Thứ Bảy, 23/11/2024
Đường lối, chính sách
Chủ Nhật, 12/3/2017 18:46'(GMT+7)

Năm 2017 tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

1. Về việc lập dự toán chi phí quản lý của BHXH Việt Năm năm 2015

Vừa qua, một số cơ quan báo chí thông tin cho rằng, “chi phí quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam năm (BHXH Việt Nam) 2015 tăng 75,8% so với năm 2014”. Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định thông tin này là hoàn toàn không chính xác. Cụ thể, theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, việc lập dự toán chi phí quản lý của BHXH Việt Nam năm 2015 tăng 75,8%, tức tăng khoảng 3.193 tỷ đồng so với năm 2014. Đây là việc lập dự toán chi phí quản lý của BHXH VN năm 2015 chứ không phải là số chi phí quản lý của BHXH Việt Nam. Đây là số liệu dự toán BHXH Việt Nam lập gửi Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan, không phải là dự toán chi phí quản lý được Thủ tướng phủ giao.

Dự toán chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) năm 2015 của BHXH Việt Nam được Bộ Tài chính thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 28/01/2015 là 6.560 tỷ đồng, tăng 59% (2.445 tỷ đồng) so với dự toán năm 2014.

Chi phí quản lý bộ máy của BHXH Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2015 tăng 2.445 tỷ đồng so với dự toán năm 2014 là để thực hiện một số nhiệm vụ cần thiết, cấp bách mà năm 2014 trở về trước chưa được bố trí kinh phí hoặc bố trí ở mức thấp do tuân thủ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Ông Phạm Lương Sơn cũng cho biết, một số nhiệm vụ cần thiết, cấp bách đó là:

Thứ nhất, chi cho công tác tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN; Chi đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN (nội dung chi này năm 2014 chưa được bố trí kinh phí); Chi ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) theo yêu cầu của Luật BHXH, Luật BHYT, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của ngành BHXH Việt Nam giai đoạn 2012-2015 theo Quyết định số 152/QĐ-TTg ngày 28/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, chi phục vụ trực tiếp đối tượng tham gia, thụ hưởng, phát triển đối tượng. Năm 2015, khoản mục chi này tăng 36% so với năm 2014. Nguyên nhân là do số đối tượng tham gia, số đối tượng thụ hưởng, số thu, số chi BHXH, BHYT, BHTN đều tăng nên các khoản chi thù lao Đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT của một số đối tượng và chi UBND xã lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình, phục vụ công tác thu; chi phí chi trả lương hưu, giám định BHYT... cũng tăng tương ứng.

Thứ ba, chi thường xuyên cho hoạt động bộ máy. Năm 2015 chỉ tăng 6% so với năm 2014 do nâng lương hàng năm. Còn chi quản lý hành chính năm 2015 không tăng so với năm 2014.

Như vậy, chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN năm 2015 tăng 59% so với năm 2014 chủ yếu để thực hiện các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách và phục vụ trực tiếp đối tượng tham gia, thụ hưởng, phát triển đối tượng trong năm qua tăng rất lớn.  Như vậy, nội dung chi thường xuyên cho hoạt động bộ máy chỉ tăng 6% so với năm 2014. Đây là điều tôi muốn khẳng định lại và thông tin rõ ràng tới các cơ quan thông tấn báo chí có các bạn phóng viên đang dự cuộc Tọa đàm này.

Về thông tin tổng số chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN vượt tổng số thu, ông Phạm Lương Sơn cũng cho biết, thực tế số thu BHXH năm 2015 là 148.375 tỷ đồng, số chi chế độ BHXH từ quỹ BHXH là 102.797 tỷ đồng bằng 69,3% số thu trong năm; số thu BHTN năm 2015 là 9.710 tỷ đồng, số chi chế độ BHTN từ quỹ BHTN là 4.883 tỷ đồng bằng 50,3% số thu trong năm; số thu BHYT năm 2015 là 59.669 tỷ đồng, số chi KCB BHYT là 49.035 tỷ đồng bằng 82% số thu trong năm. Như vậy, tổng số chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN hàng năm không vượt tổng số thu trong năm.

2. Về việc cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế

Về việc cấp trùng thẻ BHYT, ông Phạm Lương Sơn cũng cho biết, cấp trùng thẻ tập trung chủ yếu ở nhóm các đối tượng được Ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ tiền đóng BHYT.

Nguyên nhân cấp trùng thẻ BHYT là do có nhiều cơ quan quản lý lập danh sách đối tượng chuyển sang để cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT. Do đó, nếu thông tin không trùng khớp (họ tên, địa chỉ, ngày sinh...) dẫn đến một người có thể được cấp hơn một thẻ ở các nhóm đối tượng khác nhau. Ví dụ, vừa có thẻ thuộc nhóm người có công với cách mạng, vừa ở nhóm thân nhân lực lượng vũ trang, hay cựu chiến binh, người dân tộc thiểu số... Với việc có nhiều đầu mối cùng đề nghị cơ quan BHXH cấp thẻ dẫn đến trùng thẻ là không thể tránh khỏi.

Để hạn chế việc cấp trùng thẻ, BHXH Việt Nam đã bổ sung chức năng rà soát thẻ trùng trong “Phần mềm quản lý thu, cấp sổ thẻ BHYT”. Qua đó, tình trạng cấp trùng thẻ BHYT qua các năm đã giảm đáng kể. Cụ thể: Năm 2013 số thẻ BHYT cấp trùng là 230.835 thẻ; số tiền cấp trùng là 133,69 tỷ đồng. Năm 2014 số thẻ BHYT cấp trùng là 160.912; số tiền cấp trùng là 82,2 tỷ đồng. Năm 2015 số thẻ BHYT cấp trùng là 116.096; số tiền cấp trùng là 54 tỷ đồng.

BHXH Việt Nam hiện đang triển khai rà soát toàn bộ dữ liệu, đối tượng tham gia BHYT theo danh sách thống kê hộ gia đình, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung và cấp số định danh cho người tham gia BHYT. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi quy trình cấp, quản lý, sử dụng thẻ BHYT theo hướng: người tham gia BHYT chỉ được cấp một số định danh duy nhất. Khi phát hành thẻ BHYT dữ liệu cấp thẻ được rà soát trên cơ sở dữ liệu chung do BHXH Việt Nam quản lý để đảm bảo một người chỉ được cấp 1 thẻ BHYT.

Ông Phạm Lương Sơn cũng nhấn mạnh, một người cho dù có được cấp nhiều thẻ BHYT nhưng khi đi KCB thì cũng chỉ sử dụng 1 thẻ và số tiền cấp trùng vẫn nằm trong Quỹ BHYT nên không có sự thất thoát ngân sách nhà nước do cấp trùng thẻ.

3. Về việc cơ sở y tế lạm chi, trục lợi Quỹ BHYT

Ông Phạm Lương Sơn cho biết, qua công tác kiểm tra, giám định BHXH Việt Nam đã phát hiện nhiều cơ sở khám chữa bệnh (KCB) có tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT như: Đưa ra các hình thức khuyến mại không phù hợp để thu hút người bệnh; chỉ định các DVKT, thuốc quá mức cần thiết để tăng thu; kê thêm nhiều chẩn đoán để hợp lý hóa các chỉ định (có nhiều trường hợp được kê đến 10, 15 chẩn đoán); tăng cường đưa người bệnh chỉ cần điều trị ngoại trú vào điều trị nội trú để tăng thu tiền giường bệnh (một số cơ sở có tỷ lệ vào điều trị nội trú cao hơn mức trung bình  1,5 đến 2 lần); sử dụng các bác sỹ chưa đủ điều kiện về chứng chỉ hành nghề, đăng ký hành nghề để cung cấp DVYT.  

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra tình trạng liên kết, liên doanh lắp đặt máy móc, trang thiết bị tại cơ sở KCB theo hình thức xã hội hóa đã phát sinh nhiều bất cập. Đặc biệt là tình trạng cho mượn máy để cung cấp hóa chất xét nghiệm. Một số nơi đã lợi dụng việc chưa có các quy định về cho thuê, mượn, đặt máy, khi xây dựng đề án, ký kết hợp đồng có những điều khoản ràng buộc về số lượt dịch vụ, số lượng hóa chất, vật tư sử dụng hàng tháng.

