Thứ Sáu, 22/11/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Hai, 30/12/2013 10:42'(GMT+7)

Khơi tình yêu biển đảo trong trái tim tuổi trẻ đất Tổ

Học sinh trên cả nước tham gia hội thi Chúng em với biển đảo quê hương

Học sinh trên cả nước tham gia hội thi Chúng em với biển đảo quê hương

Giờ học môn Địa lý của các em học sinh lớp 12 trường Trung học phổ thông (THPT) dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ, thầy giáo đã tích hợp vào môn học này những kiến thức cơ bản về vị trí địa lý, đặc điểm một số đảo, quần đảo trên vùng biển nước ta. Lớp học rất sôi nổi, nhiều em chăm chú lắng nghe, nhiều em hăng hái phát biểu và đặt câu hỏi về những thông tin thời sự trên Biển Đông.

Em Phùng Thị Minh Phượng, người dân tộc Mường, học sinh lớp 12C trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ bộc bạch: Quê em ở huyện miền núi Tân Sơn (Phú Thọ), trước đây em cũng ít được tiếp cận với những thông tin về biển đảo của Việt Nam. Từ những bài giảng của thầy, cô và những hoạt động ngoại khóa em thấy trách nhiệm của thế hệ trẻ chúng em rất lớn trong việc phát huy thế mạnh và bảo vệ vùng biển đảo Việt Nam .

Thầy Bùi Nghĩa Hoàng- giáo viên môn Địa Lý trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ cho biết: trong các bài giảng môn địa lý có chương trình lồng ghép về biển đảo Việt Nam , tôi thấy học sinh rất hứng thú nghe giảng. Nhiều em còn gặp riêng thầy để bày tỏ quan điểm của mình trước những vấn đề nóng trên Biển Đông. Tôi cho rằng, thông qua những giờ học ngoại khóa và chương trình lồng ghép như vậy sẽ giúp các em có cái nhìn đúng đắn, khách quan trước nhiều luồng thông tin mà các em được tiếp cận.

Giờ học môn Lịch sử trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ), các em học sinh đang được thầy giáo trao đổi với học sinh về những tấm bản đồ cổ khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam trên Biển Đông.

Thầy Đỗ Đức Dũng, giáo viên môn Lịch sử trường THPT chuyên Hùng Vương khẳng định: Với phương pháp tích hợp vào tiết học và những bài giảng phù hợp, giúp học sinh có cách nhìn đúng đắn, từ đó nâng cao trách nhiệm của các em đối với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.

Ngoài những giờ học tích hợp trong các môn Địa lý, Lịch sử và Giáo dục công dân, để các em học sinh hiểu hơn về vị trí của lãnh thổ Việt Nam trên Biển Đông, các trường còn treo trang trọng những tấm bản đồ tại những vị trí dễ quan sát nhất trong nhà trường để các em tìm hiểu. Bên cạnh đó, các trường THPT trong tỉnh còn tổ chức các buổi ngoại khóa nhằm giúp các em tìm hiểu sâu hơn về tài nguyên và môi trường biển, hải đảo; chủ quyền biển, hải đảo Việt Nam; vai trò của biển, hải đảo đối với an ninh quốc phòng, sự phát triển kinh tế - xã hội,…

Em Đỗ Văn Minh, học sinh lớp 11A trường THPT dân tộc nội trú tỉnh chia sẻ: Thông qua các hoạt động ngoại khóa giúp cho chúng em có những kỹ năng để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, gìn giữ vùng biển, đảo quê hương. Và cũng qua những kiến thức đã học được chúng em sẽ có hành động thiết thực hơn để bảo vệ môi trường biển. Chúng em ở một tỉnh miền núi không có biển nhưng chúng em có thể tham gia các hoạt động tuyên truyền về biển, đảo tại bản, làng quê em.

“Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa/ Quần đảo đứng hiên ngang thiên hùng ca ngời sáng,…”, giai điệu của bài hát “Nơi đảo xa” được phát ra từ hệ thống loa phát thanh trường THTP chuyên Hùng Vương đem lại nhiều cảm xúc mãnh liệt cho những trái tim tuổi trẻ đất Tổ đang rèn luyện dưới mái trường này.

Là học sinh chuyên Toán vốn đã quen với những con số khô khan, nhưng khi nghe ca khúc "Nơi đảo xa" em Nguyễn Thị Xuân Trà, lớp 12 Toán trường THTP chuyên Hùng Vương không giấu được cảm xúc chia sẻ: cảm xúc trào dâng khó tả trong từng lời bài hát. ...

Thầy Phùng Kiên Cương, Bí thư Đoàn Trường chuyên Hùng Vương cho biết: Ngoài những môn xã hội được tích hợp, những giờ học ngoại khóa, trong các buổi phát thanh của nhà trường, chúng tôi đã lồng ghép rất nhiều nội dung về biển, đảo: về vị trí địa lý của biển Đông, lịch sử khẳng định chủ quyền các quần đảo Việt Nam, Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982,…Đặc biệt, chúng tôi thường xuyên phát các ca khúc về biển đảo quê hương. Qua đó để các em cảm thấy tự hào và có trách nhiệm hơn trong vấn đề bảo vệ, sử dụng tài nguyên thiên nhiên biển đảo cũng như bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam .

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Hiệu trưởng trường THPT dân tộc nội trú tỉnh khẳng định: đối với các em học sinh vùng dân tộc thiểu số, ngoài việc tuyên truyền để các em có kiến thức cơ bản về bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, c húng tôi còn mong muốn mỗi các em là một tuyên truyền viên để tuyên truyền vận động gia đình, bản, làng tại địa phương của các em có kiến thức nhất định về chủ quyền biển đảo Việt Nam và từ đó giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu nước cho các em.

Còn với hai em Nguyễn Thị Huyền Trang và Lê Văn Thành học sinh lớp Lớp 11 A7, Trường THPT Thanh Thuỷ, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) thì hai tiếng “Trường Sa” thân thương biết nhường nào. Chưa từng được một lần được đặt chân tới vùng biển thiêng thiêng của tổ quốc, trong trái tim và trí tưởng tượng của các em thì chủ quyền Trường Sa như một tượng đài cho tinh thần và ý chí bất diệt của dân tộc ta. Chính từ tình yêu đó, các em đã bắt tay xây dựng ý tưởng cột mốc chủ quyền Trường Sa bằng tăm tre.

Bên cạnh việc tích hợp kiến thức về biển đảo vào các môn liên quan, trường còn chú trọng liên tục đổi mới cách ra đề kiểm tra theo hướng đề mở đề các em học sinh tích cực tìm tòi kiến thức và thường xuyên cập nhật tin tức thời sự của đất nước về biển đảo. Qua đó, nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, xây dưng ý thức công dân về biển đảo quê hương đòng thời nhân lên trong mỗi học sinh lòng tự hào về biển đảo quê hương.

Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Phú Thọ cho biết: Ngoài việc thực hiện việc tích hợp, lồng ghép về vấn đề biển đảo trong các giờ học môn xã hội và giờ ngoại khóa, năm học 2013 – 2014, Sở đã tổ chức gắn nhiều bản đồ cổ gồm: Đại Nam nhất thống toàn đồ, Bản đồ các đài khí tượng Đông Dương (do nhà nước phong kiến Việt Nam trước đây phát hành), Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ, An Nam đại quốc họa đồ tại tất cả các trường THPT trên trong tỉnh để cán bộ, giáo viên và học sinh các trường xem và hiểu hơn nữa về vai trò, vị trí của chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên Biển Đông.

Là một tỉnh trung du, miền núi không có biển, chưa một lần các em được đặt chân tới biển, đảo nhưng qua thông qua những kiến thức mà các em được học, các buổi ngoại khóa đã giúp các em biết tự hào với vùng biển quê hương, biết chia sẻ với những khó khăn của các chiến sỹ đang canh gác nơi tiền tiêu của Tổ quốc và từ đó các em sẽ có hành động đúng để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương./.

Theo
TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất