Thời gian qua, các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã triển khai kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đến nay, một số đoàn đã hoàn thành công việc, tổ chức thông báo kết quả kiểm tra, giám sát và đặt ra nhiều vấn đề cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả công tác PCTN, kiên quyết xử lý tội phạm tham nhũng.
Đây là một trong những hoạt động rất cần thiết và quan trọng trong công cuộc PCTN của Đảng, Nhà nước, đáp ứng mong đợi của các tầng lớp nhân dân.
Tại các địa phương, các đoàn công tác đã thông báo những ưu điểm và chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác PCTN. Tại tỉnh Vĩnh Long, báo cáo của đoàn chỉ rõ, một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp PCTN; quy định trong quản lý tài chính chưa chặt chẽ, nhất là trong kiểm soát chi tiêu, tạo kẽ hở cho tiêu cực, tham nhũng; quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về kinh tế, tham nhũng còn kéo dài… Tại tỉnh Ninh Thuận: Một số cấp ủy đảng, lãnh đạo một số tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa quan tâm công tác PCTN; công tác phát hiện tham nhũng, sai phạm về kinh tế còn ít; việc thu hồi tài sản tham nhũng, sai phạm kinh tế hiệu quả thấp; mức án tuyên một số vụ án tham ô tài sản còn nhẹ; việc kiến nghị xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa được quan tâm; việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm tham nhũng còn hạn chế… Đoàn công tác cũng đã kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo xử lý đối với một số vụ án, vụ việc liên quan tham nhũng, kinh tế, bảo đảm sự nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật. Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát tại Sóc Trăng chỉ ra một số yếu kém, hạn chế như: công tác quản lý cán bộ, đảng viên tại một số cơ quan, đơn vị còn nhiều khuyết điểm; công tác phối hợp giữa các cơ quan tố tụng hiệu quả chưa cao; có vụ việc, vụ án chưa được xử lý nghiêm minh; năng lực chuyên môn của một số cán bộ, công chức trong cơ quan thực hiện nhiệm vụ chống tham nhũng còn hạn chế…
Cùng với các đoàn kiểm tra, giám sát, cuối tháng 8 vừa qua, Ban Nội chính T.Ư đã tổ chức Hội nghị giao ban các cơ quan, tổ chức đầu mối tham mưu, giúp việc về công tác PCTN của các đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91. Hiện nay, có 15/21 tập đoàn, tổng công ty duy trì mô hình Ban chỉ đạo PCTN, có tổ giúp việc hay tổ thường trực theo dõi công tác này. Hội nghị nêu rõ: Hoạt động của Ban chỉ đạo ở một số tập đoàn, tổng công ty còn hình thức, hiệu quả thấp, không kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ; việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra, thanh tra còn nhiều hạn chế…
Có thể nhận thấy, qua thực tế thanh tra, kiểm tra, giám sát đã phát hiện nhiều vấn đề và hạn chế trong công tác PCTN. Đáng lo ngại là những yếu kém này tồn tại đã nhiều năm qua nhưng chưa được nhìn nhận thấu đáo, thẳng thắn, không được khắc phục kịp thời, hiệu quả.
Trong thời gian qua, những vụ tiêu cực, tham nhũng; thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong công tác cán bộ, quản lý tài sản nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp... đã và đang được xem xét, kết luận và xử lý nghiêm minh. Một số cán bộ đã nhận những hình thức kỷ luật thích đáng, dù ở cương vị nào, kể cả những cán bộ đã về hưu. Và đây sẽ là một trong những trọng tâm công tác được các cơ quan chức năng quyết liệt triển khai. Vì vậy, kết quả kiểm tra, giám sát của các đoàn công tác thuộc Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng triển khai các công việc cần thiết, mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Để làm được điều này, nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, các địa phương, đơn vị cần nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm trong PCTN đã được các đoàn công tác chỉ rõ. Đồng thời, khẩn trương khắc phục và xử lý triệt để những sai phạm, vi phạm.
Kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh, thượng tôn pháp luật là một trong những yếu tố quan trọng đem lại hiệu quả thực chất của công tác PCTN. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần triển khai tốt việc giám sát, kiểm tra sau khi các sai phạm, vi phạm, hạn chế đã được thông báo, chỉ rõ. Những kết luận của các cơ quan chức năng phải là những văn bản “sống”, có hiệu lực trong thực tế, được nghiêm túc tiếp thu bằng những việc làm cụ thể. Đối với các địa phương, công tác PCTN cần được đặc biệt quan tâm, trong đó chú trọng triển khai thực chất công tác kiểm tra, giám sát, qua đó giúp các tổ chức đảng và đảng viên được giám sát nhận ra những thiếu sót, khuyết điểm để chấn chỉnh kịp thời và phòng ngừa sai phạm. Xây dựng tinh thần liêm chính cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động; xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; các quy định nội bộ để kiểm soát "tham nhũng chính sách" từ gốc tại các lĩnh vực nhạy cảm, như: cổ phần hóa tài sản công; đầu tư công, tài chính, quản lý các nguồn vốn đất đai... tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ… Các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, có vốn nhà nước phải coi trọng công tác PCTN, lãng phí ngang hàng với sản xuất, kinh doanh, bởi chống được tham nhũng, lãng phí, giảm được những chi phí không cần thiết sẽ giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận, thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh…
Công tác PCTN của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã và đang cho thấy không còn khái niệm “hạ cánh an toàn” cho bất kỳ ai để xảy ra sai phạm khi đương nhiệm. Qua đó, thể hiện quyết tâm đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" được chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Theo Nhân dân