Để nhanh thu hồi vốn hoặc đáp ứng điều kiện sử dụng hóa chất của các công ty đặt máy, cơ sở KCB đã chỉ định rộng rãi, quá mức cần thiết các dịch vụ kỹ thuật, xét , làm gia tăng chi phí phải chi trả từ quỹ BHYT và của người dân. Một số cơ sở KCB có máy do ngân sách đầu tư nhưng lại chủ yếu thực hiện trên máy xã hội hóa và người bệnh phải trả thêm tiền chênh lệch giữa giá do cơ sở KCB xây dựng và giá viện phí do Nhà nước quy định. 

Thời gian qua, BHXH Việt Nam và cơ quan BHXH các địa phương đã tăng cường công tác giám định, kiểm tra, từ chối thanh toán các chi phí sai quy định hàng trăm tỷ đồng mỗi năm; đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

Để phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, ngoài cơ quan BHXH, cần có sự vào cuộc của Chính quyền, ngành y tế, người dân. Về phía BHXH Việt Nam, thời gian qua đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ như:

Một là, thành lập các đoàn kiểm tra trực tiếp việc thanh toán chi phí KCB tại các địa phương;

Hai là, phối hợp với Bộ Y tế, Tổng hội Y học Việt Nam triển khai đánh giá công tác KCB tại địa phương theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Công văn số 7200/VPCP-KGVX. Báo cáo kết quả sẽ được chúng tôi công bố trong thời gian tới.

Ba là, chỉ đạo BHXH 63 tỉnh, thành phố tập trung kiểm soát chi phí; đánh giá nguyên nhân và các yếu tố tác động đến việc gia tăng chi phí KCB BHYT, đặc biệt tại các cơ sở y tế có chi phí tăng cao, bất thường; Chủ động tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám định tại các cơ sở khám chữa bệnh; Kiên quyết từ chối thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật, thuốc cung cấp và thanh toán sai quy định;

Bốn là, yêu cầu BHXH các tỉnh, TP phối hợp với Sở Y tế tổ chức tốt việc đấu thầu, đảm bảo đủ thuốc, VTYT điều trị hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT.

Đặc biệt, từ cuối tháng 6/2016, BHXH Việt Nam đã chính thức vận hành Hệ thống thông tin giám định BHYT điện tử, kết nối với trên 99% cơ sở khám chữa bệnh BHYT từ tuyến xã đến Trung ương trên phạm vi toàn quốc.  Việc giám định BHYT điện tử là bước đột phá, có ý nghĩa quan trọng, làm thay đổi căn bản phương pháp giám định, quản lý chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT. Với khối lượng công việc “khổng lồ” gần 150 triệu hồ sơ, bệnh án phải giám định mỗi năm, trên 22.000 loại thuốc, 18.000 dịch vụ kỹ thuật y tế, Hệ thống thông tin giám định BHYT vừa giúp giải quyết nhanh chóng, kịp thời chế độ cho người dân tham gia BHYT, vừa giảm áp lực đối với cơ quan BHXH. Quan trọng hơn là đảm bảo tính chính xác trong công tác giám định, minh bạch trong thanh toán BHYT, mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý và ngăn ngừa tình trạng trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT. Thời gian qua, hệ thống cũng đã phát hiện những trường hợp đi khám chữa bệnh nhiều lần trong ngày, nhiều trong tháng để “lấy” thuốc không vì mục đích điều trị của bản thân (có trường hợp đi khám trên 300 lần trên 7 tháng).

Theo ông Phạm Lương Sơn, hiện BHXH Việt Nam đang xây dựng, cập nhật các quy tắc giám định theo quy trình kỹ thuật của Bộ Y tế để Hệ thống phát hiện các trường hợp người cung cấp dịch vụ không đủ điều kiện; chỉ định DVKT, thuốc không phù hợp, quá mức cần thiết; thống kê thanh toán sai quy định; đồng thời kiểm soát giá thuốc, vật tư y tế; xác định các cơ sở y tế có gia tăng chi phí bất thường, dịch vụ gia tăng bất thường để kịp thời kiểm tra, ngăn ngừa lạm dụng trục lợi BHYT.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đang phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính để rà soát các dịch vụ có giá cao, không phù hợp với thực tế để điều chỉnh nhằm giảm tình trạng tăng chỉ định đối với các dịch vụ này. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đề nghị với Bộ Y tế sớm ban hành các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị; thay đổi phương thức thanh toán hiệu quả hơn…  Đây là cơ sở để người dân tin tưởng vào hiệu quả sử dụng quỹ BHYT, yên tâm khi tham gia BHYT, đẩy nhanh thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.

Năm 2017, ngành BHXH sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng quỹ KCB BHYT, đẩy nhanh tiến độ triển khai Hệ thống thông tin giám định BHYT để đảm bảo công khai, minh bạch và đảm bảo quyền lợi người bệnh BHYT; thành lập Trung tâm hỗ trợ khách hàng để hỗ trợ, tiếp nhận và xử lý kịp thời những phản ánh của người tham gia BHYT.

4. Về thực trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN

Ông Phạm Lương Sơn cho biết, tính đến ngày 31/12/2016, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN của BHXH các tỉnh, thành phố (sau khi đã trừ số tiền do ngân sách nhà nước chậm đóng BHYT) là 7.580 tỷ đồng, bằng 3,22% kế hoạch thu, trong đó: Nợ BHXH 6.551 tỷ đồng, nợ BHTN 323 tỷ đồng và nợ BHYT 705 tỷ đồng. Tình trạng nợ BHXH vẫn diễn ra ở tất cả các tỉnh, thành phố, ở rất nhiều doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế ngoài quốc doanh, có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước...

 Về công tác đôn đốc thu hồi nợ, BHXH Việt Nam luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các địa phương. BHXH Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ký Quy chế phối hợp về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra toà án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN đã tiếp tục khẳng định quyết tâm của hai ngành trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động. Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng đã thực hiện một số biện pháp như:

Thứ nhất, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố định kỳ báo cáo cấp ủy và chính quyền địa phương về tình hình thực hiện thu nộp BHXH, BHYT trên địa bàn. Tham mưu cho Tỉnh ủy, Thành ủy UBND tỉnh, TP ban hành văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị sử dụng lao động.

Thứ hai, hàng quý gửi thông báo danh sách các doanh nghiệp nợ tiền lớn, thời gian kéo dài từ 3 tháng trở lên đến Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố để phối hợp chỉ đạo công tác thu nợ.

Thứ ba, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức thực hiện các phóng sự, chuyên đề về nợ BHXH, BHYT nhằm tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người tham gia BHXH, BHYT.

Thứ tư, giao chỉ tiêu phấn đấu giảm nợ cho các tỉnh, thành phố; coi đây là chỉ tiêu xem xét thi đua hàng quý, năm đối với BHXH các tỉnh, thành phố.

Thứ năm, cử cán bộ chuyên quản xuống địa phương để đôn đốc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Thứ sáu, BHXH Việt Nam ký quy chế phối hợp với các bộ ngành trong công tác tuyên truyền, đôn đốc thu hồi nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN.

Thứ bảy, phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ LĐ-TB &XH, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban MTTQ Việt Nam giám sát việc thực hiện pháp luật tại một số tỉnh, thành phố, một số doanh nghiệp nợ tiền đóng BHXH kéo dài.

Kết quả, nhờ các biện pháp tích cực nhằm giảm nợ đọng BHXH, BHYT, năm 2016 tỷ lệ nợ BHXH, BHYT, BHTN đã giảm xuống còn 3,22% so với số phải thu. (Năm 2015 tỷ lệ nợ là 4,88%; số tiền là 9.920 tỷ đồng).

5. Về việc quản lý BHXH, BHYT, BHTN

Về vấn đề này, ông Phạm Lương Sơn cho rằng, đối với bất cứ quốc gia nào, chi phí quản lý có vai trò rất quan trọng, cần thiết để đảm bảo các điều kiện tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN tốt nhất. Thời gian qua, ngành BHXH tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT, tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN đáp ứng yêu cầu của Luật BHXH sửa đổi năm 2014 và tương xứng với nhiệm vụ giao. Mức chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN giai đoạn này đã được các Bộ, Ngành thống nhất trình Chính phủ báo cáo và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua (tại Nghị quyết số 1083/2015/UBTVQH13 ngày 16/12/2015, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Kết quả ngành BHXH đạt được năm 2016 rất rõ nét, hiệu quả tương xứng với mức chi phí quản lý được giao, cụ thể:

Số người tham gia BHXH tăng 7,9% so với năm 2015; số người tham gia BHTN tăng 8,9% so với năm 2015; số người tham gia BHYT là 75,8 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 81,8% dân số, vượt 2,8% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.

Công tác cải cách hành chính được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức chuyên ngành trong và ngoài nước đánh giá cao, trong đó: Thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Ngành được cắt giảm xuống còn 32 thủ tục (giảm 01 thủ tục so với thời điểm cuối năm 2015), thành phần hồ sơ giảm 38%; tiêu thức tờ khai, biểu mẫu giảm 42%; quy trình, thao tác thực hiện giảm 54%; thời gian giao dịch thực hiện thủ tục hành chính về BHXH, BHYT của các doanh nghiệp với cơ quan BHXH giảm còn 49 giờ/năm.

Ứng dụng CNTT được quan tâm, xây dựng trung tâm dữ liệu; Hệ thống phần mềm và Cổng thông tin thực hiện giao dịch điện tử và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4.

Đặc biệt trong năm 2016, BHXH Việt Nam đã tập trung triển khai thực hiện 2 dự án công nghệ thông tin có sức ảnh hưởng lớn đến quá trình hiện đại hóa của Ngành, đó là: Hệ thống thông tin giám định BHYT kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH và các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT trên toàn quốc để cung cấp, tra cứu dữ liệu thẻ BHYT và giám định chi phí KCB BHYT phát sinh góp phần nâng cao hiệu quả quản lý quỹ KCB BHYT, tạo thuận lợi cho cơ sở y tế và người có thẻ BHYT đến KCB. Hệ thống cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT, nền tảng hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, BHYT. Đến nay cả nước đã thu thập và nhập thông tin của trên 24,2 triệu hộ gia đình, cơ bản đạt tỷ lệ 100% dân số cả nước và đồng bộ dữ liệu cấp thẻ BHYT cho 65,7 triệu người.

Trong thời gian tới, khi việc ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý của ngành BHXH cơ bản đã hoàn thiện và đẩy mạnh giao dịch điện tử, mặc dù khối lượng công việc của Ngành tiếp tục tăng (số đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHTN, số tiền thu, chi quỹ BHXH, BHTN ngày càng gia tăng) nhưng mức chi phí quản lý sẽ giảm dần.

6. Về việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu

Theo ông Phạm Lương Sơn, quá trình xây dựng và phát triển hệ thống BHXH thông thường đòi hỏi phải thường xuyên đánh giá và nếu cần thiết thì phải thay đổi tham số của hệ thống cho phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội như điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Già hóa dân số là một thực tế trên toàn cầu. Vì vậy, hệ thống hưu trí các nước, trong đó có Việt Nam, buộc phải xem xét ảnh hưởng của những thay đổi này.

Việt Nam đang ở trong thời kỳ cuối của giai đoạn “dân số vàng”. Quá trình già hóa dân số diễn ra rất nhanh. Nếu tuổi nghỉ hưu vẫn giữ ở 60 đối với nam và 55 đối với nữ, tỷ lệ người nghỉ hưu so với người đang trong độ tuổi lao động dự đoán sẽ tăng từ 19,4% (năm 2009) lên 59,5% (2049) và tiếp tục lên 77,7% (năm 2099).

Trong bối cảnh tuổi thọ trung bình tiếp tục tăng, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động so với người nghỉ hưu đang ngày càng giảm đi do mức sinh giảm cũng như sức khỏe và tuổi thọ tăng lên, Việt Nam cần nâng dần tuổi nghỉ hưu để bảo đảm mối tương quan giữa đóng và hưởng BHXH và giải quyết thiếu hụt lao động trong tương lai.

Với xu hướng già hóa dân số, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ giúp bù đắp phần lao động bị thiếu hụt khi số người trong độ tuổi lao động bị giảm sút cũng như để duy trì tính bền vững về tài chính của hệ thống hưu trí.

Quan trọng hơn, cần phải đưa chế độ hưu trí về đúng với bản chất là chế độ bảo hiểm tuổi già. Theo đó, cần quy định tuổi nghỉ hưu của Việt Nam cho phù hợp với đặc điểm của con người Việt Nam, tương đồng với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực. Đồng thời, cần nghiên cứu để sớm có quy định về mức sàn lương hưu hay là mức lương hưu thấp nhất phải đảm bảo cuộc sống tối thiểu của người về hưu.

Theo ông Phạm Lương Sơn việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu vừa đảm bảo tương quan giữa đóng và hưởng, vừa giải quyết việc thiếu hụt lao động khi tỷ lệ người trong độ tuổi lao động so với người nghỉ hưu ngày càng giảm đi do mức sinh giảm. Đây là một trong các giải pháp để bảo đảm vấn đề an toàn, lâu dài cho quỹ hưu trí và tử tuất, đưa chế độ hưu trí về đúng với bản chất là chế độ bảo hiểm tuổi già.

Ông Phạm Lương Sơn cũng khẳng định, giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu không liên quan đến vấn đề chi phí bộ máy của cơ quan BHXH.

Theo quy định của Điều 187 Bộ luật Lao động hiện hành về tuổi nghỉ hưu và theo cách tính của Luật BHXH năm 2014, nếu đủ 15 năm đóng BHXH được hưởng lương hưu ở mức 45%; từ năm thứ 16 trở đi, mỗi năm sẽ cộng 2% đối với nam và 3% đối với nữ. Hiện nay mức hưởng lương hưu tối đa là 75% cho nam nghỉ hưu ở tuổi 60, nữ ở tuổi 55. 

Vậy khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nam từ 60 lên 62, nữ từ 55 lên 58 hoặc 60 sẽ đặt ra ra các vấn đề sau. Xin được hỏi lần lượt với các vị khách mời.

Tỷ lệ đóng góp vào quỹ hưu trí và tử tuất còn thấp so với mức hưởng lương hưu (tổng mức đóng góp là 22%, trong khi tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho 25 năm đóng bảo hiểm xã hội đối với nữ và 30 năm đối với nam). Tỷ lệ hưởng lương hưu bình quân của nam là 2,5% cho một năm đóng, của nữ là 3% cho một năm đóng là quá cao (bình quân các nước trên thế giới là 1,7%).

Có 3 cách để xử lý vấn đề cân đối trong đóng- hưởng là: Tăng mức đóng, giảm mức hưởng hoặc kéo dài thời gian đóng, rút ngắn thời gian hưởng.

Trong thực tế, việc tăng mức đóng khó thực hiện vì áp lực cho người SDLĐ và người lao động bị giảm thu nhập; giảm mức hưởng cũng khó vì người lao động không đồng tình. Vậy chỉ còn cách tăng điều kiện về thời gian đóng BHXH, rút ngắn thời gian hưởng  nghĩa là tăng tuổi nghỉ hưu.

Do đó, với thực tế hiện nay quan điểm của chúng tôi là, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chưa nên tính đến điều chỉnh tăng tỷ lệ % mức đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Ông Phạm Lương Sơn cũng khẳng định, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu không liên quan đến chi phí bộ máy BHXH. Chúng ta hướng tới tăng dần tuổi nghỉ hưu cho phù hợp với đặc điểm của con người Việt Nam, tương đồng với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực (Lào, Phi-lip-pin, Cam-pu-chia tuổi nghỉ hưu cả với nam và nữ là 60 tuổi).

Về mức chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN, trong đó có chi phí bộ máy, ngành BHXH lập dự toán và báo cáo, giải trình để Bộ Tài chính thẩm định trình Thủ tướng phê duyệt giao chỉ tiêu thu, chi. BHXH Việt Nam luôn hướng tới tiết kiệm chi phí bộ máy nhằm phục vụ cho các nhiệm vụ cấp bách, cần thiết và chi trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng.

Hằng năm, BHXH Việt Nam đều họp báo công khai số liệu thu, chi các quỹ BHXH, BHYT, BHTN. Hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách và việc quản lý, sử dụng quỹ BHXH. Quỹ BHXH được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán định kỳ 3 năm. Ngoài ra, theo yêu cầu của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ, quỹ BHXH còn được kiểm toán đột xuất. Người lao động và người dân hoàn toàn có thể yên tâm về tính minh bạch trong quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT, BHTN. Việc điều chỉnh chính sách, pháp luật đều nhằm mục tiêu để quỹ được bảo toàn và tăng trưởng tốt hơn; đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN.

Ông Phạm Lương Sơn cũng bày tỏ mong muốn tất cả người lao động được tham gia BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ, đúng quy định; góp phần đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, phát triển kinh tế đất nước bền vững.

Thu Hằng (lược ghi)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất