Thứ Bảy, 28/9/2024
Chính sách
Thứ Năm, 11/9/2008 17:13'(GMT+7)

Khởi động dự án giảm thiểu phân biệt và kỳ thị đối với người khuyết tật

Sáng nay (11/9), tại Hà Nội, Viện nghiên cứu Phát triển Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức giới thiệu dự án “Giảm thiểu phân biệt đối xử với người khuyết tật thông qua nâng cao năng lực cho các tổ chức làm việc với người khuyết tật”. Ông Charles Bailey, Giám đốc Chương trình đặc biệt về chất độc da cam của Quỹ Ford (đơn vị tài trợ cho dự án) cùng đại diện nhiều ban ngành của Trung ương và địa phương đã dự buổi họp này.

TS Lê Bạch Dương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho biết, mục đích của Dự án nhằm khuyến khích đẩy mạnh thực hiện quyền của những người khuyết tật trong việc tham gia vào các hoạt động xã hội. Theo đó, Dự án nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức Đảng, Nhà nước và cộng đồng về các nguyên nhân và hình thức khác nhau của kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến khuyết tật cũng như các tác động tiêu cực của nó tới kinh tế, xã hội. Dự án cũng nhằm xây dựng năng lực cho các tổ chức Đảng, Nhà nước và xã hội trong hoạt động giảm thiểu kỳ thị và phân biệt đối xử với người khuyết tật thông qua xây dựng và tập huấn sử dụng bộ công cụ giảm thiểu sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến khuyết tật…

Theo ông Charles Bailey, Giám đốc Chương trình đặc biệt về chất độc da cam của Quỹ Ford, Chương trình đặc biệt về chất độc da cam được thành lập vào tháng 10/2007 với mục đích đưa vấn đề dioxin vào các thảo luận giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nhằm tìm ra giải pháp lâu dài, đa dạng hoá các nguồn tài trợ, mở rộng quy mô tài trợ thông qua tài trợ chiến lược, tập hợp, xây dựng mạng lưới và chia sẻ thông tin.

Tổng tài trợ của Quỹ cho các hoạt động liên quan đến dioxin tại Việt Nam tính đến nay là 8 triệu USD. “Chúng tôi mong rằng, việc đối thoại về vấn đề này sẽ được tổ chức rộng rãi hơn giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ, qua đó sẽ nâng cao nhận thức của người dân Hoa Kỳ, từ đó có các biện pháp hữu hiệu giúp đỡ người khuyết tật, các nạn nhân của chất độc da cam/dioxin một cách hiệu quả hơn”- Ông Charles Bailey nói.

Với sự tài trợ của Quỹ Ford, Viện nghiên cứu Phát triển Xã hội đã thực hiện điều tra xã hội với quy mô lớn về tình trạng người khuyết tật tại 4 địa phương có tỷ lệ người khuyết tật cao là Thái Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam và Đồng Nai. Việc điều tra này nhằm thu thập và phân tích dữ liệu về những khó khăn mà người khuyết tật đang phải gánh chịu, từ đó đưa ra những bằng chứng cụ thể cho việc vận động chính sách và xây dựng các hoạt động can thiệp hiệu quả./.

VOV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất