Tôi làm quản lý một trường THCS, với biết bao việc phải lưu tâm: Làm sao để chất lượng học sinh ngày một đi lên thực chất? Làm sao để cảnh quan sư phạm ngày càng xanh sạch đẹp? Làm sao để anh chị em giáo viên yên tâm bám lớp bám trường? Làm thế nào để trường mình sớm đạt được các tiêu chí công nhận “Đơn vị đạt chuẩn quốc gia”… Vậy mà không ngày nào chúng tôi không phải tiếp các cá nhân tập thể vào xin tiếp thị, quảng cáo (kể cả qua điện thoại).
Với đủ các loại hình: từ giới thiệu, thu đổi vỏ, dùng thử sản phẩm đến tặng học bổng, hứa hẹn một tương lai tốt đẹp nếu các em tham gia... Suốt cả năm học, nhà trường phải miễn cưỡng tiếp “quảng cáo, tiếp thị” không phải là ít. Đầu năm học là các hãng sản xuất sữa, văn phòng phẩm như bút đa năng, bảng thông minh, những tài liệu “tham khảo” (mà thực chất là sao chép lại SGK, có những cái còn sai kiến thức) được gọi là “phục vụ giảng dạy và học tập”. Ví dụ như: bảng tổng hợp các công thức toán, lý, hóa; các phương trình cần nhớ, mẹo vặt, sách tham khảo, những bài văn mẫu… Rồi các trung tâm tin học, trung tâm ngoại ngữ với nhiều hứa hẹn này khác. Giữa năm là các hãng du lịch với các tour giá cả hấp dẫn... Cuối năm là các trường dân lập vào giới thiệu, tiếp thị về tuyển sinh các cấp học, trung tâm ngoại ngữ, tin học, quảng cáo học hè... Có công ty đã “sáng tạo” nhiều “chiêu” bằng cách “núp bóng” dưới những chương trình mang tên giáo dục, hoạt động ngoại khóa, nhân đạo tình thương như biểu diễn rối, ảo thuật... mà đằng sau những chương trình ấy mục đích chỉ để quảng cáo hay bán một số sản phẩm của họ.
Bề bộn công việc ở trường nhưng có buổi, tôi đã phải tiếp đến vài ba đoàn (hoặc cá nhân) vào xin gặp Hiệu trưởng để “tiếp thị”. Nhiều vị còn thẳng thừng đưa ra “phần trăm” rất hứa hẹn cho Ban Giám hiệu nếu chấp nhận cho họ quảng cáo đến phụ huynh học sinh. Những ngày đầu mới làm quản lý, tôi còn “lịch sự” tiếp đón và giải thích lý do không chấp nhận cho họ làm quảng cáo tiếp thị trong trường. Và tôi đã nhận được không ít lời lẽ “đẹp đẽ” của “đối tác”: “Sao thầy cô kiệt thế!” Rồi họ đưa ra một loạt dẫn chứng để thuyết phục, nào là “Trường A, trường B đã mua cho chúng em X sản phẩm, vậy mà thầy cô lại từ chối…”; hoặc “Thầy cô cứ làm đi, chúng em hứa sẽ có phần trăm xứng đáng gửi thầy cô…”
Tôi cũng từng đem chuyện này trao đổi với một vài người đã làm quản lý trong ngành giáo dục và nhận được nhiều tư vấn. Rút kinh nghiệm, những lần sau, mỗi khi có “khách” tôi gặp tại văn phòng. Nếu là khách đến liên hệ công việc thật sự, tôi mời họ về phòng riêng trao đổi. Còn khi biết lý do của vị khách “không mời mà đến”, tôi đều phải từ chối với họ.
Có những khi, một việc làm nhân đạo hẳn hoi cũng bị biến thành “tiếp thị quảng cáo”. Mua tăm ủng hộ người mù là chủ trương nhân đạo của các nhà trường. Chúng tôi nhận được công văn từ đầu năm học và đã thực hiện nghiêm túc đối với các cơ sở nhân đạo trong huyện mình. Thế nhưng có nhiều người khác “núp bóng nhân đạo” đã đến “mời” chúng tôi mua nào “tăm từ thiện”, “bút tình thương”, “chổi nhân nghĩa”… mà cơ sở sản xuất ghi “tận đẩu tận đâu”, người bán lại không có giấy tờ gì chứng minh họ là người của cơ sở ấy cả. Một giáo viên trường tôi liền nghĩ ra chiêu “lấy độc trị độc”: Gọi công an xã đến yêu cầu người đó xuất trình giấy tờ. Thấy vậy họ liền vội vàng “cao chạy xa bay”. Có những chương trình như vẽ tranh, biểu diễn ảo thuật, múa rối... ít thì cũng phải một, hai tiết học, nhiều là cả buổi. Nếu chiều theo họ thì việc cắt xén chương trình học là khó tránh khỏi! Đó là chưa nói họ thường tới sớm để treo băng rôn, làm sân khấu, thử loa, nhạc vang lên ầm ầm làm học sinh mất tập trung tiếp thu bài vở; thầy cô tốn công sức, mất thời gian tập trung và quản học trò giúp trong khi đang quá vất vả với công việc trường lớp đầy ắp áp lực.
Là người làm quản lý giáo dục, tôi trộm nghĩ: nếu nơi nào, Ban Giám hiệu cho phép quảng cáo trong trường học nghĩa là đã tiếp tay cho các hình thức quảng cáo “chui”. Vì làm sao thầy cô biết được các sản phẩm này có thật sự tốt như quảng cáo hay không. Đó còn chưa kể sản phẩm có đươc phép lưu hành hay không bởi việc này chỉ có các ngành chức năng mới đủ điều kiện và chuyên môn nghiệp vụ thẩm tra. Các hãng sản phẩm, nhà sản xuất, trung tâm ngoại ngữ, tin học hay các trường dân lập... khi đưa quảng cáo vào trường học chỉ cần bỏ ra một khoản kinh phí rất nhỏ nhưng lợi nhuận mang lại vô cùng lớn đối với họ. Bởi họ tiếp thị đến tận tay người dùng là đối tượng học sinh, số lượng mua lại lớn. Họ đánh vào tâm lý “hám lợi” đưa ra một tỉ lệ phần trăm hấp dẫn nhằm làm thầy cô “lung lay”.(Bởi họ đã lấy giá cả “trên trời” nên “tỉ lệ phần trăm” trích lại chỉ là “chuyện nhỏ”.)
Chúng tôi đã đưa việc này ra cuộc họp giao ban các hiệu trưởng tại Phòng Giáo dục và Đào tạo của huyện, rất may cũng đã nhận được “chỉ thị”: Không chấp nhận quảng cáo tiếp thị đến trường. Trừ một vài hoạt động nhân đạo thì phải có chữ ký đóng dấu của liên ngành Giáo dục – Đào tạo và ngành Văn hóa huyện. Đó là một quyết định sáng suốt, được tất cả thành viên trong hội nghị đồng tình.
Dẹp bỏ nạn quảng cáo tiếp thị trong trường học, là yêu cầu bức thiết trong quá trình giữ vững môi trường giáo dục trong lành và đẹp đẽ, thực hiện tốt phong trào xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực” của ngành Giáo dục và Đào tạo hiện nay.
Nguyễn Thị Diệp