Tính đến tháng 2/2017, ngành BHXH đã chuyển giao cho Tổng LĐLĐ 1.177 bộ hồ sơ các doanh nghiệp nợ BHXH. Về phía Tổng LĐLĐ, thống kê từ 52 LĐLĐ tỉnh thành cho thấy đã tiếp nhận 1.150 hồ sơ. Đến nay, đã có 39/63 LĐLĐ các tỉnh thành phố nộp đơn khởi kiện ra tòa với 77 vụ doanh nghiệp nợ BHXH.
Việc gửi đơn khởi kiện của các LĐLĐ thành phố đã đạt được những kết quả nhất định. Tại các tỉnh thành, ngay khi LĐLĐ nộp đơn khởi kiện, một số doanh nghiệp đã mang tiền đến đóng số nợ BHXH. “LĐLĐ một số địa phương như Đồng Nai, Bình Dương trước khi khởi kiện đã thông báo tới chủ doanh nghiệp nếu không đóng nợ BHXH sẽ khởi kiện. Theo thống kê, sau khi có thông tin khởi kiện, doanh nghiệp nợ BHXH đã nộp được khoảng 299 tỷ đồng”, ông Mai Đức Chính cho biết.
Lý giải về tình trạng có một số hồ sơ khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH bị toà án trả lại, ông Mai Đức Chính cho biết: "Tại cuộc họp Thường trực Ban Bí thư trước Tết Âm lịch, Tổng LĐLĐ báo cáo việc khó khăn trong khởi kiện nợ BHXH và đề nghị Ban Bí thư chỉ đạo Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn các cấp tòa án họ thụ lý. Sau đó Văn phòng Trung ương Đảng đã có thông báo kết luận Thường trực Ban bí thư gửi Ban cán sự Đảng tòa án. Sau đó Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội, Viện kiểm soát nhân dân tối cao, Bộ LĐTBXH, Bộ Tư pháp... tổ chức họp lấy ý kiến".
“Tại cuộc họp, quan điểm của Tòa án nhân dân tối cao cho rằng, trốn đóng BHXH là hành vi nghiêm cấm trong Luật BHXH và phải bị xử lý theo luật xử lý vi phạm hành chính. Điều đó có nghĩa là BHXH Việt Nam có chức năng thanh tra thu thì phải là cơ quan xử phạt trước. Nếu doanh nghiệp không chấp hành hoặc chấp hành hình thức thì BHXH có quyền kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền và khởi tố hình sự”, ông Mai Đức Chính cho biết.
Từ quan điểm này mà Tòa án nhân dân tối cao có hướng dân yêu cầu các tòa địa phương đã nhận đơn kiện doanh nghiệp nợ BHXH trả lại đơn kiện. “Nếu Công đoàn khởi kiện thì khởi kiện BHXH vì Nhà nước đã giao cho quyền cho BHXH thu tiền BHXH mà không thực hiện được đó là lỗi của BHXH. Từ cuộc họp đó, Vụ Pháp chế và quản lý khoa học (Tòa án nhân dân tối cao) tiếp thu ý kiến đóng góp của các cơ quan hữu quan và báo Hội đồng thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao trước khi báo cáo Thường trực Ban Bí thư về những khó khăn vướng mắc và giải pháp. Do đó, về mặt khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH thì coi như đang bế tắc về luật pháp”, ông Mai Đức Chính cho biết.
Hiện nay có hai hướng đề xuất giải quyết vấn đề khởi kiện nợ BHXH. Theo đó, BHXH vừa thanh tra thu vừa khởi kiện. Để thực hiện theo hướng này thì phải sửa luật BHXH và tố tụng dân sự.
Hướng thứ hai là giao cho công đoàn khởi kiện thì phải là cho công đoàn cấp trên khởi kiện. “Nếu giao công đoàn cơ sở khởi kiện thì không bao giờ thực hiện được vì chủ tịch công đoàn cơ sở là người ăn lương của doanh nghiệp. Công đoàn cơ sở chưa nộp đơn thì chủ tịch công đoàn có khi đã bị chủ doanh nghiệp cho nghỉ việc”, ông Mai Đức Chính cho biết.
Do đó, việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH đang chờ Tòa án nhân dân tối cao báo cáo Thường trực Ban bí thư và sẽ có chỉ đạo cụ thể trong thời gian tới”, ông Mai Đức Chính cho biết.
Xuân Cường (Báo Tin Tức)