Tháng 9.2005, Chính phủ ban hành Nghị định 115/2005/NĐ-CP Quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KHCN công lập (gọi tắt là NĐ115). Với số đông nhà khoa học (NKH) cấp tiến, đây chính là "khoán 10" trong KHCN.
Tuy nhiên đã vài năm trôi qua, "khoán 10" vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống. Lý do là bởi vỏ bọc của sự trì trệ mang tư duy bao cấp vẫn tồn tại.
Gần 4 năm trì trệ
Có thể nói là đã có cuộc đấu tranh dài và khá gay gắt giữa sự cấp tiến và tư duy trì trệ, ỷ lại và muốn được bao cấp. Cụ thể, Bộ KHCN và giới NKH cấp tiến coi NĐ115 là "khoán 10" trong KHCN, muốn nhanh chóng triển khai cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhằm trao quyền cho NKH.
Thế nhưng, có những NKH làm công tác quản lý lại cho rằng mình có thể sẽ bị bỏ rơi, bị cắt kinh phí, phải tự lo toan... nên không muốn chuyển đổi. Xét cho cùng, điều này bắt nguồn từ năng lực yếu kém; thậm chí là sợ "mất ghế", ngại khó của không ít tổ chức KHCN.
Theo tính toán ban đầu của Bộ KHCN, sau một thời gian dài chuẩn bị thì các cơ quan sẽ có 1 năm để hoàn tất thủ tục chuyển đổi. Tuy nhiên mục tiêu chương trình chuyển đổi các tổ chức KHCN đã thất bại. Vì thế, Bộ KHCN đã phải kéo dài thời hạn chuyển đổi.
Thế nhưng một lần nữa, rào cản trì trệ thắng thế. Trên toàn quốc, số đông các bộ, ngành, địa phương đã không thực hiện chuyển đổi. Theo báo cáo của Bộ KHCN, đến hết năm 2007 (tức là hơn 2 năm ban hành NĐ115): Trong số 659 tổ chức KHCN thuộc các bộ, ngành, địa phương thì mới có 161 tổ chức KHCN có đề án đã đươc phê duyệt (chiếm 25%); 142 tổ chức KHCN đã có đề án trình cấp thẩm quyền phê duyệt (chiếm 21%), 313 tổ chức KHCN đang xây dựng và hoàn chỉnh đề án. Kết thúc năm 2007, Chính phủ cùng với Bộ KHCN đã phê bình găt gắt nhiều địa phương, bộ, ngành chậm thực hiện cơ chế chuyển đổi này.
Tuy nhiên, "căn bệnh" trì trệ và ỷ lại tiếp tục diễn ra. Đến hết năm 2008, Bộ GD-ĐT, Viện KH xã hội VN... vẫn quá chậm trễ trong việc chuyển đổi. Đồng thời cũng chỉ có 11 địa phương phê duyệt đề án chuyển đổi của các tổ chức KHCN. Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Ninh, Đắc Nông, Phú Thọ... đã chưa triển khai thực hiện NĐ115. Vì thế năm 2008, trong số 504 tổ chức KHCN trên cả nước thì mới có 205 tổ chức KHCN có đề án được phê duyệt (khoảng 40,67%); 135 tổ chức đã có đề án trình phê duyệt (khoảng 26,7%); 134 tổ chức đang xây dựng đề án.
|
Máy cắt tại Viện Ứng dụng CN. |
Sẽ công phá vỏ bọc trì trệ
Đây là tinh thần chỉ đạo và sẽ được thực hiện quyết liệt trong năm 2009. Trên thực tế, nhiều tổ chức KHCN như Viện Ứng dụng CN, Viện KHCN vật liệu, Trung tâm Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng KV3... đã chứng minh sự thành công cả về KHCN, tiền vốn, năng lực sản xuát kinh doanh khi chuyển đổi.
Chính vì thế mà theo lãnh đạo bộ KHCN thì đã đến lúc không thể nhu nhược và dành chỗ cho sự trì trệ tồn tại. Cụ thể, Chính phủ và Bộ KHCN đã kiên quyết yêu cầu các lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các tổ chức KHCN trực thuộc nhanh chóng chuyển đổi.
Theo chương trình hoạt động của Bộ KHCN thì vào tháng 3.2009, Chính phủ và Bộ KHCN sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết tình hình thực hiện NĐ 115/2005/NĐ-CP và NĐ 80/2007/NĐ-CP về vấn đề thực hiện chuyển đổi của các tổ chức KHCN.
Bên cạnh đó, Bộ KHCN cũng đã xây dựng Dự thảo sửa đổi bổ sung NĐ 115. Theo đó tổ chức khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức dịch vụ KHCN chưa đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên thì chậm nhất đến tháng 12.2009 phải chuyển đổi tổ chức và hoạt động theo hình thức sát nhập hoặc giải thể. Riêng đối với các tổ chức KHCN trực thuộc các địa phương, thời hạn chuyển đổi tổ chức và hoạt động chậm nhất đến tháng 12.2011".
Với "tối hậu thư" này, Bộ KHCN cho biết sẽ công phá vào vỏ bọc của sự trì trệ. Qua đó tổ chức KHCN nào không đủ đứng vững sẽ phải giải thể, sáp nhập; qua đó chấm dứt sự ỷ lại vào nguồn bao cấp từ ngân sách nhà nước, tạo điều kiện cho các tổ chức KHCN đủ mạnh, có chiến lược phát triển và hoạt động tự chủ, minh bạch. Đây cũng là một phần trong chiến lược phát triển KHCN VN một cách bền vững.
3 loại hình tổ chức KHCN: Một là tổ chức KHCN nghiên cứu cơ bản, được ngân sách đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên nhưng khoán tương ứng với nhiệm vụ được giao. Hai là tổ chức KHCN tự trang trải kinh phí hoạt động; được nhà nước hỗ trợ kinh phí thông qua nhiệm vụ và đầu tư phát triển. Nếu sản xuất kinh doanh thì được hưởng quyền lợi như DN mới. Ba là DN KHCN, hoạt động theo Luật DN, được hưởng ưu đãi cao của nhà nước trong giai đoạn đầu phát triển.
Tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, nhân sự: Thay vì cấp kinh phí theo biên chế, NĐ115 quy định tổ chức KHCN sẽ được cấp kinh phí theo nhiệm vụ hoặc do đặt hàng. Còn lại các DN phải tự lo kinh phí hoạt động, không được bao cấp hay lệ thuộc ngân sách. Đồng thời, thủ trưởng tổ chức KHCN được quyền quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm và tự quyết định thu nhập của bộ máy. |
(Theo Lao động điện tử)