 được ví như một phố bản. Các ngôi nhà mọc lên san sát vững chãi, dọc hai bên đường bà con trồng 100 chậu hoa đỗ quyên, hoa cúc và cây xanh. Bà con dân bản tự bỏ tiền ra lắp bóng điện chiếu sáng dọc trục đường dẫn vào bản. Mỗi khi đêm buông xuống, bản Lao Chải 2 lại sáng lung linh giữa núi rừng đại ngàn.
* Chung sức vì mình, vì cộng đồng
Tại bản Lao Chải 1, xã Khun Há, huyện Tam Đường, cuộc sống của bà con thanh bình, bản làng xanh sạch đẹp. Các gia đình đều xây dựng công trình nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh, chuồng trại kiên cố. Ai cũng nêu cao ý thức trong việc thu gom rác thải, vệ sinh nhà cửa, ngõ bản sạch đẹp.
Ông Cứ A Vàng, Trưởng bản Lao Chải 1 cho hay, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cán bộ, đảng viên tích cực tuyên truyền vận động bà con nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Các cán bộ, đảng viên phải là người đi đầu trong việc di dời chuồng trại ra xa nhà, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh để bà con làm theo. Những hộ hoàn cảnh khó khăn, không đủ kinh phí xây dựng nhà vệ sinh thì bà con giúp nhau ngày công, xi măng. Từ cách làm này, đến nay 100% hộ trong đều có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh; không còn tình trạng vứt rác bừa bãi, vào thứ bảy hàng tuần bà con cùng tham gia dọn dẹp vệ sinh các tuyến đường.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân trong bản Lao Chải 1 đã đóng góp 60 triệu đồng làm đường bê tông, huy động 350 ngày công làm đường bê tông với tổng chiều dài 1,368m đường trục bản, nội bản. Với những kết quả đạt được năm 2016, bản lao Chải 1 được công nhận là bản văn hóa, đây là động lực để bà con vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no.
Theo lãnh đạo xã Khun Há, bà con dân tộc trên địa bàn không còn tình trạng trông chờ, ỷ lại Nhà nước hỗ trợ, mà nỗ lực vươn lên làm kinh tế, giúp đỡ nhau thoát nghèo. Năm 2016, xã Khun Há có 12 trường hợp hộ gia đình đồng bào dân tộc Mông tự làm đơn xin xét ra khỏi hộ nghèo. Chính quyền xã đã xác nhận 9 hộ thoát nghèo, còn lại chưa đủ điều kiện, nhưng vẫn tiếp tục phấn đấu xin thoát nghèo trong năm 2017. Ông Cứ A Sở, Chủ tịch UBND xã Khun Há, huyện Tam Đường cho biết, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm số hộ nghèo từ 3 - 5%. Kế hoạch, năm 2020, Khun Há sẽ về đích đạt xã nông thôn mới. Người dân đồng lòng, dù khó mấy cũng làm được./.
Việt Hoàng - Quang Duy - Phương Ly/TTXVN