Chủ Nhật, 24/11/2024
Pháp luật
Thứ Năm, 27/9/2012 23:35'(GMT+7)

Khởi tố bị can bốn cựu lãnh đạo Ngân hàng ACB

 
Theo thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra, liên quan đến vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội (Quyết định khởi tố số 04/C46(P10) ngày 28/9/2011), quá trình điều tra đến nay đã có căn cứ xác định Huỳnh Thị Huyền Như có hành vi lừa đảo chiếm đoạt của Ngân hàng ACB số tiền 718,9 tỷ đồng.

Để xảy ra thiệt hại này có hành vi cố ý làm trái của một số cá nhân nguyên là lãnh đạo Ngân hàng ACB đã ra chủ trương để Ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền VND và USD vào 29 ngân hàng để hưởng lãi suất cao hơn trần lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định. Trong đó, việc gửi tiền vào Ngân hàng Viettinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh để hưởng lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng từ 3,7 đến 8%/năm đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 718,9 tỷ đồng.

Những việc làm của các thành viên Thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB đã sai quy định tại Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng và Thông tư số 02/2011/TT-NHNN ngày 3/3/2011 của Ngân hàng Nhà nước, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh tiền tệ và trực tiếp gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB 718,9 tỷ đồng.

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám đốc và Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Đối với các ông Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị; Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB (đã có đơn từ nhiệm) đã có hành vi ra chủ trương cho ủy thác để nhân viên dùng tiền Ngân hàng ACB gửi vào các tổ chức tín dụng sai quy định, gây hậu quả nghiêm trọng; là đồng phạm với Lý Xuân Hải, Nguyễn Đức Kiên về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Xét thấy các ông Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang có nhân thân tốt, có thái độ khai báo thành khẩn, tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra, có nơi cư trú rõ ràng và xét mức độ hành vi vi phạm, Cơ quan điều tra đã thống nhất với Viện Kiểm sát Tối cao áp dụng biện pháp cấm rời khỏi nơi cư trú và cho tại ngoại.

Cơ quan điều tra khẳng định, trên nguyên tắc mọi công dân bình đẳng trước pháp luật, ông Trần Xuân Giá cũng là một công dân bình thường, phải chấp hành quy định của pháp luật. Người nào có công lao đóng góp cho đất nước thì được Đảng, Nhà nước ghi nhận, nếu sai phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự như mọi công dân khác. Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng cho biết, vụ án này được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chặt chẽ, trên tinh thần xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng, gây mất ổn định chính sách tiền tệ quốc gia.

Cũng trong chiều 27/9, thông tin thêm về vụ án này trong phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 9/2012, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, đây là một trong các hoạt động nhằm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. Việc khởi tố được tiến hành với những người đã từ nhiệm khỏi vị trí lãnh đạo ACB nên không ảnh hưởng tới hoạt động ngân hàng này.

Cũng liên quan đến lĩnh vực tái cơ cấu ngân hàng, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết sẽ sắp xếp theo đúng quy định các ngân hàng cổ phần yếu kém, gắn với đó là thực thi nghiêm pháp luật, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là các hành vi nhằm thâu tóm trái phép./.

(TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất