Thứ Hai, 30/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 9/4/2012 22:20'(GMT+7)

Khởi động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế

Tham dự Diễn đàn có lãnh đạo các Bộ, ngành, các Uỷ Ban của Quốc hội, các chuyên gia, các nhà khoa học, một số tập đoàn kinh tế, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên- Huế...

Phát biểu tại phiên bế mạc, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Ủy ban Kinh tế của Quốc hội với vai trò là cơ quan được Ủy ban thường vụ Quốc hội giao chủ trì thẩm tra Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2011 và tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012 và chủ trì thẩm tra Đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế để trình Quốc hội xem xét. Với mục tiêu tham vấn các chuyên gia trong nước và một số chuyên gia nước ngoài để tiếp thu những ý kiến xác đáng chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3 tới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã cùng với các cơ quan hữu quan phối hợp tổ chức Diễn đàn Kinh tế mùa xuân trong 2 ngày vừa qua; có thể nói đây là hoạt động có ý nghĩa tích cực, góp phần quan trọng đánh giá đúng thực trạng, gợi mở hướng đi, đồng thời đề xuất được một số kiến nghị, giải pháp thiết thực cho hành động thực tế của các cơ quan hữu quan tới đây.

Tại Diễn đàn đã có hơn 50 ý kiến phát biểu được chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc với các nội dung tập trung xoay quanh chủ đề của diễn đàn được phân tích sâu, có căn cứ lý luận, thực tiễn và có sức thuyết phục cao. Các nội dung được đưa ra tại 5 phiên thảo luận vừa qua được tiếp cận từ nhiều góc nhìn khác nhau, ‎ý kiến khá đa chiều, thậm chí có ý kiến trái ngược, nhưng cũng thể hiện tinh thần trao đổi, phản biện, thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và cởi mở. Vấn đề thảo luận rộng, ý kiến Diễn đàn rất phong phú. Về kết quả thực hiện KT-XH năm 2011 và nhiệm vụ năm 2012, nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, quan hệ giữa các giải pháp ngắn hạn và dài hạn v.v…Về xu hướng 2012, nhận định chung là tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn suy giảm và nhiều bất ổn. Kinh tế của Việt Nam năm 2012 sẽ tiếp tục gặp khó khăn, thách thức: cơ sở tăng trưởng GDP năm 2012 nhìn chung là yếu hơn so với các năm trước; dư địa chính sách để chống lạm phát và ổn định vĩ mô bị thu hẹp đáng kể; tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng dư địa cũng đang còn rất rộng.

Trong Diễn đàn có một số luồng ý kiến chính: Luồng ý kiến thứ nhất: đề nghị kiên trì các chủ trương, giải pháp đã có, điều hành linh hoạt, chủ động hơn để thực hiện mục tiêu hoặc cố gắng đạt gần mục tiêu là lạm phát ở mức 1 con số hầu hết dự báo và nên điều hành khoảng 7-8%, tăng trưởng kinh tế khoảng 6%. Luồng‎ ý kiến thứ hai xuất phát từ nhận định tình hình đã ở mức khó khăn đáng báo động; lo ngại rằng nền kinh tế nước ta đang lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan “đình trệ - lạm phát”. Từ đó, đề xuất phải thay đổi ưu tiên số 1 từ kiềm chế lạm phát sang ngăn ngừa tình trạng đình trệ và thực hiện nhiều hơn các giải pháp hỗ trợ, "cứu" doanh nghiệp. Dù nhìn ở góc độ nào, các ý‎ kiến trong Diễn đàn cũng rất đáng lưu ý để các nhà hoạch định chính sách tham vấn nhằm đưa ra quyết định sát thực tế, điều chỉnh/không điều chỉnh chính sách phù hợp tình hình mới.

Về nội dung tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; đánh giá chung về thực trạng vấn đề này, các ‎ ý kiến khá tập trung: các vấn đề về cơ cấu và mô hình tăng trưởng bất cập so với thực tại và càng bộc lộ rõ khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong phiên này, ý kiến còn khác nhau về khái niệm mô hình tăng trưởng, mô hình phát triển, quan điểm chung về tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế cũng được tiếp cận ở các góc độ khác nhau; nhưng qua thảo luận đã giúp Diễn đàn phác họa bước đầu mô hình phát triển/tăng trưởng giai đoạn 2012-2020, đề xuất các giải pháp định hướng chung về hệ thống pháp luật, thể chế chính sách và mô hình quản lý; điều kiện thực hiện và tính khả thi... Nội dung của phiên này đã gợi mở, định hướng cho các phiên họp về từng đề án tái cơ cấu thành phần tiếp theo.

Về tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn và tổng công ty. Đây là nội dung nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, đánh giá thẳng thắn về thực trạng hoạt động của DNNN, về vai trò của DNNN nói riêng và kinh tế nhà nước đối với nền kinh tế. Đây cũng là vấn đề đã được tranh luận nhiều trong suốt thời gian qua. Ngay tại Diễn đàn này cũng có ý kiến trao trực tiếp của các chuyên gia, cũng như của đại diện một số doanh nghiệp, làm sáng tỏ hơn những khó khăn của doanh nghiệp Nhà nước hiện nay.

Trên cơ sở phân tích thực trạng, chỉ ra các hạn chế, yếu kém, đề xuất, Diễn đàn đã tập trung vào một số vấn đề như: hoàn thiện hành lang pháp lý, khẩn trương xây dựng Luật quản lý vốn Nhà nước hoặc Luật đầu tư công, và Nghị định riêng đối với Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, phân tách giữa vai trò-chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước và chức năng QLNN, xây dựng một số tiêu chí giám sát chung và đặc thù vấn đề có sử dụng DNNN là công cụ để can thiệp ổn định kinh tế vĩ mô; cần sớm chấm dứt biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp; đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp. Ngoài việc hoàn thiện chính sách và yêu cầu nâng cao vai trò của chủ sở hữu, sức ép cạnh tranh cũng buộc bản thân các DNNN phải tự đổi mới, cải tiến hạ tầng - kỹ thuật - công nghệ, cải cách hệ thống quản trị, quản lý...

Về nội dung tái cơ cấu đầu tư, trước hết là đầu tư công; Về nội dung này, các ý kiến tập trung: tỷ lệ đầu tư công cao và đang có xu hướng gia tăng, tuy nhiên hiệu quả chưa tương xứng với tỷ lệ đầu tư. Đáng lưu ‎ ý là thể chế quản lý đầu tư - huy động sử dụng vốn, quy hoạch, phân cấp quản lý còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ và đủ mạnh; giám sát, kiểm tra có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, chế tài chưa nghiêm. Một số ý kiến lo ngại nếu tiếp tục duy trì đầu tư công quá cao sẽ dẫn đến "lấn át" đầu tư của các thành phần kinh tế khác. Các đề xuất, kiến nghị khá tập trung vào việc thay đổi nhận thức về vai trò-chức năng kinh tế của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường; đầu tư từ NSNN chỉ nên tập trung vào một số ngành, lĩnh vực, còn lại phải khuyến khích và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân, là khu vực luôn có hiệu quả hoạt động cao hơn, từ đó nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp và toàn nền kinh tế. Đổi mới thể chế kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công phải được đặt vào một hệ thống quan điểm đồng bộ, gắn liền với đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, làm rõ những nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, đổi mới cơ chế phân cấp và quản lý đầu tư công, tăng cường chu trình quản lý đầu tư công nhằm tránh được tình trạng phê duyệt các dự án đầu tư công tốn kém và thiếu hiệu quả...
 
Về nội dung tái cơ cấu hệ thống tài chính tiền tệ, trọng tâm là hệ thống NHTM và các định chế tài chính. Về nhóm nội dung này, có ý kiến nhận định, thời gian qua, sự phát triển của nền kinh tế có tác động sâu, rộng đến sự phát triển của hệ thống tài chính tiền tệ, đã thúc đẩy phát triển về quy mô, chất lượng dịch vụ. Nhưng cũng bộc lộ thực trạng yếu kém, dễ tổn thương được tích tụ từ lâu của hệ thống tổ chức tín dụng. Có ‎ ý kiến cảnh báo rằng, thị trường tài chính-chứng khoán-trái phiếu phát triển chưa tương thích với thị trường tiền tệ; thị trường tài chính nông thôn phát triển chậm so với yêu cầu; thị trường thứ cấp còn rất manh nha. Cơ cấu về quy mô chưa hợp lý, quá nhiều các công ty chứng khoán-quỹ đầu tư, thiếu ngân hàng có quy mô lớn, thiếu các định chế tài chính có quy mô phù hợp. Thị trường giao dịch chứng khoán phát triển không ổn định. Mức độ an toàn của hệ thống tài chính chưa cao. Nợ xấu toàn hệ thống TCTD. Nguyên nhân cơ bản là do môi trường pháp lý, năng lực hoạt động của các định chế tài chính còn quá nhiều bất cập, thiếu đồng bộ; sự phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa chưa chặt chẽ. Về các giải pháp, các đại biểu cho rằng cần triển khai quyết liệt giải pháp và lộ trình thực hiện đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” đã được Chính phủ phê duyệt, cùng với quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp và đầu tư công. Tiến trình tái cơ cấu tài chính phải dựa trên 3 trụ cột gồm: Bảo vệ hữu hiệu lợi ích nhà đầu tư, cổ đông nhỏ lẻ thông qua cải thiện hệ thống thông tin minh bạch, kiểm toán, kế toán, định giá, báo cáo tài chính và các chế tài hữu hiệu, kỷ luật thị trường; Hoàn thiện hệ thống giám sát tài chính như một trụ cột; và cổ phần hóa ngân hàng thương mại nhà nước, DNNN, công ty bảo hiểm đi liền với cải cách hệ thống quản trị tại các định chế này cùng phát triển các định chế tài chính chuyên nghiệp.

Diễn đàn kinh tế mùa xuân đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn, có trách nhiệm, từ đó tăng cường sự đồng thuận từ tư duy tới hành động, nhằm đưa ra những đề xuất, kiến nghị thiết thực và triển khai có hiệu quả trên thực tế. Có thể thấy rằng, khối lượng các thông tin xoay quanh nội dung Diễn đàn là khá lớn xét cả về tổng quan, cả chi tiết, cả lý luận và cả thực tiễn. Các thông tin tại Diễn đàn rất có ý nghĩa, không chỉ làm dày thêm kiến thức, mà còn góp phần lan tỏa ngay sau Diễn đàn này, khi các đại biểu trở về công việc của mình. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ngay sau Diễn đàn, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội và các cơ quan chức năng nghiên cứu, tiếp thu hợp lý những ý kiến xác đáng của các vị đại biểu để hình thành các báo cáo có chất lượng trình UBTVQH tại phiên họp thứ 7 và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 tới đây. Ủy ban Kinh tế, Viện KHXHVN và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp khẩn trương tập hợp, đúc rút tất cả các ‎ ý kiến để xây dựng và hình thành kiến nghị Diễn đàn, gửi các vị lãnh đạo, cơ quan có thẩm quyền và các đại biểu Quốc hội để có thêm thông tin thảo luận tại kỳ họp Quốc hội sắp tới./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất