Thứ Bảy, 28/9/2024
Chính sách
Thứ Ba, 19/8/2008 8:57'(GMT+7)

Một số điểm sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy

I. Quan điểm về chính sách cai nghiện phục hồi

1- Quan điểm về người nghiện ma tuý

a- Thống nhất việc tiếp tục thực hiện quan điểm của Luật Phòng chống ma tuý năm 2000, xem người nghiện ma tuý là người bệnh, đồng thời cũng là người có hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, cần phải kết hợp việc xử lý vi phạm pháp luật.

b- Người nghiện ma tuý cần được xem xét dưới 3 góc độ: là người bệnh (bị một loại bệnh về tâm thần do sử dụng ma tuý), người có hành vi vi phạm pháp luật (do sử dụng trái phép chất ma tuý) và là người sa ngã vào tệ nạn xã hội (bị lệch lạc về nhân cách và hành vi)

c- Cai nghiện ma tuý phải là một quy trình áp dụng tổng hợp các phương pháp, biện pháp đảm bảo xử lý đồng bộ cả 3 khía cạnh về y tế, pháp luật và xã hội nhằm phục hồi và hỗ trợ, giúp cho người nghiện từ bỏ được ma tuý, rời bỏ con đường lầm lỗi trở lại thành người bình thường.

2. Các chính sách của Nhà nước về cai nghiện bao gồm:

1. Áp dụng chế độ cai nghiện đối với người nghiện ma tuý, khuyến khích người nghiện ma tuý tự nguyện cai nghiện;

2. Tổ chức cơ sở cai nghiện ma tuý bắt buộc;

3. Khuyến khích cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức thực hiện việc cai nghiện tự nguyện cho người nghiện ma tuý, quản lý sau cai nghiện và phòng, chống tái nghiện ma tuý; nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng thuốc và phương pháp cai nghiện ma tuý;

4. Hỗ trợ kinh phí thực hiện cai nghiện ma tuý, quản lý sau cai nghiện và phòng, chống tái nghiện ma tuý;

5. Tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ, đầu tư vào hoạt động cai nghiện ma tuý, quản lý sau cai nghiện và phòng chống tái nghiện ma tuý được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

II. Những nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể về công tác cai nghiện ma túy

1. Về vấn đề khai báo nghiện ma tuý và đăng ký hình thức cai nghiện

* Người nghiện ma tuý có trách nhiệm:

a) Tự khai báo về tình trạng nghiện ma tuý của mình với cơ quan, tổ chức nơi làm việc hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) nơi cư trú và tự đăng ký hình thức cai nghiện ma tuý;

b) Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về cai nghiện ma tuý

* Gia đình người nghiện ma tuý có trách nhiệm:

a) Khai báo với Uỷ ban nhân dân cấp xã về người nghiện ma tuý trong gia đình mình và tự đăng ký hình thức cai nghiện cho người đó;

b) Động viên, giúp đỡ và quản lý người sau cai nghiện ma tuý cai nghiện tại gia đình, cai nghiện ma tuý tại cộng đồng theo sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ y tế và Uỷ ban nhân dân cấp xã;

c) Theo dõi, giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn người nghiện sử dụng trái phép chất ma tuý hoặc có hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội.

d) Hỗ trợ cơ quan cấp xã có trách nhiệm tổ chức cho người nghiện ma tuý, gia đình người nghiện ma tuý khai báo về tình trạng nghiện ma tuý và đăng ký hình thức cai nghiện.

* Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức cho người nghiện ma tuý, gia đình người nghiện ma tuý khai báo về tình trạng nghiện ma tuý và đăng ký hình thức cai nghiện

2. Về biện pháp và hình thức cai nghiện

* Các biện pháp cai nghiện ma tuý bao gồm:

a) Cai nghiện tự nguyện

b) Cai nghiện bắt buộc

* Các hình thức cai nghiện bắt buộc

a) Cai nghiện ma tuý tại gia đình;

b) Cai nghiện ma tuý tại cộng đồng;

c) Cai nghiện ma tuý tại cơ sở cai nghiện

3. Về thời hạn cai nghiện

- Thời hạn cai tại gia đình, cai tại cộng đồng được Luật sửa đổi quy định cụ thể từ 6 tháng đến 12 tháng (Luật Phòng chống ma tuý năm 2000 giao Chính phủ quy định cụ thể và tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng và Nghị định số 56/2002/NĐ-CP ngày 15/5/2002 của Chính phủ về tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng quy định thời hạn cai nghiện tại gia đình và cộng đồng ít nhất là 6 tháng).

- Thời hạn cai tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc giữ nguyên như trước đây là 1 - 2 năm.

4. Về xử lý người đang cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện mà phạm tội:

Người đang cai nghiện ma tuý bắt buộc tại cơ sở cai nghiện mà phạm tội, nếu thời gian bị phạt tù ít hơn thời gian cai nghiện ma tuý tại cơ sở cai nghiện bắt buộc; trường hợp phải chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo thì vẫn phải thực hiện cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc

5. Về quản lý sau cai nghiện

a) Người nghiện sau khi cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma tuý phải chịu sự quản lý sau cai nghiện từ 1 đến 2 năm theo một trong 2 hình thức: quản lý tại nơi cư trú hoặc quản lý tập trung tại cơ sở quản lý sau cai nghiện đối với người có nguy cơ tái nghiện cao;

b) Luật sửa đổi cũng quy định rõ về nội dung quản lý sau cai nghiện ở các hình thức này.

c) Luật sửa đổi giao Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí xác định đối tượng có nguy cơ tái nghiện cao; thẩm quyền quyết định, trình tự thủ tục ra vào các cơ sở quản lý sau cai nghiện; chế độ quản lý và chính sách hỗ trợ cho người sau cai nghiện, tổ chức và hoạt động của cơ sở sau cai nghiện.

6. Về chương trình giảm tác hại

Thời gian qua, tệ nạn nghiện ma tuý đã gây ra hậu quả trên nhiều mặt như gây mất trật tự xã hội, nguồn gốc phát sinh tội phạm, đặc biệt làm lây lan nhanh dịch HIV qua đường tiêm chích ma tuý và gây tổn hại đớn về kinh tế - xã hội. Vì vậy, Luật sửa đổi đã xác định rõ biện pháp can thiệp làm giảm hậu quả tác hại liên quan đến hành vi sử dụng ma tuý của người nghiện ma tuý gây ra cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Các biện pháp can thiệp giảm tác hại của nghiện ma tuý được triển khai trong nhóm người nghiện ma tuý thông qua các chương trình, dự án phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Luật sửa đổi giao Chính phủ quyết định cụ thể và tổ chức thực hiện các biện pháp này.

7. Một số quy định khác

- Giám thị trại giam, giám thị trại tạm giam, giám đốc cơ sở giáo dục, hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải thông báo cho Uỷ ban nhân dân cấp xã về việc cai nghiện ma tuý của người nghiện ma tuý quy định tại khoản 1 Điều này khi họ trở về nơi cư trú.

- Luật sửa đổi quy định khá rõ về kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức cai nghiện ma tuý, quản lý sau cai nghiện, phòng chống tái nghiện ma tuý bao gồm từ 3 nguồn: ngân sách Nhà nước, đóng góp của người cai nghiện ma tuý và gia đình họ; các nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài.

- Về trách nhiệm quản lý Nhà nước, Luật sửa đổi đã thêm các nội dung về vấn đề quản lý sau cai nghiện đối với chức năng làm quản lý Nhà nước của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cụ thể là: Xây dựng về tổ chức thực hiện chiến lược, chủ trương, chính sách, về tổ chức cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện; Chỉ đạo tổ chức cai nghiện ma tuý, quản lý sau cai nghiện và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện; Hướng dẫn, chỉ đạo việc thành lập, giải thể cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở quản lý sau cai nghiện.

- Luật sửa đổi này có hiệu lực từ ngày 01 - 01 – 2009./.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất