Sau 3 ngày làm việc nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 – 2027 đã thành công tốt đẹp, hoàn thành các công việc đã đề ra.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lần thứ nhất, đã bầu bà Hà Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội khóa XII tái đắc cử Chủ tịch Hội khóa XIII. Đại hội vinh dự được đón Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khai mạc; nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành đoàn thể Trung ương và địa phương.
Ngày hội lớn của các tầng lớp phụ nữ cả nước
Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh, đây là sự kiện chính trị quan trọng, ngày hội lớn của các tầng lớp phụ nữ cả nước, đánh dấu sự phát triển của phong trào phụ nữ và tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã đánh giá khách quan, toàn diện các kết quả, hạn chế và nguyên nhân; rút ra những bài học kinh nghiệm thật sự sâu sắc sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII; tập trung trí tuệ, dân chủ thảo luận để xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2022-2027; thông qua Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (sửa đổi, bổ sung); bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa XIII thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, trí tuệ, sức sáng tạo, đủ năng lực lãnh đạo hoàn thành những nhiệm vụ to lớn của phong trào phụ nữ và công tác Hội trong nhiệm kỳ tới.
Tại Đại hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ trong nhiệm kỳ qua. 5 năm qua, phụ nữ Việt Nam và các cấp Hội đã tham gia tích cực, hiệu quả vào nỗ lực chung của hệ thống chính trị và toàn xã hội, đưa đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo dấu ấn nổi bật.
Đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ ngày càng được cải thiện. Vai trò chủ thể và tầm ảnh hưởng của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng nâng cao. Phong trào phụ nữ tiếp tục có bước phát triển, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần nắm vững, quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; có những giải pháp, biện pháp cụ thể, mạnh mẽ, khả thi để đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống.
Các cấp Hội cần tiếp tục kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để trở thành tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả vì sự phát triển toàn diện của phụ nữ và sự hùng cường, phồn vinh, thịnh vượng của đất nước. Hội cần tổ chức thật nghiêm túc công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong hội viên, phụ nữ; khơi dậy ý chí, khát vọng, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam.
Nhiều ý kiến để phụ nữ phát huy vai trò
Đại hội lần này có nhiều điểm mới so với những kỳ đại hội trước. Lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội xác định 5 quan điểm phát triển có tính định hướng trong xây dựng toàn bộ phương hướng nhiệm kỳ mới và nhiều năm tiếp theo. Chương trình Đại hội được thiết kế để các đại biểu có thể tham gia chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp cho hoạt động Hội và phong trào phụ nữ.
Bên cạnh các tham luận tại hội trường, có 5 trung tâm thảo luận diễn ra đồng thời với các chủ đề như: Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới; Phụ nữ trong nền kinh tế số; Vai trò của phụ nữ trong vun đắp giá trị gia đình Việt Nam; Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả; Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới.
Trong tham luận trình bày tại Hội trường cũng như tại các trung tâm thảo luận, nhiều đại biểu đánh giá cao chất lượng hoạt động công tác hội nhiệm kỳ qua; đồng thời đóng góp những ý kiến nhằm tạo điều kiện tốt nhất để phụ nữ phát huy vai trò và năng lực của mình trong gia đình và xã hội; tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội tiếp cận những thành quả của khoa học - công nghệ hiện đại để chủ động áp dụng vào thực tiễn, từng bước nâng cao tri thức và chất lượng cuộc sống, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp đổi mới và phát triển quê hương, đất nước.
Một số ý kiến nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của vun đắp giá trị gia đình Việt Nam thông qua thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó đề xuất ứng dụng công nghệ thông tin tuyên truyền mạnh mẽ các thông điệp về phòng, chống bạo lực phụ nữ và trẻ em, cung cấp kiến thức, giáo dục về giới, bình đẳng giới...
Bên cạnh đó, có ý kiến đề xuất mở rộng liên kết đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm theo nhu cầu của thị trường lao động, tập trung hỗ trợ các nhóm lao động nữ chuyển đổi nghề do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, do thiên tai và dịch bệnh; thực hiện các mô hình tiết kiệm tín dụng, xây dựng chế tài quản lý, mở rộng các nguồn vốn vay cho phụ nữ di cư để phát triển sản xuất, kinh doanh…
Trong báo cáo tóm tắt, giải trình một số vấn đề thảo luận cho thấy, đa số các ý kiến nhất trí, thống nhất với dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội. Một số ý kiến đề nghị bổ sung thông tin về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số cho cán bộ cấp cơ sở; bổ sung giải pháp về cơ sở vật chất.
Về phong trào thi đua, cuộc vận động, khâu đột phá, các ý kiến đều thống nhất nội dung cuộc vận động, khâu đột phá và các giải pháp, nhưng đề nghị cụ thể hóa tiêu chuẩn bình xét làm căn cứ đánh giá các tiêu chuẩn. Có ý kiến đề nghị khâu đột phá nên là ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội, an toàn không gian mạng; khâu đột phá "Tập trung xây dựng cơ sở Hội", đề nghị bổ sung thêm "chú trọng tại vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới".
Về các nhiệm vụ và giải pháp, các ý kiến cơ bản thống nhất với dự thảo báo cáo. Một số ít ý kiến đề nghị cần quan tâm đến giải pháp hỗ trợ các chi hội trưởng hoạt động Hội; đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành tổ chức các hoạt động: có trọng tâm, không dàn trải, thiết thực; quan tâm vấn đề bảo đảm việc làm bền vững và quyền lao động nữ; có giải pháp giáo dục đạo đức lối sống cho cán bộ, hội viên phụ nữ trên không gian mạng; nâng cao chất lượng đào tạo của Học viện Phụ nữ Việt Nam; cần có các giải pháp về nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, đề xuất các chính sách, lồng ghép giới trong xây dựng các chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em.
Tạo động lực động viên các tầng lớp phụ nữ phát huy nội lực
Đại hội đã biểu thị ý chí quyết tâm và thống nhất cao trong việc phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ và các giải pháp nhằm hoàn thành xuất sắc Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XIII gồm 155/163 ủy viên, đảm bảo tính kế thừa, liên hiệp, đại diện tiêu biểu cho các lực lượng phụ nữ trong cả nước, có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, tâm huyết và cam kết hành động vì sự nghiệp bình đẳng giới, sự phát triển của phụ nữ Việt Nam. Bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XII đã tái đắc cử là Chủ tịch Hội khóa XIII.
Trong diễn văn bế mạc, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, Đại hội đã dân chủ, tập trung trí tuệ thảo luận và nhất trí thông qua các văn kiện quan trọng; khẳng định quyết tâm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Hội các cấp, nhằm thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ thời gian tới.
Đồng thời, tạo động lực động viên các tầng lớp phụ nữ phát huy nội lực, khát vọng vươn lên, năng động, sáng tạo, trách nhiệm xây dựng đất nước, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và tổ chức Hội…
Theo TTXVN