(TG)-Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Trước thềm Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Giáo sư, Viện sỹ Châu Văn Minh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về những kỳ vọng của lĩnh vực khoa học và công nghệ đối với sự phát triển của đất nước.
Giáo sư, Viện sỹ có thể đánh giá về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ?
Giáo sư, Viện sỹ Châu Văn Minh: Về chủ trương, đường lối chỉ đạo, Đại hội lần thứ XI của Đảng đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 31/10/2012 "Về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".
Nghị quyết khẳng định, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Đó cũng là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp.
Đến Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của khoa học-công nghệ đối với sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới, đồng thời có những bổ sung, phát triển quan trọng.
Đảng nhấn mạnh rõ, khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới.
Nhận thức đúng đắn về đường lối lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự quyết liệt, triển khai kịp thời của Chính phủ, khoa học và công nghệ đã góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội, môi trường nhanh, bền vững.
Trong những năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta được duy trì ở mức độ khá cao. Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 5,9%/năm, giai đoạn 2016-2019 tăng trưởng đạt 6,8%/năm.
Năm 2020, do dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng ước đạt trên 2%, bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 5,9%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới.
Quy mô GDP tăng gấp 2,4 lần, từ 116 tỷ USD năm 2010 lên 268,4 tỷ USD vào năm 2020. GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên khoảng 2.750 USD năm 2020.
Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động được nâng lên rõ rệt. Tăng trưởng kinh tế giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, từng bước dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, mô hình tăng trưởng được đổi mới, hoàn thiện phù hợp với thời đại.
Cơ cấu kinh tế ngành và nội ngành chuyển biến tích cực, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và ứng dụng công nghệ cao tăng lên. Hình thành nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ được chú trọng, từng bước chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.
Chất lượng nhiều loại sản phẩm đáp ứng yêu cầu an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế. Hình thức kinh tế hợp tác và doanh nghiệp nông nghiệp tăng nhanh. Vấn đề môi trường được giải quyết trên cơ sở khoa học và luật pháp quốc tế.
Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện. Năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp tăng từ vị trí 58 vào năm 2009 lên thứ 42 vào năm 2019. Vị trí xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu của Việt Nam được cải thiện đáng kể.
Phát triển nguồn nhân lực được đẩy mạnh, nhất là nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ hơn với nhu cầu thị trường. Tiềm lực khoa học, công nghệ quốc gia được tăng cường.
Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Việc nghiên cứu, ứng dụng, nâng cao năng lực, trình độ khoa học, công nghệ được chú trọng.
Nước ta hiện đã đủ khả năng thiết kế, chế tạo thành công nhiều công nghệ, thiết bị đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm chuyên ngành tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Hạ tầng nghiên cứu trong một số lĩnh vực trọng điểm như công nghệ sinh học, hóa dầu, vật liệu, tự động hóa, na-nô, công nghệ tính toán, y học… được tăng cường.
Hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ được tăng cường, số lượng văn bằng sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp tăng nhanh.
Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngày càng tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Cơ sở dữ liệu về công nghệ và chuyên gia được hình thành. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển khá. Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2019 xếp hạng cao trong nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Thưa Giáo sư, những điểm nổi bật đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ trong các dự thảo văn kiện của Đại hội lần thứ XIII của Đảng là gì? Ông có kỳ vọng và niềm tin như thế nào vào sự phát triển của đất nước sau Đại hội?
Giáo sư, Viện sỹ Châu Văn Minh: Điểm nổi bật đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ trong Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội XIII của Đảng là đã chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ.
Dự thảo Báo cáo Chính trị nêu những định hướng, giải pháp mang tính nền tảng lâu dài. Đó là phát triển hệ thống khoa học và công nghệ là một hợp phần quan trọng trong hệ thống xã hội.
Thay đổi từ nhận thức, công cụ pháp luật, tiết chế xã hội tới cơ sở hạ tầng trong một tâm thế mới, thời đại mới và thế giới mới.
Sự phát triển của đất nước ta trong 5 năm tới sẽ nằm trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư sẽ có ảnh hưởng sâu sắc, kinh tế số phát triển mạnh, cạnh tranh toàn cầu ngay trên đất nước Việt Nam.
Nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng hạn hẹp, môi trường sinh thái có nguy cơ bị ô nhiễm, tranh chấp tài sản trí tuệ diễn ra mạnh mẽ hơn, đổi mới sáng tạo là nền tảng để cạnh tranh trên từng sản phẩm, an ninh phi truyền thống có xu thế lan rộng.
Nhu cầu tiêu dùng cá nhân, yêu cầu điều kiện sống tăng cao. Đời sống văn hóa xã hội cũng được nâng lên một bước. Công tác chăm sóc sức khỏe cũng được triển khai trong môi trường mới...
Điều này bắt buộc khoa học và công nghệ phải tham gia phát triển cùng đất nước, phải tham gia tạo dựng hệ sinh thái khoa học và công nghệ trong mọi cấu trúc, trụ cột, chủ thể phát triển.
Theo cấu trúc chiều ngang, mọi thành phần, chủ thể kinh tế, thành phần cấu trúc cấu thành xã hội phải coi khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực để tạo đà phát triển của chính tổ chức, cá nhân đó.
Sự phát triển của mỗi thành phần, chủ thể trong hệ thống là động lực phát triển thành phần, chủ thể kinh tế còn lại và phát triển đồng đều các lĩnh vực khoa học và công nghệ trong hệ thống tổng thể.
Theo cấu trúc chiều dọc, trong một thành phần, chủ thể kinh tế, khoa học và công nghệ phải có vai trò là "sợi dây" liên kết tạo ra mối quan hệ hữu cơ, chuỗi giá trị.
Tôi rất vinh dự và tự hào là đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Bên cạnh niềm vinh dự và tự hào, tôi còn nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với Đại hội, về chấp hành nghiêm quy chế của Đại hội cũng như đóng góp ý kiến vào các văn kiện trình Đại hội, góp phần vào thành công chung của Đại hội.
Tôi nhận thấy, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước không những cho nhiệm kỳ 5 năm từ 2021-2025 mà còn cho tương lai xa hơn của đất nước.
Đại hội là sự kiện lớn, bao gồm nhiều nội dung quan trọng, là lúc để toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị, kiểm điểm lại, đánh giá lại những gì đã triển khai trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, xa hơn nữa là từ năm 2010.
Để mỗi đảng viên, mỗi cơ sở đảng, mỗi tổ chức, cá nhân tự so sánh kết quả đạt được với những mục tiêu đã đặt ra, để từ đó thấy được những việc đã đạt được mục tiêu, những việc chưa đạt được, những việc hoàn thành vượt mức, những nguyên nhân của những việc chưa đạt được mục tiêu, những bài học kinh nghiệm.
Từ cơ sở lý luận và thực tiễn này, Đại hội sẽ tập trung phân tích, tính đến những mối quan hệ quốc tế, quốc nội, những kinh nghiệm đã tích lũy, những giá trị văn hóa, đoàn kết dân tộc... để đưa ra những giải pháp, định hướng, lựa chọn những cán bộ có đủ uy tín, trình độ triển khai hiện thực hóa cương lĩnh của Đảng, Nghị quyết của Đại hội, để lãnh đạo đất nước phát triển trong giai đoạn tới.
Với những suy nghĩ như vậy, tôi cho rằng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có giá trị đặc biệt quan trọng đối với đất nước, dân tộc.
Sau Đại hội, các cơ sở Đảng từ cấp Trung ương tới địa phương cùng toàn bộ đảng viên và cán bộ đều triển khai ngay Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống.
Mỗi cán bộ đảng viên, mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương sẽ có cách làm sáng tạo để triển khai Nghị quyết, xây dựng kế hoạch hoạt động chi tiết, khả thi để phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững, góp phần đưa đất nước phát triển theo đường lối lãnh đạo của Đảng.
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ triển khai ngay Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khối Các Cơ quan Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 để các Nghị quyết sớm được triển khai thành kế hoạch, hành động của mỗi đơn vị, cá nhân các nhà khoa học, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
TG