Thứ Bảy, 23/11/2024
Xã hội
Thứ Ba, 13/11/2018 15:41'(GMT+7)

Khởi tố hơn 72.000 vụ án trong năm 2018, tội phạm tham nhũng tăng

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2018 của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2018 của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sau khi Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí đã trình bày Báo cáo công tác năm 2018. 

PHÁT HIỆN, KHỞI TỐ ĐIỀU TRA NHIỀU VỤ ÁN THAM NHŨNG

Khái quát về tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng đã khởi tố mới hơn 72.000 vụ án, tăng 3,2% so với năm 2017, trong đó đáng chú ý là tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng 32,2%, tội phạm về ma túy tăng 12,6%, tội phạm về trật tự xã hội tăng 0,8%. 

Một số nhóm tội về xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường đều giảm. Tuy nhiên, tính chất, mức độ nguy hiểm của phạm tội cao hơn, gây thiệt hại lớn cho xã hội.

Đáng lưu ý, các tổ chức phản động trong và ngoài nước đã lợi dụng việc Quốc hội thảo luận một số dự án luật, để tuyên truyền, kích động biểu tình, gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản của cơ quan Nhà nước.

Ngành tiếp tục phát hiện, khởi tố điều tra nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế với sự cấu kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với những người có chức vụ, quyền hạn; có vụ liên quan đến cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước; đã phát hiện, khởi tố nhiều vụ án về ma túy đặc biệt nghiêm trọng.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm, toàn ngành kiểm sát đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, xác định 4 mục tiêu và 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm; thực hiện nghiêm quy định nhằm tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm. 

Toàn ngành thực hiện các quy định về trách nhiệm trong hoạt động tư pháp, như tăng cường kiểm sát ngay từ đầu quá trình tố tụng, phải hỏi cung trước khi quyết định truy tố, khi bị can kêu oan, sai hoặc phát hiện hoạt động điều tra vi phạm pháp luật...; kiểm sát chặt chẽ việc thực hiện các thủ tục tố tụng và tham gia đầy đủ các phiên tòa dân sự, hành chính, kinh doanh, thương mại thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát; đẩy mạnh công tác kháng nghị, kiến nghị trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, công tác cán bộ trong toàn ngành được tập trung đổi mới; thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động, biệt phái kiểm sát viên; yêu cầu đánh giá công chức trên cơ sở thành tích, sản phẩm cụ thể, có định lượng; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả công tác nghiệp vụ… Công tác xây dựng, hướng dẫn thi hành pháp luật được đẩy mạnh.

Toàn ngành đã hoàn thành hơn 3.500 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những vi phạm, thiếu sót, xử lý nghiêm một số trường hợp vi phạm; đã lựa chọn, tổ chức hơn 8.600 phiên tòa để cán bộ ngành kiểm sát, tòa án học hỏi, rút kinh nghiệm. Hiệu quả công tác phối hợp của ngành với các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành, cơ quan tư pháp trong xây dựng, hướng dẫn thi hành pháp luật được nâng cao.

Từ việc triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, trách nhiệm công tố đã được tăng cường; chất lượng hoạt động điều tra, truy tố án hình sự tiếp tục được nâng lên. Viện Kiểm sát các cấp đã kiểm sát chặt chẽ 100% vụ án hình sự ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; yêu cầu khởi tố hơn 665 vụ án; trực tiếp khởi tố và yêu cầu điều tra 17 vụ án; trực tiếp khởi tố 17 bị can...

Kết quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử được nâng cao, góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Do đó, các trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục giảm dần. Số người bị bắt, giữ chuyển xử lý hình sự đạt 97,54% (tăng 0,2%); tỷ lệ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra giảm 1,2%...

Các vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế được tập trung chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh và triệt để. Số vụ án được phát hiện, khởi tố tăng 32,2%. Theo đó, vai trò, trách nhiệm công tố của Viện Kiểm sát nhân dân được thể hiện rõ hơn, nhất là việc áp dụng các biện pháp tố tụng trong đấu tranh làm rõ hành vi, xác định tội danh, thu hồi tài sản hàng ngàn tỷ đồng cho Nhà nước. Về công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, tỷ lệ giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo đạt 90,5%; tình trạng khiếu kiện vượt cấp được hạn chế, thông qua trực tiếp đối thoại, đã giải quyết dứt điểm nhiều khiếu kiện bức xúc, kéo dài của công dân. 

CÒN NHIỀU ĐƠN ĐỀ NGHỊ KHÁNG NGHỊ CHƯA GIẢI QUYẾT

Bên cạnh những kết quả tích cực, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí thừa nhận hoạt động của ngành kiểm sát trong năm 2018 còn một số hạn chế; còn xảy ra một số trường hợp bắt, tạm giữ về hình sự, sau phải trả tự do. Một số trường hợp đình chỉ do hành vi của bị can không cấu thành tội phạm; tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương còn cao. Một số bị cáo, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội; số đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa giải quyết còn nhiều, tỷ lệ giải quyết chưa đạt yêu cầu của Quốc hội đề ra.

Ngoài những nguyên nhân do năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận lãnh đạo, Kiểm sát viên của ngành còn hạn chế; việc tổ chức triển khai các chỉ đạo của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ở một số đơn vị chưa đạt yêu cầu, chưa nghiêm. Một số quy định mới của pháp luật chậm được hướng dẫn thi hành…

Năm 2019, ngành kiểm sát tiếp tục tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, đồng thời tăng cường chỉ đạo phát hiện khởi tố, điều tra, truy tố các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp để răn đe giáo dục chung, góp phần xây dựng bộ máy các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh. 

Đồng thời, ngành kiểm sát chủ động phối hợp các ngành chức năng rà soát, phát hiện, ngăn chặn xử lý các trường hợp có dấu hiệu hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự và ngược lại; tăng cường kiểm sát việc chấp hành các thủ tục tố tụng, khắc phục các vi phạm về thời hạn, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất